Các nhà sản xuất ô tô và nhà cung cấp, những người muốn củng cố chuỗi cung ứng xe điện và tránh tình trạng thiếu nguyên liệu thô, đang chuyển sang lĩnh vực từng bị bỏ qua: Tái chế pin.
Đột nhiên nhận được sự quan tâm từ các nhà sản xuất xe điện và các công ty mạo hiểm, lĩnh vực này đã chứng kiến một loạt mối quan hệ hợp tác và các thỏa thuận đầu tư trong 18 tháng qua.
Alex Smout, Giám đốc tại InMotion Ventures, Jaguar và chi nhánh đầu tư mạo hiểm của Land Rover có danh mục đầu tư bao gồm Ascend Elements, trước đây được gọi là Battery Resourcers, cho biết: “Nguồn cung pin có sẵn để tái chế đang phát triển nhanh chóng và không ai thực sự có thể lường trước được. Vì vậy, khả năng các công ty này đạt được quy mô sớm hơn dự đoán trước đây đang ngày càng khả thi”.
Cơ hội lớn
Theo AquaMetals, khoảng 15 triệu tấn pin lithium-ion sẽ ngừng hoạt động vào năm 2030, thời hạn mà hầu hết các nhà sản xuất ô tô đã đặt ra để loại bỏ dần các loại xe sử dụng động cơ đốt trong. Công ty tái chế kim loại có trụ sở tại Nevada kỳ vọng thị trường tái chế pin sẽ đạt giá trị 18,7 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Tháng trước, Posh, một startup tái chế pin xe điện, đã huy động được 3,8 triệu USD trong một vòng gọi vốn hạt giống do Y Combinator và Metaplanet dẫn đầu. Đầu năm nay, những người sáng lập của hãng đã chuyển hướng sang việc chế tạo các robot cao cấp cho ngành nhà hàng sau khi họ thấy pin Chevrolet Bolt bị thu hồi chất đống trong nhà kho. Thay vì làm công việc thủ công, họ đang tìm cách áp dụng công nghệ đó để tự động hóa quá trình tái chế pin.
“Hiện tại, việc sản xuất pin được tự động hóa 100%, nhưng việc tái chế pin là thủ công 100%”, nhà đồng sáng lập Wesley Zheng nói với TechCrunch. Posh đang làm việc để thay đổi phương trình đó, triển khai công nghệ robot trên dây chuyền lắp ráp để phá vỡ các bộ pin.
“Nếu bạn xem xét các mốc thời gian mà những nhà sản xuất ô tô đã đặt ra để chuyển hoàn toàn sang xe điện, vào năm 2030 hoặc 2035, bạn có thể thấy rằng đây sẽ là một vấn đề lớn nếu chúng ta không dành thời gian làm những thứ mà không ai làm”, ông Zheng nói.
Nhu cầu đang dần tăng lên
Ngay cả người sáng lập và Giám đốc điều hành của Redwood Materials, một trong những công ty thống trị ngành tái chế pin, cho biết ông lo lắng rằng công ty đã xuất phát quá muộn để đáp ứng nhu cầu.
J.B. Straubel, người có lẽ được biết đến nhiều hơn với tư cách là người đồng sáng lập Tesla, đã huy động được 775 triệu USD từ Amazon, Panasonic, Ford, T. Rowe Price và những nhà đầu tư khác rót vốn cho Redwood Materials, trong nỗ lực biến công ty này trở thành một trong những nhà tái chế pin lớn nhất thế giới.
Vào tháng 6, Redwood đã công bố hợp tác với Toyota để thu thập, tân trang và tái chế pin cũng như vật liệu pin nhằm gửi đến nhà máy pin sắp tới ở Bắc Carolina của nhà sản xuất ô tô Nhật Bản. Công ty cũng có quan hệ đối tác với Ford và Volvo.
Volkswagen tái chế pin đã qua sử dụng thành pin xe điện
“Nếu bạn nhìn vào khối lượng xe điện mà chúng ta có thể có trên các cung đường trong vòng 5 – 10 năm tới, tôi cảm thấy có vẻ như chúng ta đã quá muộn trong việc bắt đầu xây dựng cơ sở hạ tầng trên quy mô lớn để thực hiện điều này”, Straubel chia sẻ trên Financial Times.
Nhiều nhà sản xuất ô tô hy vọng sẽ tránh được những vấn đề đau đầu liên quan tới chuỗi cung ứng. Ví dụ, Tập đoàn Volkswagen đã thành lập một công ty mới, PowerCo, để quản lý hoạt động kinh doanh pin toàn cầu của mình, từ nguyên liệu thô đến pin tái chế. Tuần trước, nhà sản xuất ô tô này đã động thổ nhà máy sản xuất pin đầu tiên trong số 6 nhà máy sản xuất pin mà họ có kế hoạch xây dựng ở châu Âu.
Động lực hướng tới tích hợp đó đang thúc đẩy các nhà sản xuất ô tô đầu tư vào các công ty khởi nghiệp trong toàn bộ vòng đời của ngành công nghiệp pin, từ công nghệ cell pin đến tái chế.
Chỉ trong vòng 5 năm, 42 tỷ USD đã được đầu tư vào lĩnh vực này, theo phân tích của TechCrunch và PitchBook. Một số thương vụ lớn có thể kể tới như việc Volkswagen hỗ trợ công ty pin thể rắn QuantumScape, BMW đầu tư vào Our Next Energy hay GM rót vốn cho công ty khởi nghiệp pin sạc nhanh Soelect cũng như SolidEnergy Systems.
Thị trường tiềm năng
Trong khi phần lớn sự chú ý đang hướng đến các startup về công nghệ pin, các công ty tái chế dường như mới có được nền tảng để vận hành. Redwood Material có lẽ là cái tên nổi bật nhất trên thị trường.
Tuy nhiên, có rất nhiều công ty khác trên thế giới, từ các doanh nghiệp đang niêm yết như American Battery Technology Company, AquaMetals và Li-Cycle đến các startup như Ascend Elements hay cả những công ty đã thành lập như Accurec Recycling và Retriev Technologies cũng tham gia cuộc chơi.
Các quốc gia cũng đang cạnh tranh để giành lấy một phần của ngành công nghiệp đang phát triển này. Georgia, Mỹ là một ví dụ cụ thể. Bang này đã có những ưu đãi về thuế để tuyển dụng các doanh nghiệp cần thiết nhằm phát triển một hệ sinh thái pin-điện hoàn chỉnh.
Trong khi đó, nhà máy xe điện trị giá 6,5 tỷ USD của Hyundai bên ngoài Savannah đại diện cho thỏa thuận phát triển kinh tế lớn nhất mà Peach State tuyển dụng. Nó sẽ nằm gần khu phức hợp pin xe điện trị giá 2,6 tỷ USD mà nhà sản xuất pin lithium-ion của Hàn Quốc là SK On dự định sẽ sớm khai trương.
Là nhà sản xuất xe ô tô điện đầu tiên tại Việt Nam, VinFast đã lường trước được những kết quả tất yếu trong vòng đời pin trên mỗi chiếc xe. Qua đó, VinFast có những biện pháp để giảm tải gánh nặng cho người tiêu dùng và đóng góp vào ngành công nghiệp tái chế pin toàn cầu.
VinFast cũng đang lên kế hoạch cho việc tái chế pin xe điện ở cuối vòng đời, góp phần giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Cùng với đó là quá trình từng bước đưa ngành công nghiệp xe hơi Việt Nam tiến vào tương lai xanh, xứng tầm với các quốc gia phát triển trên thế giới.
Tham khảo: TechCrunch
https://cafef.vn/mot-nganh-cong-nghiep-tung-bi-lang-quen-bong-hoa-rong-khi-ky-nguyen-xe-dien-phat-trien-20220712171455567.chn
Nguồn : Source link