Quyết tâm khai tử nạn “bom hàng”, ai đặt hàng không nhận sẽ bị phạt ít nhất 6 năm tù


Shipper – giao hàng là một ngành nghề vất vả, tưởng dễ mà không dễ. Chưa tính đến chuyện nắng mưa, họ còn phải hứng chịu rủi ro bị khách hủy đơn, đặt hàng rồi hủy dù bản thân đã ứng trước tiền, thậm chí là… “bom hàng” khi giao đến nơi.

Rủi ro này là một vấn nạn ở nhiều nơi trên thế giới, và Philippines cũng vậy, khi hiện tượng shipper nhận hàng rồi bị hủy đơn không hề hiếm gặp. Tuy nhiên sắp tới đây, nạn bom hàng tại Philippines có thể sẽ bị chấm dứt vĩnh viễn với dự luật sắp được ban hành.

Dự luật này đánh thẳng vào những người đặt hàng nhưng sau đó hủy đơn dù shipper đã ứng tiền và trên đường vận chuyển. Động thái này được đưa ra sau khi có rất nhiều shipper bị “bom hàng” trong thời điểm đại dịch, để lại gánh nặng cực lớn cho họ.

Cụ thể, đại diện Đảng Ako Bicol – Alfredo Garbin đã trình lên dự luật số 6958 trong đạo luật về Dịch vụ cung cấp và vận chuyển thực phẩm. Đạo luật này nghiêm cấm việc hủy bỏ đơn hàng sau khi tài xế đã ứng tiền và đang vận chuyển, hoặc khi hàng đã chuyển đến mà từ chối không nhận.

Với điều luật này, những người vi phạm có thể bị phạt ít nhất 6 năm tù giam, cùng một khoản tiền phạt lên tới 100.000 peso (khoảng hơn 46 triệu đồng). Ngoài ra, họ cũng phải trả phí phạt gấp đôi giá trị hàng cho bên cung cấp dịch vụ.

“Điều luật này nhằm ngăn cản những người đùa cợt trên nghề nghiệp của người khác, đặt hàng cho vui rồi hủy và gây tổn hại cho tài xế,” – trích trong dự luật.

Bên cạnh đó, Garbin cho biết bất kỳ ai có ý sỉ nhục, xúc phạm hoặc trêu chọc shipper có thể chịu án 6 tháng tù giam.

“Các khoản phạt có thể giảm bớt xuống nếu Quốc hội thấy quá nặng. Dù sao đây vẫn là dự luật, còn cần sửa đổi.”

Dĩ nhiên là vẫn có những ngoại lệ được phép hủy đơn mà không bị phạt. Đó là trường hợp khách hàng đã trả tiền trước (thông qua thẻ tín dụng, ví điện tử), hoặc trường hợp đặt hàng quá 1h so với thời gian dự kiến mà vẫn chưa nhận được. Và nếu việc chậm trễ là do cố ý, tài xế có thể bị phạt ngược lại 6 tháng tù giam.

Tham khảo: CNN, WOB



Nguồn : Source link