Ô tô Trung Quốc đang bán tại Việt Nam ‘thảm hại’ ở quê nhà, Zotye Z8 và BAIC Q7 không bán nổi 1 xe


Theo thống kê của Hiệp hội ô tô Trung Quốc, trong tháng 10, thị trường đạt mức tiêu thụ 2,573 triệu xe, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp tăng trưởng, sau chuỗi 21 tháng giảm sâu. Doanh số 10 tháng đầu năm 2020 đạt tổng 19,699 triệu xe.

Hiệp hội này nhận định, nhiều chính sách thúc đẩy tiêu dùng trong nước tiếp tục phát huy tác dụng, cùng nỗ lực đẩy mạnh công tác phòng chống dịch bệnh và phát triển kinh tế, xã hội đã đạt được những kết quả đáng kể.

Beijing X7 có 2 tháng liên tiếp giảm doanh số tại Trung Quốc. Ảnh: Phạm Hà.

Dẫu vậy, dù tăng trưởng mạnh, nhưng không phải mẫu xe nào cũng khởi sắc doanh số, đặc biệt là những mẫu xe như BAIC Beijing X7, BAIC BJ40, BAIC X55, BAIC Q7, Zotye Z8 và Brilliance V7.

Trong tháng 10, BAIC bán được 3.791 xe Beijing X7, giảm 17,8% so với tháng trước, đánh dấu tháng thứ 2 liên tiếp mẫu xe này sụt giảm doanh số. Beijing X7 mang khá nhiều kỳ vọng của thương hiệu BAIC khi mới ra mắt hồi tháng 6 và nhanh chóng bán được 1.401 xe, tăng trưởng liên tiếp trong tháng 7 (3.103 xe) và tháng 8 (4.687 xe). Niềm vui của BAIC kéo dài không lâu khi doanh số của Beijing X7 bắt đầu có dấu hiệu trượt dốc trong tháng 9 và tháng 10.

Sau khi đạt đỉnh vào tháng 8, doanh số Beijing X7 bắt đầu giảm trong tháng 9 và tháng 10.

Tình trạng sụt giảm doanh số của Beijing X7 khó có lời giải thích nào thỏa đáng khi doanh số toàn thị trường tăng trưởng và người tiêu dùng Trung Quốc đặc biệt ưa chuộng phân khúc crossover cỡ trung. Để dễ so sánh, Honda CR-V đạt mức tiêu thụ 27.580 xe trong tháng này, gấp hơn 7 lần doanh số của Beijing X7.

Dù đang gặp khó tại quê nhà, nhưng Beijing X7 lại thăng hoa tại Việt Nam, khi đơn vị phân phối công bố đã nhận được 1.000 đơn đặt hàng. Có không ít khách hàng phải đặt cọc 100-200 triệu đồng để có suất mua xe.

Tương tự “người anh em” Beijing X7, ba mẫu xe khác nhà BAIC đang phân phối tại Việt Nam là BJ40, X55 và Q7 cũng giảm doanh số trong tháng 10. Cụ thể, BAIC BJ40 đạt mức tiêu thụ 2.000 xe, giảm 6,63%; BAIC X55 đạt mức tiêu thụ 102 xe, giảm 23,3% so với tháng trước; còn doanh số của BAIC Q7 là số 0 tròn trĩnh.

Zotye Z8 không bán được chiếc nào tại Trung Quốc từ tháng tư đến nay.

Trong khi đó, Zotye Z8 thê thảm không kém. Mẫu xe từng “làm mưa làm gió” tại Việt tiếp tục không bán được chiếc nào tại Trung Quốc từ tháng tư đến nay. Doanh số cộng dồn trong 10 tháng đầu năm 2020 chỉ đạt 1.695 xe, một con số quá nhỏ trong một thị trường ô tô lớn hàng đầu thế giới.

Khác với những mẫu xe kể trên, doanh số của Brilliance V7 trong tháng 10 lại tăng trưởng 135,3% so tháng trước, nhưng doanh số chỉ đạt vỏn vẹn 40 xe và tháng 9 là 17 xe. Ở thời điểm mới ra mắt năm 2018, Brilliance V7 có kết quả bán hàng khá khả quan với doanh số đều đặn 1.200-2.500 xe/tháng, nhưng bắt đầu giảm dần từ năm 2019 đến nay.

Loạt xe Trung Quốc đang bán tại Việt Nam không thành công về doanh số tại quê nhà.

Brilliance V7 thu hút được sự chú ý từ phía người tiêu dùng nhờ khung gầm và động cơ được phát triển với sự trợ giúp của đối tác BMW. Nhưng dường như điều đó không đủ để mẫu xe này thành công tại Trung Quốc, và góp phần khiến tập đoàn Brilliance Auto phá sản theo phán quyết của Tòa án Nhân dân Trung cấp thành phố Liêu Ninh, Thẩm Dương ngày 20/11. Ở Việt Nam, xe được phân phối với giá bán 738 triệu đồng.

Đồng ý rằng, người tiêu dùng nội địa ưa chuộng xe thương hiệu nước ngoài hơn xe Trung Quốc. Nhưng thị trường vẫn ghi nhận sự vươn lên của nhiều mẫu xe nội địa, như Haval H6 với doanh số 52.734 xe, Wuling Hongguang với doanh số 31.372 xe và Changan CS75 với doanh số 30.963 xe trong tháng 10. Vì thế có thể nhận ra rằng, BAIC Beijing X7, BAIC BJ40, BAIC X55, BAIC Q7, Zotye Z8 và Brilliance V7 sụt giảm doanh số là do thiếu sức cạnh tranh trên thị trường.



Nguồn : Source link