Những chiếc ô tô ‘second hand’ đã đẩy lạm phát Mỹ lên cao nhất 13 năm như thế nào?


Số liệu được công bố hồi tháng trước cho thấy lạm phát tiêu dùng của Mỹ trong tháng 4 đã tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất kể từ năm 2008. Sau đó, thị trường rơi vào trạng thái hoang mang, nhà đầu tư cũng lo ngại rằng lạm phát cao hơn và đợt nâng lãi suất của Fed có thể khiến giá trị tài sản sụt giảm.

Sau đó, hôm 10/6, tin xấu hơn lại xảy đến. Tháng 5, lạm phát hàng năm vẫn tiếp tục tăng lên mức 5%, tăng thêm 0,6% so với tháng trước đó. Tuy nhiên, lần này, thị trường tài chính lại lạc quan hơn. Một phần lý do có thể là phần lớn đà tăng của lạm phát lại đến từ một phần nhỏ của nền kinh tế, đó là thị trường ô tô đã qua sử dụng.

Các nhà kinh tế tổng hợp dữ liệu lạm phát mới nhất đã nhận thấy rằng, giá ô tô đã qua sử dụng tăng vọt chính là “thủ phạm” đứng sau xu hướng tăng này. Khoảng 1/3 tổng mức tăng của giá tiêu dùng trong tháng 5 so với tháng trước là do giá trị của những chiếc xe “second hand” tăng cao.

Theo số liệu chính thức từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, giá ô tô con và ô tô tải qua sử dụng đã tăng 30% trong năm qua. Nhiều người trong ngành ô tô cho rằng các chuyên gia đã đánh giá thấp yếu tố này.

Chỉ số mới nhất theo dõi giá trị xe đã qua sử dụng của Manheim – công ty đấu giá xe cũ lớn nhất Mỹ, cho thấy giá đã tăng 48% trong năm qua và chỉ tăng 5% từ tháng 4 đến tháng 5. Giá xe bán tải tăng nhanh nhất ở mức 70% chỉ trong 12 tháng.

Một số người Mỹ cho biết, họ có thể bán những chiếc xe đã mua từ 1 hoặc 2 năm trước và thu về khoản lời lớn. Trước đây, sự cũ kỹ thường làm giảm giá trị của một chiếc xe, nhưng bây giờ mọi thứ đã khác.

Vậy tại sao giá bán xe cũ lại tăng vọt? Nguyên nhân cơ bản là do nhu cầu tăng cao. Doanh số bán xe đã giảm mạnh trong đợt phong tỏa đầu tiên để phòng dịch vào năm ngoái. Ở thời điểm đó, nhiều người mua tiềm năng lo sợ về việc làm của mình và nhiều nhà bán cũng đóng cửa.

Giờ đây, nhu cầu bị dồn nén đã đến lúc được “giải phóng”. Một phần là nhờ gói kích thích của chính phủ, người mua có thêm tiền bên ngoài khoản tiết kiệm để chi tiêu. Và đối với những người không có nhiều tiền, lãi suất thấp mang đến cho họ cơ hội đi vay rẻ hơn bao giờ hết để mua ô tô.

Điều này giúp lý giải cho xu hướng đang diễn ra, chứ không phải tốc độ tăng chóng mặt của giá ô tô cũ. Để giải thích, hãy nhìn vào những diễn biến gần đây của ngành cho thuê ô tô.

Khi đại dịch bắt đầu hoành hành, hoạt động đi lại bị ngừng trệ và gần như không có ai muốn thuê ô tô để di chuyển. Phải chi trả nhiều hóa đơn, hầu hết các công ty cho thuê xe đã buộc phải bán xe trong những buổi đấu giá căng thẳng.

Tuy nhiên, giờ đây, khi lệnh hạn chế di chuyển được nới lỏng, nhu cầu thuê ô tô đã tăng trở lại, ở mức nhanh hơn dự kiến. Nhiều người đi làm và du lịch có thể lựa chọn ô tô để tránh khả năng lây nhiễm Covid-19 trên máy bay hay các phương tiện công cộng.

Hơn nữa, sản lượng của các nhà sản xuất ô tô cũng không đủ để đáp ứng nhu cầu cho các bên thuê xe, do tình trạng thiếu chất bán dẫn trên toàn thế giới. Bởi vậy, các công ty cho thuê xe đang chi rất nhiều tiền để mua xe đã qua sử dụng trong những buổi đấu giá, từ đó, đẩy giá tăng mạnh đối với những chiếc xe sẵn sàng sử dụng với số lượng hạn chế.

Cox Automotive – công ty sở hữu Manheim, dự báo giá xe đã qua sử dụng sẽ tiếp tục tăng trong những tháng tới. Đây không phải là điều bất ngờ. Ford – nhà sản xuất ô tô lớn thứ 2 nước Mỹ, gần đây cũng cho biết họ dự kiến sẽ sản xuất chưa đến 1,1 triệu xe so với kế hoạch trong năm nay, tương đương 1/5 sản lượng thông thường do thiếu chip.

Trong khi đó, các nhà máy lắp ráp ở Bắc Mỹ của Ford, sản xuất dòng xe bán tải F-50 đang rất “đắt khách”, lại nằm trong số chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Đây cũng chính là loại xe có giá tăng nhanh nhất trong nhóm đã qua sử dụng.

Theo Economist, giá ô tô đã qua sử dụng có thể sẽ giảm ở bất kỳ thời điểm nào khi nguồn cung ô tô mới hồi phục, cũng là lúc tình trạng thiếu chip giảm bớt. Song, cho đến thời điểm đó, mối lo ngại lạm phát căng thẳng hơn vẫn ở phía trước.



Nguồn : Source link