Tin Quốc Tế

Người ‘tưởng lạ mà quen’ và tuyên bố định hình sự nghiệp doanh nhân


Hôm 25/2, nhà máy sản xuất ô tô điện của VinFast Ấn Độ đã được khởi công trên diện tích 160 ha tại khu công nghiệp của Tập đoàn Xúc tiến Công nghiệp Tamil Nadu (SIPCOT) – ngoại ô Thoothukudi – với kinh phí đầu tư 2 tỷ USD. Trong giai đoạn đầu, công ty Việt Nam sẽ đầu tư 500 triệu USD.

Năng lực sản xuất, theo tuyên bố của Vinfast, lên tới 150.000 xe/năm và tạo ra tới 3.000-3.500 việc làm mới ngay trong giai đoạn đầu. Khi toàn bộ số tiền 2 tỷ USD trên được đầu tư, dự án sẽ tạo ra việc làm trực tiếp và gián tiếp cho khoảng 10.000 người.

Tại sự kiện, ông Phạm Sanh Châu – Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ – cho biết: “Cơ sở này không chỉ phục vụ mục tiêu phát triển tại thị trường Ấn Độ mà còn phục vụ nhu cầu xuất khẩu sang các nước Nam Á, Trung Đông và châu Phi”.

Ông Châu nói thêm: “Ngoài ra, dự án sẽ thúc đẩy phát triển giao thông xanh, vốn là chương trình nghị sự quan trọng của Chính phủ Ấn Độ và các bang nhằm cắt giảm lượng khí thải carbon trong lĩnh vực giao thông vận tải, hướng tới mục tiêu 30% ô tô tư nhân mới đăng ký là chạy điện”.

CEO VinFast Ấn Độ: Người 'tưởng lạ mà quen' và tuyên bố định hình sự nghiệp doanh nhân- Ảnh 1.

Ông Phạm Sanh Châu, Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ, từng là Đại sứ Việt Nam tại quốc gia Nam Á này.

Đáng chú ý, Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ Phạm Sanh Châu từng giữ vị trí Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Cộng hoà Ấn Độ kiêm nhiệm Cộng hoà Dân chủ Liên bang Nepal và Vương quốc Bhutan, giai đoạn 2018 – 2022.

Ông Phạm Sanh Châu sinh năm 1961 tại Myanmar, trong một gia đình ngoại giao. Từ nhỏ, ông đã được trải nghiệm, tiếp thu nhiều nền văn hóa, từ văn hoá bản địa Myanmar và sau đó là nền văn hóa Slav và Trung Đông vào thời niên thiếu khi theo gia đình đi công tác.

Năm 1999-2003, ông là người trẻ tuổi nhất được bổ nhiệm làm Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Thường trực nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam bên cạnh UNESCO, Paris, Cộng hòa Pháp, đồng thời, được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại diện của Chủ tịch nước Việt Nam tại Cộng đồng Pháp ngữ (2000-2003).

Giai đoạn 2011 – 2014, ông được Nhà nước Việt Nam cử làm Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền của Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Đại Công quốc Luxembourg và Trưởng đoàn Việt Nam bên cạnh Liên minh châu Âu.

Đến năm 2016, ông được bổ nhiệm là Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao. Cũng trong năm này, ông Phạm Sanh Châu được bổ nhiệm là Đặc phái viên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam về các vấn đề UNESCO.

Ông cũng từng chức vụ Tổng Thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam và Vụ trưởng, Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, Bộ Ngoại giao.

Ông Phạm Sanh Châu tốt nghiệp Học viện Ngoại giao Việt Nam năm 1982 và học các chương trình liên quan quan hệ quốc tế, luật quốc tế, nghiên cứu chiến lược.. tại Hà Lan, Thuỵ Sĩ, Mỹ, Na Uy…

CEO VinFast Ấn Độ: Người 'tưởng lạ mà quen' và tuyên bố định hình sự nghiệp doanh nhân- Ảnh 2.

Ông Phạm Sanh Châu từng giữ nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao Việt Nam.

Từ nơi không mong đến tới tình yêu chân thành

Ông Phạm Sanh Châu, khi còn là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, từng trả lời báo chí rằng “Ấn Độ từng không phải địa bàn mà tôi mong được đến”. Theo ông, điều kiện sinh hoạt ở Ấn Độ rất khó khăn, ô nhiễm vào mùa khô và rất lạnh vào mùa đông; ẩm thực rất khó ăn; cộng đồng người Việt rất ít; văn hóa khác biệt.

Ông nói tiếp “tôi học cách yêu đất nước này và cuối cùng nhận ra khi một nhà ngoại giao cố gắng yêu chân thành đất nước nơi ông ta đang làm nhiệm vụ ở đó, thì nhà ngoại giao ấy cũng dễ dàng trở nên hạnh phúc hơn”.

CEO VinFast Ấn Độ: Người 'tưởng lạ mà quen' và tuyên bố định hình sự nghiệp doanh nhân- Ảnh 3.

Ông từng chia sẻ bản thân thích làm doanh nhân hơn là một nhà ngoại giao.

Khi còn là Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ, ông đã phát triển được nhiều mối quan hệ, không chỉ riêng trong giới chính trị, mà còn cả với giới học giả, giới tăng ni, và đặc biệt là giới doanh nhân tại đây.

“Nhờ thế mà sau vài năm làm Đại sứ ở Ấn Độ, tôi đã xây dựng được một mạng lưới quan hệ khá vững chắc ở đất nước này”, ông nói.

Ông Châu từng nói rằng cá tính của bản thân thích hợp với việc trở thành một doanh nhân. “Sau khi nghỉ hưu, tôi sẽ dành phần đời còn lại để thử sức mình ở lĩnh vực này, phát huy hết những thứ mà khi còn làm ngoại giao, tôi không thể làm được“, ông Phạm Sanh Châu chia sẻ.

Và giờ đây, ông Phạm Sanh Châu đã là một doanh nhân trên cương vị Giám đốc điều hành VinFast Ấn Độ.

(Tổng hợp)



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button