Mỹ tiến thoái lưỡng nan!


Tại ngôi làng với dân số chỉ cỡ 100 người ở vùng hẻo lánh của bang Minnesota, Mỹ, từng toán công nhân của Talon Metals đang luân phiên nhau làm việc. Máy khoan của họ cắm từng nhát sâu xuống đất, lôi lên những trụ đất từ thẳm sâu trong lòng đất, ẩn chứa những dữ liệu về thứ kim loại mà họ đang kiếm tìm: Niken.

Người của Talon Metals sẽ phân tích các mẫu đất vừa lấy lên và lập bản đồ khoáng sản của khu vực, giống như việc chơi Age of Empire (Đế Chế) mà đẩy dân đi khắp nơi dò bản đồ vậy.

CÁI TÊN KHÔNG ĐƯỢC CHÀO ĐÓN

Niken là một thứ khoáng sản có màu trắng bạc ánh vàng, ứng dụng trong việc làm pin để vận hành những cỗ xe chạy bằng điện. Vì thế, nhiều người nói niken là động lực vô cùng quan trọng để đẩy cả nước Mỹ tới một tương lai 100% năng lượng sạch.

Talon Metals đang có kế hoạch xây dựng một mỏ khai khoáng dưới lòng đất mà họ sẽ tinh chế niken – thứ kim loại đang được ráo riết săn lùng để làm ra những cỗ xe chạy điện. Khai thác niken sẽ là một món hời cho Talon Metals – đơn vị đã có được hợp đồng cung cấp niken để làm pin xe điện cho xe của Tesla. Đồng thời, khai thác niken tại khu mỏ này cũng chính là một bước đi trước trong cuộc đua xây dựng chuỗi cung ứng nội địa mà sẽ thổi thêm gió vào làn sóng xe điện.

Song, các mỏ mà khai thác kim loại từ quặng sunfit, giống mỏ của Talon Metals, vẫn luôn mang tiếng xấu vì để tác động với môi trường tại Mỹ nói riêng và trên toàn cầu nói chung. Một số người sẽ biện luận rằng mỏ khai khoáng mang lại việc làm cho vùng đất thưa người, số khác thì nơm nớp lo lắng về khả năng rò rỉ chất hóa học độc hại ra sông, suối, hồ mà sau sẽ chảy ra sông Mississippi. Cũng có người suy nghĩ rằng khu mỏ sẽ ảnh hưởng xấu tới miếng cơm manh áo và văn hóa bộ tộc Ojibwe – nhóm người Anh-điêng sinh sống cách khu đất của Talon Metals chỉ hơn một cây số, đã dành bao nhiêu thế hệ để cày cấy, trồng trọt giống lúa hoang Anh-điêng [tạm dịch từ Indian Wild Rice].

Với Talon Metals, họ hứa hẹn sẽ mạnh tay đầu tư để có được khu mỏ xanh nhất quả đất này, khu mỏ mà họ nói “Tổng thống Joe Biden sẽ vỗ tay tán thưởng”. Nhiều người của bộ tộc vẫn luôn tỏ ra quan ngại, cả về những lời hứa của Talon Metals rằng sẽ tôn trọng quyền của người Anh-điêng, như cho phép người dân của bộ tộc có thể săn bắn và trồng trọt ngay tại khu mỏ.

Thực ra, một phần của những sự thiếu tin tưởng này đến từ một đối tác của Talon Metals – Rio Tinto. Đơn vị này hồi năm 2020 đã tạo ra một làn sóng phẫn nộ khi đã làm nổ tung một khu vực 46.000 năm tuổi của hệ thống hang động Aboriginal tại Úc trong công cuộc tìm kiếm quặng sắt.

Ông Kelly Applegate, ủy viên phụ trách tài nguyên thiên nhiên khu vực Mille Lacs Band của Ojibwe, bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về cách mà mỏ khai thác có thể ảnh hưởng tới môi trường. Ông lên tiếng: “Đây là một cuộc công kích vào văn hóa Anh-điêng, khuấy đảo cuộc sống – một vấn đề mà sẽ ảnh hưởng tới chính chúng tôi”.

Ông mô tả đây là “vấn đề bất bình đẳng lớn” khi khai thác tài nguyên tại khu vực để sản xuất những chiếc xe điện mà người bộ tộc sẽ chẳng thể nào mua nổi – trừ một số vị chủ nhà giàu có ở quanh hồ thường đến đây để nghỉ hè. Thực tế, đây cũng là một trong những khu vực nghèo khó nhất của cả bang Minnesota. Tại bang này, nhóm người Anh-điêng bản địa có tỷ lệ thuộc nhóm nghèo khó cao hơn bất cứ dân tộc hay nhóm người nào khác. Người dân địa phương nói rằng suốt cả vài cây số, chiếc Tesla duy nhất có thể nhìn thấy là chiếc xe của Talon Metals.

Suốt cả vài cây số, chiếc Tesla duy nhất có thể tìm thấy là chiếc xe của Talon Metals. Ảnh minh họa: Zicxa

Ông Kelly Applegate chia sẻ thêm: “Talon Metals và Rio Tinto đến rồi cũng sẽ đi – với túi tiền phình to nhờ khai thác mỏ. Nhưng chúng tôi, và tàn dư của khu mỏ, sẽ ở lại đây mãi”.

Dự án mỏ, nằm cách hồ Thượng [Lake Superior] hơn 80km về phía tây, cũng đã làm lộ ra một vài vấn đề khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực chuyển nước Mỹ sang sử dụng xe điện. Các vị lãnh đạo của Mỹ nói rằng họ muốn chuỗi cung ứng cho pin xe điện trở nên khó đứt gãy hơn bằng việc chuyển nguồn cung kim loại về ngay Bắc Mỹ.

Tuy nhiên, tham vọng đó cũng mang theo những mối họa tiềm tàng: Phá hoại môi trường và phá vỡ các quy định về quyền của người bản xứ. Phần lớn nguồn cung nguyên liệu làm pin xe điện của Mỹ nằm gần các khu vực sống của các bộ tộc.

“Talon Metals và Rio Tinto đến rồi cũng sẽ đi – với túi tiền phình to nhờ khai thác mỏ. Nhưng chúng tôi, và tàn dư của khu mỏ, sẽ ở lại đây mãi” – Kelly Applegate

KHÓ KHĂN CỦA NƯỚC MỸ

Nhiều nhà hoạt động môi trường nói rằng cả thế giới đang cần chuyển gấp sang những chiếc xe xanh để hạn chế tác động của biến đổi khí hậu. Mới đây, bang California, Mỹ đã chấp thuận kế hoạch cấm bán xe sử dụng động cơ đốt trong từ năm 2035.

Mỏ lộ thiên: Các khu mỏ hình thành từ việc bóc trần lớp đất đá phủ trên lớp quặng cần khai thác.

Nhưng chuỗi cung ứng hiện tại cho pin xe điện – và pin cho lưới điện phục vụ việc sạc xe điện – lại đang phụ thuộc vào các quốc gia đối lập với Mỹ, và các quốc gia phát thải mạnh. Phần lớn niken sử dụng cho pin xe điện được sản xuất từ các mỏ lộ thiên mà đã tàn phá những cánh rừng nhiệt đới của Indonesia và Philippines, phát thải một lượng lớn khí CO2, trước khi được mang tới Trung Quốc và tinh chế trong các nhà máy sử dụng than đá.

Một nguồn cung niken phổ biến khác đến từ hoạt động khai thác quy mô lớn tại khu vực vòng cực, Norilsk, Nga. Khu vực này tạo ra nhiều khí lưu huỳnh điôxit (SO2) tới nỗi có thể thấy đám khói từ ngoài không gian. Các khoáng chất khác sử dụng trong pin xe điện, như Lithium, Côban, thì gặp nghi vấn sử dụng lao động trẻ em hoặc lao động cưỡng bức để khai khoáng, tinh chế.

Với nhu cầu xe điện toàn cầu có thể tăng lên 6 lần tới năm 2030, gốc gác của các thành phần pin xe điện sẽ trở thành một vấn đề to lớn.

Khu mỏ nằm gần hồ và dòng suối mà sẽ chảy về sông Mississippi, và cũng là nơi mà bộ tộc Ojibwe đã cày cấy lúa hoang Anh-điêng từ thế hệ này qua thế hệ khác.

Các hầm mỏ và nhà máy tại Mỹ khi ứng dụng công nghệ cao có thể giúp cho chuỗi cung ứng khó đứt gãy hơn, và có thể sẽ ít gây nguy hại đến môi trường. Song, nhiều người vẫn nghi ngại rằng những nơi này có thể gây ra tác động xấu lên không khí, đất hay nguồn nước xung quanh, và từ đó dấy lên những cãi vã xem ai mới là người phải chịu trách nhiệm.

Mối nguy hại mà động thực vật có thể phải đối mặt tới từ quặng sunfit; thứ quặng mà ẩn chứa trong nó là những kim loại như đồng, niken, nhưng chúng cũng có thể khiến axit sunfuric (H2SO4) và kim loại nặng rò rỉ ra môi trường. Tại Mỹ, có hơn chục khu mỏ đồng ngừng hoạt động, giờ đều đã thành những khu ô nhiễm nặng và đang phải trải qua quá trình phục hồi tiêu tốn rất nhiều của cải của nhà nước – chính xác thì đó là tiền thuế mà người dân nộp.

Hồi tháng 1, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden đã hủy bỏ quyền thuê mỏ đồng-niken gần khu vực hoang dã ở Minnesota vì giấy tờ của họ từ thời Tổng thống Donald Trump đã không được cấp cẩn thận.

Công nhân quan sát mũi khoan thăm dò tại khu vực của Talon Metals.

Trong khi đó, Talon Metals thì luôn khẳng định rằng sẽ không có chuyện như vậy. Ông Todd Malan, Giám đốc Đối ngoại, phụ trách chiến lược môi trường của Talon Metals, phát biểu: “Chúng tôi có đủ năng lực để sản xuất vật liệu pin mà vừa đáp ứng được cho cuộc chuyển đổi sang xe điện, vừa an toàn với môi trường. […] Đó không phải là một lựa chọn”.

[Ông Todd Malan muốn nói rằng với Talon Metals thì bảo vệ môi trường là điều hiển nhiên – Người dịch]

Ông Todd Malan giải thích thêm rằng hiện tại, Talon Metals sử dụng các trang thiết bị công nghệ cao để bản đồ hóa các mạch nước ngầm, 3D hóa các khối quặng, và họ có thể khai thác theo kiểu “phẫu thuật”, tức sẽ không gây bất cứ ảnh hưởng gì tới phần đất xung quanh khối quặng. Talon Metals cũng đưa ra lời hứa sẽ ứng dụng công nghệ cho việc lưu trữ các phụ phẩm độc hại, và sẽ khai thác ở sâu dưới lòng đất, ở tầng đá mà nước ngầm thường không chảy qua.

Talon Metals cũng đã bắt tay với United Steelworker để xây dựng đội ngũ nhân sự. Không chỉ vậy, Rio Tinto (đối tác của Talon Metals) đã trúng khoản thầu trị giá 2,2 triệu USD từ Bộ Năng lượng Mỹ. Gói thầu đặt mục tiêu tìm cách lưu trữ khí thải carbon xung quanh khu vực, từ đó cho phép Talon Metals quảng cáo ra thị trường rằng sản phẩm của họ không phát thải.

Ông Todd Malan: “Chúng tôi có đủ năng lực để sản xuất vật liệu pin mà vừa đáp ứng được cho cuộc chuyển đổi sang xe điện, vừa an toàn với môi trường.

Trong một thông báo, Talon Metals nói rằng họ cam kết sẽ “xin ý kiến trưởng bộ tộc và người dân”, và sẽ lập kế hoạch khai thác mà giải quyết được các vấn đề họ băn khoăn; đồng thời, Talon Metals cho rằng họ cũng sẵn sàng làm việc với trưởng bộ tộc muốn có các lợi ích kinh tế chung.

Talon Metals nói rằng họ đã tổ chức rất nhiều buổi trao đổi với bộ tộc, nhưng một số người của bộ tộc nói rằng họ cần kế hoạch chi tiết hơn nữa.

Nếu như có thể đi vào hoạt động được từ năm 2026 theo kế hoạch, khu mỏ này sẽ vừa kịp để đáp ứng cái bụng cồn cào của thị trường. Ở thời điểm hiện tại, cả nước Mỹ chỉ có một mỏ niken đang hoạt động tại bang Michigan, nhưng sẽ dừng hoạt động vào năm 2026.

Quay trở về với trung tâm hành chính Washington D.C, một thỏa thuận giữa hai đảng đang được hình thành, cho rằng đất nước nên giảm phụ thuộc vào các khoáng sản ngoại nhập nhiều rủi ro. Để hạn chế nóng lên toàn cầu tới ngưỡng mà các nước phát triển đã chấp thuận, Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA ước tính rằng vào năm 2040, cả thế giới sẽ cần gấp khoảng 20 lần lượng niken, 40 lần lượng côban và lithium hiện tại.

Vai trò của tái chế trong cung ứng các loại nguyên liệu này sẽ lớn dần trong giai đoạn từ nay đến năm 2030; một số loại pin xe điện đời mới đã không cần tới niken. Tuy nhiên, niken vẫn sẽ là một thứ kim loại mà các hãng xe nhắm tới để sử dụng cho các mẫu SUV, bán tải điện, hoặc các mẫu xe cao cấp. Lý do nằm ở việc niken giúp tăng cự ly di chuyển mỗi lần sạc.

Chính sách về cơ sở hạ tầng tại Mỹ mới được thông qua năm ngoái đã dành ra 7 tỷ USD để phát triển chuỗi cung ứng nội địa cho các loại khoáng sản tối quan trọng. Chính sách môi trường và thuế cũng đặt tham vọng tương đối cao rằng một mẫu xe điện để được nhận trợ giá thì phải được sản xuất tại Mỹ .

Nhân viên của Talon Metals đang nhập dữ liệu từ các mẫu quặng chứa Niken.

Mỏ niken của Talon Metals có thể sẽ giúp các mẫu xe của Tesla đạt tiêu chuẩn nhận trợ giá. Hiện nay, Trung Quốc, Úc, New Caledonia và Canada là các nơi cung cấp niken cho Tesla; CEO Elon Musk còn thúc giục các mỏ quặng này phải gia tăng sản lượng.

ĐẤU TRANH ĐẾN CÙNG

Các nhóm hoạt động môi trường và các nhóm cánh tả từ lâu đã bảy tỏ quan ngại về các mỏ quặng trong nước. Tuy nhiên, giờ đây thì họ đang thay đổi quan điểm, cho rằng tài nguyên là thứ cần thiết để chuyển đổi sang năng lượng sạch.

Chủ tịch Liên đoàn Động vật Hoang dã Quốc gia (National Wildlife Federation), ông Collin O’Mara, nói rằng nhu cầu nguyên liệu sạch làm pin đang tăng lên, và Talon Metals thì đã cam kết việc sử dụng công nghệ hiện đại để giảm thiểu tác động của khu mỏ tới môi trường.

Nhưng ông cũng hiểu rằng người dân địa phương chưa dễ chấp nhận và đặt niềm tin vào các công nghệ cũng như khả năng áp dụng các công nghệ đó của Talon Metals. Ông nói: “Đến nay vẫn chẳng có ví dụ nào để lấy ra cho việc khai thác mỏ mà không để lại tác động”.

Tiềm năng kinh tế và cả mối nguy tiềm tàng về môi trường có thể đi xa hơn một khu mỏ. Toàn bộ khu vực ẩn giấu niken, đồng và côban được tạo ra từ đợt phun trào núi lửa cách đây 1,1 tỷ năm.

“Đến nay vẫn chẳng có ví dụ nào để lấy ra cho việc khai thác mỏ không gây ra tác hại gì”.

Collin O’Mara – Chủ tịch Liên đoàn Động vật hoang dã Quốc gia Mỹ

Trạm khoan thăm dò của Talon Metals tại Minnesota.

Talon Metals đã thuê hơn 12 hecta đất với một chiều dài khoảng 11 dặm (gần 18km), thường xuyên khoan thăm dò và phân tích các tài nguyên dưới lòng đất dọc một trong 11 dặm này, đã xác định được nhiều mỏ vệ tinh tiềm năng.

Bà Elizabeth Skinaway đã trồng lúa hoang tại vùng đất gần khu mỏ suốt 43 năm ròng.

Tháng trước, Talon Metals đã ra một thông báo, nêu rằng họ cũng đã có được quyền sử dụng một mảnh đất ở vùng Upper Peninsula, bang Michigan để thăm dò thêm mỏ quặng niken.

Quay lại với khu mỏ của Talon Metals ở tại bang Minnesota, quá trình đánh giá tác động môi trường của phía công ty sẽ bắt đầu trong khoảng vài tháng nữa. Một bản báo cáo minh bạch về tác động là điều mà họ chờ mong.

Tuy nhiên, các rào cản pháp lý liên quan đến khu mỏ thì có thể kéo dài đến cả thập kỷ, hoặc hơn thế; còn những người sinh sống tại khu vực quanh mỏ khẳng định rằng họ sẽ làm mọi việc để đấu tranh, phản đối khu mỏ.

Bà Elizabeth Skinaway và chị gái Jean Skinaway-Lawrence đều là thành viên của cộng đồng Sandy Lake Band tại Minnesota Chippewa, họ đều lo lắng về tác động của khu mỏ lên cánh đồng lúa hoang Anh-điêng, nơi mà họ đã trồng trọt, gặt hái suốt 43 năm qua. Cánh đồng của họ chỉ cách khu mỏ vài cây số.

Bà Elizabeth Skinaway hiểu rằng thế giới cần chống lại biến đổi khí hậu – điều cũng đang gây ảnh hưởng xấu lên những cây lúa hoang của bà. Tuy nhiên, bà lại thấy không công bằng trong ngành công nghiệp khai mỏ mà cứ theo đuổi lợi nhuận, từ lâu vẫn luôn bê tài nguyên đi nơi khác và mang đến ô nhiễm môi trường.

Bà bày tỏ: “Lúa hoang, món quà của tạo hóa, rồi cũng sẽ hóa thành cát bụi khi sunfit rò rỉ ra sông hồ. Mới nghĩ tới thôi đã thấy hãi hùng. […] Chúng tôi đến đây trước, tiếng nói của chúng tôi phải được ghi nhận”.

Theo The New York Times



Nguồn : Source link