Tái chế 100.000 tấn lốp xe mỗi năm, sản phẩm được tạo ra từ 100% nguyên liệu tái tạo
Mới đây, nhà sản xuất phụ tùng ô tô và xe tải Bridgestone cho biết họ dự kiến sẽ hoàn thành việc phát triển công nghệ mới để tái chế lốp xe sớm nhất vào năm 2030 nhằm giảm lượng khí thải carbon trong chuỗi cung ứng ô tô.
Công ty có trụ sở tại Tokyo đặt mục tiêu sử dụng quy trình tái chế hóa học giúp phá vỡ vật liệu lốp xe xuống cấp độ phân tử để tái sử dụng. Đầu tiên, lốp xe được nấu chảy, sau đó, các hợp chất được phân hủy bằng cách sử dụng chất xúc tác ở nhiệt độ quy định.
Bridgestone tin rằng quy trình này sẽ có thể tái chế khoảng 100.000 tấn lốp xe mỗi năm, tương đương 10% trong số lốp xe bị thải bỏ hàng năm ở Nhật Bản.
Chương trình nghiên cứu và phát triển trên đang được thực hiện với công ty dầu khí Nhật Bản Eneos Holdings. Theo Nikkei, Bridgestone sẽ chi khoảng 20 tỷ yên (tương đương 134 triệu USD) đến năm 2030 cho nỗ lực này.
Công ty cho biết thêm rằng một cơ sở xử lý 20.000 đến 30.000 tấn lốp xe sẽ được thành lập vào năm 2024 để xác định phương pháp tái chế hiệu quả nhất. Sau đó, một nhà máy tái chế chính thức sẽ được xây dựng vào năm 2030.
Cao su – vật liệu chiếm khoảng một nửa khối lượng của lốp xe, được làm bằng isoprene (chất tự nhiên được làm từ nhựa cây cao su) hoặc bằng butadien (vật liệu tổng hợp có nguồn gốc từ hóa dầu naphtha). Công nghệ mới của Bridgestone sẽ giúp tái sử dụng cả 2 vật liệu này. Lốp tái chế dự kiến sẽ có giá cao hơn so với lốp hoàn toàn mới.
Masashi Otsuki, người đứng đầu nhóm vật liệu tiên tiến của Bridgestone, cho biết: “Nếu cung cấp lốp xe có tuổi thọ cao hơn và giá trị gia tăng cao hơn các sản phẩm thông thường, chúng tôi có thể thu được chi phí tái chế bằng cách tính thêm một số tiền nhất định vào giá thành”.
Một số công ty sản xuất lốp xe khác của Nhật Bản là Yokohama Rubber và nhà sản xuất vật liệu Zeon có trụ sở tại Tokyo cũng đã hợp tác để bắt đầu phát triển công nghệ thu hồi nguyên liệu thô từ lốp xe thải loại.
Đầu tiên, carbon monoxide và hydro sẽ được thu hồi từ lốp xe đã qua sử dụng và được biến thành ethanol. Công ty Zeon dự định sử dụng nó để sản xuất vật liệu cao su tổng hợp butadien. Kế hoạch của công ty này là xây dựng một nhà máy lớn vào năm 2024.
Thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 60% butadien có thể được tái chế từ lốp xe đã qua xử lý bằng phương pháp trên. Zeon và Yokohama Rubber dự kiến sẽ nâng sản lượng lên khoảng 80% khi quy trình của họ đạt đến giai đoạn khả thi vào năm 2034. Đồng thời, các nhà nghiên cứu sẽ tìm kiếm các chất xúc tác phù hợp để nâng cao sản lượng.
Zeon hiện có nhà máy sản xuất lốp xe ở tỉnh Yamaguchi của Nhật Bản và ở Singapore. Công ty sẽ xem xét các cơ sở sản xuất hàng loạt trong và ngoài nước trong thời gian tới.
Hầu hết các lốp xe đã được xử lý sẽ bị thiêu hủy. Một chiếc lốp thông thường thải ra ước tính khoảng 300 kg carbon dioxide trong suốt vòng đời của nó. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất lốp ô tô Nhật Bản, vào năm 2021, Nhật Bản đã loại bỏ 91 triệu lốp xe vào năm 2021 thông qua việc thay lốp hoặc thải loại xe. Điều đó dẫn tới việc 1 triệu tấn lốp xe bị loại bỏ và chỉ một phần trong số đó được tái chế.
Tờ Nikkei cho biết nhu cầu về lốp xe dự kiến sẽ tăng lên. Theo công ty Report Ocean của Mỹ, thị trường lốp ô tô toàn cầu sẽ đạt 219,8 tỷ USD vào năm 2030 – tăng khoảng 50% so với năm 2021.
Tuy nhiên, các vùng sản xuất cao su tự nhiên sẽ vẫn bị hạn chế về quy mô. Không loại trừ khả năng nguyên liệu thô cho cao su tổng hợp sẽ trở nên khó tiếp cận hơn.
Ngay cả khi lốp xe có thể tái chế hoàn toàn, nguồn cung sẽ không đủ đáp ứng nhu cầu trong tương lai. Một số công ty đang nghiên cứu chế tạo lốp xe từ các vật liệu sinh khối như ngô.
Tháng 4 vừa qua, chi nhánh tại Mỹ của Bridgestone đã công bố quan hệ đối tác độc quyền với công ty thu hồi và chuyển hóa carbon LanzaTech để xử lý chất thải từ lốp xe. Hai công ty cho biết họ có kế hoạch đồng phát triển quy trình tái chế lốp chuyên dụng thông qua công nghệ độc quyền của LanzaTech.
Theo số liệu thống kê, hơn 1 tỷ lốp xe trên toàn cầu sắp hết thời gian sử dụng mỗi năm. Bridgestone và LanzaTech sẽ hợp tác để giải quyết vấn đề này bằng cách biến lốp xe hết tuổi thọ thành vật liệu mới, bao gồm cao su tổng hợp bền vững không phụ thuộc vào hóa dầu.
Paolo Ferrari – Chủ tịch kiêm CEO của Bridgestone tại Mỹ, cho biết: “Chúng tôi rất vui mừng được hợp tác với LanzaTech để cùng tạo ra lộ trình bền vững hơn cho lốp xe. Việc chúng tôi thực hiện ngày hôm nay góp phần cải thiện sức khỏe của hành tinh chúng ta cho các thế hệ tương lai”.
Bridgestone cho biết họ đặt mục tiêu đạt được mục tiêu carbon trung tính và sản xuất lốp xe từ 100% nguyên liệu tái tạo vào năm 2050. Công ty đang nghiên cứu các giải pháp khác nhau để hỗ trợ tái chế vật liệu từ lốp xe hết tuổi thọ và thúc đẩy việc thay thế các vật liệu không thể tái sinh như dầu, silica… trong sản phẩm lốp mới.
Nguồn: Nikkei, CNN
Nguồn : Source link