Trong cuộc đua xe điện hiện tại, quốc gia có thể sản xuất pin điện nhiều và hiệu quả nhất sẽ thu lại những lợi ích tài chính và địa chính trị khổng lồ trong hàng chục năm kế tiếp. Cái tên dẫn đầu trong danh sách này, hiện tại, đang là Trung Quốc.
Bất chấp khoản đầu tư lên đến hàng trăm tỉ USD từ nhiều nguồn phương Tây, Trung Quốc đang đi trước về mọi lĩnh vực: khai thác tài nguyên hiếm, đào tạo kỹ sư xe điện, xây dựng nhà máy quy mô lớn… mà nhiều đối thủ có thể phải mất hàng thập kỷ mới có thể đuổi kịp.
Tới 2030, dự kiến Trung Quốc có thể sản xuất số pin điện nhiều hơn gấp đôi phần còn lại của thế giới cộng lại theo ước tính của Benchmark Minerals, một công ty tư vấn thu thập dữ liệu ở mảng xe điện.
Xe điện sử dụng lượng khoáng vật hiếm chẳng hạn như cobalt hay lithium nhiều gấp 6 lần xe chạy động cơ đốt trong do sự xuất hiện của pin điện và không ai khác ngoài Trung Quốc đang có quyền quyết định bán số khoáng vật hiếm này cho ai và với giá nào.
Dù quốc gia châu Á này không sở hữu trữ lượng khoáng vật hiếm quá dồi dào, họ đã đi trước một bước trong việc mua lại các nguồn cung rẻ nhưng sử dụng được lâu dài. Các công ty Trung Quốc, với sự hậu thuẫn tài chính từ chính phủ, đã mua lại cổ phần của vô vàn công ty khai thác trên 5 châu lục chính.
Lấy ví dụ, hiện họ nắm giữ phần lớn các mỏ cobalt tại Congo – nguồn cung chủ yếu của kim loại này cho toàn cầu. Trước đó các công ty Mỹ có nắm giữ một phần mỏ cobalt tại đây nhưng không duy trì được và… bán lại cho người Trung Quốc. Tổng cộng 41% lượng cobalt khai thác được trên toàn cầu do Trung Quốc nắm giữ và với lithium họ cũng là bên khai thác nhiều nhất.
Các chất liệu khác sử dụng trong chế tạo pin điện như nickel, mangan hay than chì có thể không quan trọng như cobalt hay lithium nhưng vẫn yêu cầu một nguồn cung duy trì đảm bảo và người Trung Quốc đã lo xong vấn đề này từ trước. Thỏa thuận giữa họ với Indonesia mang về nguồn cung nickel lớn nhất toàn cầu trong khi than chì lại vốn dĩ là điểm mạnh của Trung Quốc.
Với những mỏ khai thác hoàn toàn mới, chúng có thể mất tới 20 năm để có thể đạt mức khai thác hiệu quả nhất và quãng thời gian trên là quá đủ để người Trung Quốc định hướng chuỗi cung ứng toàn cầu hướng về mình.
Ngay cả khi bỏ qua mảng ai là người khai thác, gần như mọi chất liệu dùng trong chế tạo pin điện lại được chuyển đến… Trung Quốc để xử lý.
Với dư thừa đất đai, giá năng lượng rẻ và chi phí nhân công ưu việt, các công ty Trung Quốc từ lâu đã xử lý tài nguyên sử dụng trong chế tạo pin điện với số lượng lớn nhất mà giá rẻ nhất toàn cầu, buộc các đối thủ khác phải đóng cửa. Những ảnh hưởng về môi trường có vẻ không làm người Trung Quốc chùn bước.
Một cơ sở xử lý mới sẽ mất ít nhất 5 năm để xây dựng, đào tạo nhân lực sử dụng chúng hay điều chỉnh thiết bị cũng mất không ít thời gian. Cơ sở xử lý lithium đầu tiên tại Australia được thông qua vào 2016 nhưng tới 2022 mới sản xuất thành công được pin lithium và thực tế bên sở hữu cơ sở này lại là người Trung Quốc. Thêm vào đó, người Trung Quốc có thể xây dựng bất cứ cơ sở, nhà máy nào với chi phí… bằng một nửa các đối thủ quốc tế.
Không chỉ đi trước các đối thủ quốc tế, người Trung Quốc thực tế cũng có những sáng tạo giúp họ hướng cán cân quyền lực trong mảng xe điện về mình. Cực dương (cathode) – yếu tố từng là khó sản xuất cũng như đắt nhất trong pin điện đã được người Trung Quốc xử lý vô cùng hiệu quả.
Họ chính là bên đưa vào sử dụng lithium sắt phosphate (LFP) thay thế cho hỗn hợp nickel, mangan và cobalt trước đây và giờ phương thức chế tạo mới này đã chiếm hơn nửa thị phần quốc tế. Thêm vào đó, chính Trung Quốc là quốc gia sản xuất phần lớn LFP trên toàn cầu khi một mình họ nắm giữ bí mật chế tạo quy mô lớn hiệu quả. Nhiều công ty Mỹ muốn sản xuất LFP đều phải tìm đối tác Trung Quốc để hỗ trợ.
Hãy điểm qua một số thành phần khác trong pin điện. Cực âm (anode) trên pin điện có bên sản xuất nhiều nhất là người Trung Quốc. Lớp ngăn giữa cực âm và dương để tránh chập mạch: Trung Quốc. Chất điện phân (làm từ muối lithium và dung môi): 4 nhà sản xuất lớn nhất thế giới đều tới từ Trung Quốc.
Với tất cả những yếu tố trên, không mấy ngạc nhiên khi Trung Quốc dẫn đầu toàn cầu về số lượng xe điện sản xuất (54%). Dù vậy, đây là kết quả xứng đáng khi cả chính phủ nước này cũng như các hãng xe trong nước đã đầu tư những con số khổng lồ vào mảng xe điện. Chỉ riêng mảng trợ giá người dùng xe điện cùng các thỏa thuận hỗ trợ khác của Trung Quốc đã lên tới hơn 130 tỉ USD.
Đáp lại, người dùng Trung Quốc cũng chuyển sang sử dụng xe điện hàng loạt. Có 5 triệu xe điện bán ra tại Trung Quốc trong năm 2022. Người dùng xe điện tại nước này được giảm thuế, hỗ trợ đăng ký xe rẻ hơn, trợ giá, được tiếp cận các khu vực đỗ xe độc quyền cũng như mạng lưới sạc công cộng quy mô bậc nhất thế giới.
Nguồn : Source link