Nghịch lý khó tháo gỡ của cả ngành công nghiệp


Ai phải trả tiền cho các tác dụng phụ của công nghệ mới?

Hồi tháng 7 vừa qua, chủ sở hữu tại Trung Quốc của một chiếc Tesla Model Y không may tông vào tường khi lùi xe. Va chạm khiến đuôi xe bên phải bị hư hỏng, và giá sửa chữa lên tới 29.500 USD, trong khi bản thân chiếc xe chỉ có giá 41.300 USD.

Nếu chỉ nhìn vào bức ảnh bên dưới, theo nhận thức chung của mọi người, chiếc xe có vẻ như hư hỏng không thể nghiêm trọng đến như vậy. Đáng tiếc, vấn đề đây là một chiếc Tesla Model Y nên khung sau của nó sử dụng công nghệ đúc khuôn tích hợp.

Một sai lầm khi lùi phải trả giá bằng cả chiếc xe mới.

Về cơ bản, công nghệ này tích hợp quá trình đúc khuôn phía sau thành 2 phần linh kiện chính, trong khi ban đầu chúng thường có hơn 70 bộ phận được dập và hàn lại với nhau. Vì vậy, khi hỏng hóc, nó chỉ có thể được thay thế toàn bộ và chi phí bảo dưỡng đương nhiên sẽ tăng lên.

Trên thực tế, trong các kết quả thử nghiệm va chạm, Tesla Model Y hoạt động kém ở hai chỉ số là “khả năng sửa chữa” và “tính kinh tế khi sửa chữa”. Bởi công nghệ đúc khuôn tích hợp giúp đơn giản hóa đáng kể quy trình sản xuất cho Tesla và cho phép nhà sản xuất đạt được lợi thế cả về hiệu quả sản xuất lẫn chi phí.

Nhưng đối với người tiêu dùng, trải nghiệm sử dụng không được cải thiện gì mà ngược lại, họ còn phải chịu rủi ro bảo trì lên gấp nhiều lần.

Và không dừng lại ở đó, Tesla cũng có kế hoạch áp dụng nhiều hơn nữa công nghệ tích hợp này vào việc sản xuất các bộ phận như tấm đáy phía trước và hộp đựng pin. Một loạt các công ty xe điện khác ở Trung Quốc như Weilai, Xiaopeng và Gaohe cũng đang theo dõi và học tập công nghệ này, bởi nó mang lại quá nhiều hiệu quả trong việc sản xuất.

Sự khác biệt về số lượng linh kiện giữa công nghệ đúc khuôn kiểu cũ (trái) và đúc khuôn tích hợp (phải)

Một ví dụ tương tự là sản xuất tích hợp giữa hệ thống pin và khung máy. Công nghệ này tích hợp pin trực tiếp vào khung xe, và điều này có lợi cho việc tối ưu hóa bố cục tổng thể của khung xe, giúp giảm độ dày đóng gói của bộ pin và mang lại nhiều không gian nội thất hơn.

Tuy nhiên, do là thiết kế tích hợp nên xe sẽ không thể thay pin hoặc khung máy riêng biệt. Khi muốn sửa chữa pin, khung máy cần phải được di chuyển, đồng thời, các va đập lên bộ khung máy cũng dễ gây hư hỏng pin. Điều này khiến sự phức tạp trong sửa chữa và chi phí bảo trì sẽ tăng lên đáng kể.

Nhưng bất chấp sự bất tiện của người dùng, các mẫu xe Leapmotor C11 và BYD Seals đã chính thức áp dụng công nghệ này. Pin Tesla 4680 khi bước vào sản xuất hàng loạt cũng sẽ được tích hợp với khung xe.

Ngoài ra, sự tồn tại của những màn hình lớn gắn trên ô tô cũng đang bị nhiều chủ xe phàn nàn. Nhìn trông có vẻ hiện đại và sang chảnh, nhưng khi sử dụng nhiều người mới nhận ra sự bất tiện thực sự của chúng.

“Xem rất nhanh chán và không thiết thực, nhất là màn hình giải trí ở ghế phụ, không tiện lợi như điện thoại di động nên tỷ lệ sử dụng rất thấp”, một chủ xe Ideal One cho biết. Xét về tính năng giải trí, người này cho biết bảng điều khiển trên ô tô khó có thể cạnh tranh với điện thoại di động. Và màn hình càng to, với chiều dài lên tới cả mét, thì rủi ro hỏng hóc càng cao, chi phí sửa chữa cũng không hề rẻ.

Màn hình bảng điều khiển dài cả mét của mẫu SUV hạng sang Ideal ONE.

Lấy mẫu xe Ideal ONE năm 2021 làm ví dụ, giá bán lẻ đề xuất của các bộ phận ban đầu của bảng điều khiển là 1.100 USD, nhưng chi phí nhân công thay thế ước tính là 300 USD và chi phí sửa chữa là gần 1.500 USD.

Phải thừa nhận rằng nhiều công nghệ mới nổi được sử dụng trong các phương tiện năng lượng mới đã cải thiện đáng kể trải nghiệm cho người dùng. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng không nhận thức được rủi ro bảo dưỡng tiềm ẩn và chính bản thân các hãng xe cũng không chủ động giải thích điều này trong quá trình bán hàng, từ đó dễ gây ra các tranh cãi khi có sự cố xảy ra.

“Một số công nghệ chỉ cho phép các công ty sản xuất xe tiết kiệm chi phí, nhưng lại chuyển rủi ro sang dịch vụ sau bán hàng và để người tiêu dùng thanh toán hóa đơn. Cách tiếp cận này đang gây tranh cãi”, một số chuyên gia trong ngành chia sẻ.

Phí bảo hiểm tăng nhưng các công ty bảo hiểm cũng không kiếm được tiền

Một số người sẽ cho rằng tại sao phải lo lắng phí sửa chữa cao, khi bảo hiểm có thể lo mọi thứ. Vấn đề là các công ty bảo hiểm không được lập ra để giúp đỡ bạn, mà họ ở đó để kiếm tiền.

Đó là lý do tại sao phí bảo hiểm của xe sử dụng năng lượng mới đang cao hơn đáng kể so với xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống. Và chúng đang có xu hướng ngày càng tăng lên.

“Không có tai nạn nào trong một năm, nhưng phí bảo hiểm đã tăng hơn 150 USD, gần 15%”, đó là lời phàn nàn của một chủ xe điện đang gây nhiều sự chú ý trên các diễn đàn ở Trung Quốc.

Trong số các loại hình bảo hiểm, tăng mạnh nhất là bảo hiểm thiệt hại vật chất ô tô. “Năm ngoái, phí bảo hiểm thiệt hại xe là 153 USD, và số tiền bảo hiểm là 23.600 USD. Năm nay, phí bảo hiểm thiệt hại xe tăng lên 220 USD, nhưng số tiền bảo hiểm chỉ là 21.700 USD”, một chủ xe điện của thương hiệu Weimar cũng cho biết.

Nhưng vấn đề là trong khi phí bảo hiểm của các phương tiện sử dụng năng lượng mới đang tăng, các công ty bảo hiểm lại nói rằng ngành kinh doanh này không kiếm được tiền.

Tại sao lại có sự trái ngược này? Hãy lấy dẫn chứng bằng một vụ tai nạn dưới đây.

Một chiếc Xiaopeng P5, mẫu xe sedan gia đình, có va quẹt nhẹ với xe khác trên đường. Vị trí va chạm ở phía bên trái cản trước. Nhìn qua ảnh thì không thấy vấn đề gì lớn, nhưng chi phí bảo dưỡng cao tới 2.800 USD. Và trong danh sách linh kiện thay thế, cảm biến Lidar trị giá hơn 1.300 USD thực sự bắt mắt.

Một va chạm nhỏ với xe điện có thể khiến bạn tốn cả mớ tiền.

Theo chia sẻ của một nhân viên bảo hiểm, việc tăng phí bảo hiểm chủ yếu dành cho những mẫu xe giá trị cao, trên 37.000 USD. Nhìn chung, mức độ thông minh của xe càng cao thì mức tăng bảo hiểm thiệt hại xe sẽ càng lớn, vì khi khả năng xảy ra tai nạn các cảm biến là thứ dễ bị phá hủy nhất.

Nhưng điều đó không khiến các nhà sản xuất bận tâm, một loạt các mẫu xe điện mới với loạt cảm biến lidar ở mặt trước sẽ lần lượt ra mắt trong năm ở thị trường Trung Quốc như Xiaopeng G9, Nezha S, Avita 11, Alpha S phiên bản Huawei HI…

“Tỷ lệ yêu cầu bồi thường và số tiền yêu cầu bồi thường của các loại xe điện thường cao hơn so với các loại xe chạy xăng có cùng mức giá, nên phí bảo hiểm cao là điều bình thường”, một nhà môi giới bảo hiểm ô tô cho biết.

Nhưng ngay cả với phí bảo hiểm cao, các nhân viên môi giới vẫn thích bán hàng cho những khách sử dụng xe chạy bằng nhiên liệu hơn. Bởi xe điện có tỷ lệ tổn thất và số tiền bồi thường lớn, khiến lợi nhuận từ việc bảo lãnh của công ty thấp, nên hoa hồng cho các hợp đồng bảo hiểm xe điện cũng sẽ thấp hơn.

Chưa kể về mặt chính sách, các công ty bảo hiểm thường bị giới hạn về tỷ lệ tăng phí bảo hiểm của xe điện, ở Trung Quốc vào khoảng 15%. Điều này khiến các công ty bảo hiểm đang chịu áp lực lớn trong việc vận hành hệ thống bảo hiểm cho xe điện, khi chi phí đôi khi vượt quá cả doanh thu.

Và tỷ lệ sửa chữa cao của các loại xe điện một phần cũng là do công nghệ chế tạo ra chúng vẫn đang trong quá trình tìm tòi và cải tiến. Mặt khác, chính người tiêu dùng cũng cần thời gian để thích nghi với thói quen lái xe mới, điển hình là chế độ một bàn đạp ga-phanh duy nhất ở các mẫu xe Tesla. Tất cả những điều này sẽ được phản ánh trong phí bảo hiểm, thường cao hơn ít nhất 30% so với một chiếc xe chạy bằng nhiên liệu.

Còn liên quan tới số tiền bồi thường cao, thì ngoài việc áp dụng một số công nghệ mới nêu trên thì việc cung cấp và định giá linh kiện, phụ tùng lại là những nguyên nhân phổ biến hơn cả. So với xe chạy nhiên liệu, các linh kiện đơn giản và phổ biến nhất của xe điện cũng có giá thành cao hơn hẳn.

Quy mô của ngành không cho phép xe điện có chi phí sửa chữa rẻ.

Theo các nhà phân tích trong ngành công nghiệp ô tô, nguyên nhân sâu xa là do quy mô.

“Một mặt, các phương tiện năng lượng mới đang phát triển nhanh chóng nhưng quy mô chưa đủ và chi phí không mỏng như xe chạy bằng nhiên liệu. Mặt khác, do nguồn cung cấp một số bộ phận, linh kiện còn hạn chế nên không có nhiều sự lựa chọn, và các công ty bảo hiểm và công ty xe hơi đều bị động trong việc thương lượng giá cả”, một chuyên gia chia sẻ.

Điều đó khiến các công ty sản xuất xe điện rất có tiếng nói trong vấn đề này và các công ty bảo hiểm bị phụ thuộc về chi phí bảo dưỡng. Giá phụ tùng và giờ lao động đều do các công ty ô tô quyết định nên chi phí bảo dưỡng không thể giảm xuống.

Sự thiếu hụt nhân tài cả phần mềm lẫn phần cứng

“Bạn có thể tìm đến bất kỳ cửa hàng nào để sửa chữa một chiếc ô tô chạy nhiên liệu, nhưng về cơ bản bạn chỉ có thể chọn một điểm sửa chữa xe điện do nhà sản xuất xây dựng hoặc được ủy quyền bởi nhà sản xuất. Sự cạnh tranh trên thị trường là không đủ, và cảm giác hơi độc quyền”, một người hành nghề bảo hiểm giấu tên cho biết thêm.

Và dù có rất ít điểm bảo dưỡng cho các phương tiện năng lượng mới, nhưng việc thiếu hụt nhân sự có tay nghề vẫn diễn ra. Một báo cáo ở Trung Quốc từng cho biết nước này sẽ cần thêm khoảng 100.000 nhân sự trong lĩnh vực sửa chữa xe điện mỗi năm.

“Rất khó để chuyển đổi các kỹ thuật viên cũ sang sửa chữa xe điện, bởi vì các ngưỡng trình độ là khác nhau”, chủ sở hữu của một nhà máy sửa chữa ô tô cá nhân cho biết.

Bởi bảo dưỡng xe chạy bằng nhiên liệu truyền thống là một hoạt động thiên về cơ khí lành nghề, nhưng xe điện là một tổ hợp phức hợp của pin, máy móc và công nghệ thông tin. Ngoài khả năng sửa chữa cơ khí, các nhân viên bảo trì cũng cần phải thông thạo lĩnh vực hóa học và thậm chí cả công nghệ thông tin điện tử. Điều này đòi hỏi trình độ học tập cao, trong khi hệ thống đào tạo cho ngành còn rất thiếu.

Cơ hội việc làm trong ngành sửa chữa xe điện đang rộng mở.

Theo thống kê, ba hạng mục chính của kỹ thuật viên sửa chữa ô tô sử dụng năng lượng mới là kỹ thuật viên kiểm tra và bảo dưỡng ắc quy, kỹ thuật viên sửa lỗi cọc sạc và kỹ sư phân tích dữ liệu lớn. Để đẩy mạnh công tác đào tạo nhân tài, nhiều doanh nghiệp, trường cao đẳng nghề ở Trung Quốc đã liên kết mở các khóa học nghiệp vụ mang tính ủy thác đào tạo. Nhưng hiệu quả vẫn chưa thực sự rõ ràng.

Và so với doanh số bán xe điện ngày càng gia tăng, tốc độ đào tạo nhân viên bảo trì sau bán hàng rõ ràng là chưa đủ. Sẽ cần có một hệ thống đào tạo hoàn thiện hơn, kết hợp giữa nhà trường và xã hội để có thể lấp đầy khoảng trống này.

Đối với các bạn trẻ, đây hứa hẹn sẽ là một hướng đi rất đáng để cân nhắc.

Cơ hội cho các công ty khởi nghiệp

Từ dữ liệu bán hàng trong ngành cho thấy, ngày càng có nhiều người tiêu dùng sẵn sàng trả tiền để sở hữu các loại xe năng lượng mới. Nhưng đây mới chỉ là những bước đầu tiên của một chặng đường dài.

Chỉ có trải nghiệm tốt mới có thể khiến xe điện có sức sống lâu dài. Nhưng việc bảo dưỡng tốn kém đang hiện hữu như một minh chứng cho những hạn chế trong dịch vụ sau bán hàng của các hãng xe.

Với tốc độ tăng trưởng doanh số nhanh chóng và sự mở rộng mạnh về quy mô, các vấn đề tương ứng cũng sẽ nhanh chóng bộc lộ khi chạm đến lợi ích của nhiều người tiêu dùng hơn. Đã không còn đủ thời gian để chính các doanh nghiệp hoàn thiện hệ thống dịch vụ sau bán hàng của mình.

Nhưng nó cũng là cơ hội, đang chờ đợi một “kỳ lân” mới xuất hiện, dẫn dắt toàn ngành trên con đường phát triển và tiêu chuẩn hóa thị trường này.

Tham khảo iFeng



Nguồn : Source link