Xe đạp đang bán chạy đến mức cửa hàng anh thường hết hàng trước khi kịp lắp ráp chúng để trưng bày. Attayi cho biết ngay từ đầu tháng 5 anh đã đạt được doanh số bằng với cả năm 2019. Anh phải thuê thêm nhân viên để đáp ứng nhu cầu, và đã không nghỉ một ngày kể từ tháng 2 đến nay. Anh cũng đã tăng lương và bắt đầu “bao” luôn bữa trưa cho các nhân viên đang bị căng thẳng vì phải làm việc hết công suất của mình.
Trong khi tỷ lệ thất nghiệp đạt mức kỷ lục và các doanh nghiệp nhỏ tranh nhau để tồn tại, thì các cửa hàng xe đạp là một ngoại lệ.
Họ đang phát triển mạnh cho dù đang hoạt động ở các thành phố mà lượng xe hơi thống trị như Houston và Los Angeles hay các khu vực có truyền thống về xe đạp hơn như Portland, Oregon, New York và Washington DC. Giữ đủ lượng xe để cung cấp và hoàn tất việc sửa chữa kịp thời đã trở thành một thách thức. Trong một số trường hợp, họ còn từ chối cả khách hàng.
Một cuộc khảo sát gần đây từ Hiệp hội đại lý xe đạp quốc gia của Mỹ cho thấy 83% các cửa hàng quan tâm đến mức tồn kho của họ. Các nhà sản xuất xe đạp đang cố gắng để theo kịp tốc độ cầu.
“Thường thì chúng tôi khá ế ẩm, bán chậm, nhưng giờ đây, điện thoại không ngừng đổ chuông. Các nhân viên của tôi phải làm việc ‘ngập đầu’ và tôi hoàn toàn hiểu được”, Attayi nói.
Khách hàng mới đang tìm kiếm những cách để trở nên năng động và ra ngoài trời nhiều hơn. Các chủ cửa hàng xe đạp nói rằng việc đóng cửa các phòng tập thể dục và phòng tập yoga trong đại dịch đã góp phần thêm vào điều này. Những người khác thì cho rằng khách hàng đang tìm kiếm một sự thay thế cho giao thông công cộng trong việc đi lại. Thực hiện giãn cách xã hội trên các phương thức giao thông cá nhân, như xe hơi và xe đạp, là dễ nhất. Theo NPD Group, một công ty chuyên theo dõi doanh số bán lẻ, trong tháng 03/2020, doanh số bán xe đạp của Mỹ đã tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái.
“Xe đạp giống như giấy vệ sinh mới. Nếu nó có sẵn, hãy mua nó”, Attayi nói.
Garfield Cooper, ông chủ công ty xe đạp ZenCog ở Jacksonville, Florida, hiện phải thuê thêm nhân viên làm việc để cho kịp lượng xe cần được sửa chữa đang bị tồn đọng. Trước đây, việc sửa chữa thường được thực hiện trong 24 giờ, nhưng giờ đây phải cần đến một tháng. Giống như Attayi, Cooper cho biết ông đã không có được một ngày nghỉ kể từ tháng 2 đến nay.
Trong khi doanh số bán hàng của ông thường giảm trong những tháng mùa hè do nhiệt độ và độ ẩm tăng, nhưng Cooper cho biết đến thời điểm này, ông vẫn chưa thấy việc buôn bán của mình bị chậm lại.
“Đã lâu rồi kể từ thời xe đạp là một vật rất quan trọng đối với người dân Mỹ. Thật tuyệt khi giờ đây họ lại thích đi xe đạp”, Cooper nói.
Ông đang cố gắng giữ cho những thứ như yên xe đạp và mũ bảo hiểm luôn đủ hàng trong kho. Cooper cho biết ông thường xuyên gọi các cửa hàng khác để tìm những phụ tùng cần cho việc sửa chữa.
Robert Keating, người sở hữu Triathlon Lab bên ngoài Los Angeles, cho biết ông chưa bao giờ thấy sự bùng nổ xe đạp nào như hiện tại trong 37 năm làm việc trong các cửa hàng xe đạp. Ông đã thay đổi cửa hàng của mình từ chỗ tập trung vào loại cao cấp sang loại có giá phải chăng mà mọi người có thể đi trong khu phố của họ. Loại xe được mệnh danh là “Tàu tuần dương bãi biển” bán đặc biệt chạy, ông nói.
“Một số người đang nói rằng ‘thật vui khi được trở lại trên chiếc xe đạp của mình. Tôi không thể tin rằng mình đã bỏ nó quá lâu. Một số khác thì nói ‘Tôi không thể tin được việc đi xe lại khó như thế. Tôi sẽ rèn luyện sức mạnh của mình trở lại’ “, Keating kể lại.
Các chủ cửa hàng xe đạp cũng đang tự hỏi sự bùng nổ hiện tại sẽ kéo dài bao lâu. Một số người nói rằng khách hàng quan tâm nhiều hơn đến việc đi xe đạp vì với lưu lượng xe ít hơn, đường xá cảm thấy an toàn hơn. Sự quan tâm của họ dành cho xe đạp có thể sẽ suy yếu dần khi lưu lượng giao thông trở lại như bình thường trước đây. Tuy nhiên, một số thành phố đã bắt đầu phân bổ lại không gian đường phố dành cho xe đạp, do đó điều này có thể dẫn đến việc đi xe đạp nhiều hơn trong dài hạn. Khoảng 400 dặm làn đường xe đạp đã được xây dựng ở Mỹ trong thập niên qua, theo nhóm vận động People for Bikes.
Phil Koopman, chủ sở hữu của BikeSpace ở Washington DC, đã so sánh sự bùng nổ xe đạp hiện tại với năm 1999, khi nhiều người mua máy tính để chuẩn bị cho sự cố Y2K.
“Sau đó, các công ty đó đã không bán được nhiều máy tính trong vài năm vì ai cũng đã có một cái. Đó là câu hỏi lớn. Đây là chuyện chỉ xảy ra một lần duy nhất hay nó là một cái gì đó bền vững?”, Koopman nói.
Nguồn : Source link