“Cho trẻ đi chơi ở đâu” luôn là câu hỏi khiến nhiều bậc phụ huynh trăn trở mỗi dịp cuối tuần đến. Nơi nào không quá xa Hà Nội, chi phí vừa phải lại có nhiều hoạt động thú vị cho trẻ vui chơi, học hỏi.
Vì lý do đó, vợ chồng anh Bùi Đình Tài (36 tuổi, quê Nghệ An, hiện tại đang sinh sống tại Hà Nội) đã mất không ít thời gian để lựa chọn địa điểm để đưa con đi chơi vào mỗi dịp cuối tuần phù hợp nhất với 3 tiêu chí chính của gia đình:
– Tiết kiệm chi phí.
– Cùng con trải nghiệm và khám phá, học hỏi những điều mới mẻ.
– Là dịp nghỉ ngơi, thư giãn của cả nhà.
Cộng với đam mê xê dịch vốn có của hai vợ chồng, anh Tài đã quyết định lựa chọn hình thức cùng con cắm trại ngay tại những địa điểm loanh quanh Hà Nội để đáp ứng các nhu cầu của mình.
Chia sẻ về quyết định cho con chơi theo hình thức này, anh Tài nói: “Các bạn nhỏ nhà mình bây giờ cứ đến gần cuối tuần hoặc được nghỉ học là lại hỏi bố ơi có đi cắm trại không. Điều đó chứng tỏ các con rất thích và hào hứng.
Đương nhiên tôi cũng chẳng cảm thấy lạ lẫm về cảm nhận này của các con bởi vì trong những chuyến đi cắm trại gần như thế này vừa không mất sức của cả nhà, các con lại không gian để đạp xe, chơi xe thăng bằng, vẽ tranh hoặc làm tất cả những gì mà các con muốn. Trong khi đó, bố mẹ lại có thời gian để cùng nhau nhâm nhi tách trà hoặc ly cà phê thơm phức. Nói chung là rất thoải mái và thư thái!”.
Theo chia sẻ của anh Bùi Đình Tài, hai vợ chồng anh cho bé thứ 2 đi cắm trại từ lúc 8 tháng.
“Khi cho con nhỏ đi cùng thì các bố mẹ chỉ cần chuẩn bị đồ ăn riêng cho bé thật đầy đủ và kĩ lưỡng là được. Còn với những trẻ khoảng 1 tuổi rưỡi đã có thể ăn chung với bố mẹ thì không cần. Ngoài ra nhớ mang thêm quần áo cho con tha hồ vui đùa.
Bí quyết để cho trẻ đi cắm trại cùng được thuận lợi thì bố mẹ cần nhớ chỉ là đảm bảo an toàn được cho trẻ và sắp xếp thật kĩ trước khi đi là được”, anh Tài lưu ý.
Nếu muốn thử cho bé cắm trại mà ngại đi xa khỏi Hà Nội, ví lại “cạn” thì bãi bồi sông Hồng chính là địa điểm đẹp khỏi chê.
1) Cách di chuyển đến khu vực cắm trại bãi rìa sông Hồng
Cách di chuyển tới đây khá đơn giản và càng trở nên dễ dàng hơn nữa khi đã có Google Map định vị. Bên cạnh đó, theo chỉ dẫn của anh Tài, các bố mẹ sau khi đi tới bãi sông thì rẽ vào phố Thạch Cầu, quận Long Biên, Hà Nội. Tới cuối con phố thì rẽ vào lối vườn nhãn Long Biên, sau đó trả phí 10.000 đồng/người và tiếp tục đi qua vườn nhãn để xuống bãi.
Các bố mẹ đừng vội hoang mang và lo lắng vì ngay cả khi không biết đường thì tại đây cũng đã có người thu phí và chỉ dẫn bạn tới khu vực để cắm trại.
Vì cả nhà cùng đam mê camping nên vợ chồng anh Tài quyết định “đầu tư” tất cả những đồ dùng cần thiết để mỗi chuyến cắm trại của cả gia đình trở nên gọn nhẹ, đơn giản và dễ dàng hơn.
2) Mẹo chuẩn bị đồ đạc cho chuyến cắm trại
“Vì hay đi cắm trại nên gia đình đã sắm tương đối đầy đủ đồ camping từ trước. Các đồ dùng để đi ra ngoài đều không dùng chung với đồ ở nhà. Khi về tới nhà thì vệ sinh sạch sẽ và cất vào khu riêng để có thể lôi ra sử dụng khi cần. Như vậy vừa không bị thiết sót, lại không mất thời gian chuẩn bị”, anh Tài chia sẻ.
Nhìn những bức ảnh cả gia đình anh Tài đi cắm trại cùng nhau, chắc hẳn ai cũng nhận thấy độ cẩn thận và “đầu tư” của vợ chồng anh.
Danh sách vật dụng thường tùy vào nhu cầu và mức độ đầu của mỗi gia đình. Song, như gia đình anh Tài đã chuẩn bị những đồ dùng sau mà mọi người có thể tham khảo:
– Bàn ghế, bếp, bộ đồ nấu ăn và bộ bát – đũa – thìa, dĩa.
– Thùng đá bảo quản thức ăn và bình giữ nhiệt.
– Lều vệ sinh.
– Thùng đựng nước sạch.
– Bếp nướng, hộp than.
– Giá treo túi rác (rất quan trọng).
– Bộ cối xay và máy pha cà phê cầm tay cho những ai đam mê thưởng thức cà phê.
Anh Tài cũng cho biết thêm, tất cả đồ dùng anh mua đều có chất lượng tốt từ những hãng có tên tuổi nên giá thành tương đối cao, nhưng bù lại khi dùng rất thích và tiện lợi. Tuy nhiên, nếu không có đủ điều kiện thì các bố mẹ có thể sắm “nhẹ tay” thì vẫn hoàn toàn hợp lý.
Lưu ý: Các bố mẹ nên chuẩn bị thêm vài thùng nước sạch mang đi để uống và cần dùng tới trong một số hoạt động khác.
Vì đi xe của nhà nên chi phí mà gia đình anh Tài phải bỏ ra rất ít. Trong đó, tiền vé vào cho cả gia đình và phí gửi xe chỉ hết khoảng 50.000 đồng. Ngoài ra chuẩn bị thêm một chút đồ ăn và hoa quả. Bình thường ở nhà ăn như thế nào thì mình mang đi như vậy nên các chuyến đi cắm trại như thế này của gia đình đều rất tiết kiệm.
Diện tích siêu rộng và mát mẻ của khu vực bãi đá sông Hồng quá lý tưởng cho các bé chơi trò thả diều.
Các bé dường như đang được tận hưởng tuổi thơ đúng nghĩa với chuyến đi này.
4) Trải nghiệm cắm trại, ngủ lều
Đi cắm trại trong ngày, tiết kiệm chi phí, không phải di chuyển nhiều mà trẻ lại thích mê vì được ra ngoài vui chơi, trải nghiệm các hoạt động gần gũi thiên nhiên. Theo anh Tài, cho các con đi cắm trại giúp các bé khám phá được nhiều hơn về thế giới xung quanh, học hỏi kỹ năng tự lập và rèn luyện thêm cách bảo vệ môi trường, giữ gìn vệ sinh công cộng.
“Học hỏi từ chính trải nghiệm thực sẽ giúp các bé thích nghi nhanh hơn với môi trường mới và giúp gia đình mình gắn kết hơn nữa. Mong rằng những kỷ niệm đẹp này sẽ đi theo con suốt chặng đường về sau!”, anh Tài chia sẻ.
Anh Tài thường hỏi ý kiến các bé trước để tính toán và chuẩn bị các món ăn trước khi đi.
5) Ưu – nhược điểm khi đi cắm trại ở bãi đá sông Hồng
– Ưu điểm: Khoảng cách rất gần, thuận tiện đi lại, không gian rộng rãi, thoáng mát, lộng gió của khu vực bãi đá sông Hồng cho trẻ thỏa sức chơi đùa.
– Nhược điểm: Vì gần nên cuối tuần khu vực này sẽ tương đối đông. Ngoài ra, do vẫn còn nhiều người chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh chung nên nơi đây khá nhiều rác. Vài tuần trở lại đây đã được cải thiện hơn do phía vườn nhãn long biên đã thu phí vệ sinh và đi thu dọn rác nhưng đây cũng là cơ hội để các bố mẹ dạy con biết về điều này.
“Thông thường nhà tôi sẽ gom rác vào túi và vứt tại điểm thu gom rác hoặc xe rác trên đường về nhà.”, anh Tài nói.
Theo anh Tài, việc giữ gìn vệ sinh chung là điều vô cùng cần thiết cho những chuyến đi như thế này.
Nguồn : Source link