Tại Singapore, người dân không có khái niệm “mua xe giá tốt”. Một chiếc ô tô, thậm chí là loại rẻ tiền, được xem là hàng xa xỉ mà người ở tầng lớp trung lưu sẽ phải vật lộn mới mua được. Ngay cả với giới thượng lưu, việc sở hữu một chiếc ô tô ở Singapore cũng không hề rẻ.
Tại sao ô tô ở Singapore đắt như vậy?
Ở Singapore, chi phí sinh hoạt khá dễ quản lý khi so sánh với thu nhập, đặc biệt trong lĩnh vực nhà ở, giáo dục và thực phẩm. Tuy nhiên, có một khía cạnh nổi tiếng đắt đỏ là chi phí sở hữu ô tô.
Quan điểm của chính phủ Singapore là cần phải kiểm soát lượng ô tô. Có đến 6 yếu tố quyết định giá của một chiếc ô tô mới ở Singapore đó là 1/ Giá thị trường mở (OMV), 2/ Phí đăng ký bổ sung (AFR), 3/Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế hàng hoá dịch vụ (GST), 4/Giấy chứng nhận quyền sở hữu xe (COE), 5/Phụ phí của chương trình phát thải xe cộ (VES) và 6/ Lợi nhuận của các đại lý địa phương.
Giá thị trường mở (OMV)
Có thể coi OMV là giá gốc của một chiếc ô tô. Nếu không phải đóng thuế và các phụ phí khác, người dùng có thể mua xe với giá OMV. Đây cũng là mức giá phổ biến ở nhiều thị trường khác. Ví dụ, một chiếc Honda Civic hoàn toàn mới có giá OMV khoảng 20.083 SGD. Tất nhiên, ở Singapore, không có chuyện bạn trả 20.083 SGD cho một chiếc Civic. Thực tế, nó đang được các đại lý bán với giá khoảng 108.999 SGD. Lý do nằm ở 5 hạng mục tiếp theo.
Phí đăng ký bổ sung (AFR)
Loại phí này gần giống phí trước bạ tại Việt Nam. Mức phí này được tính bằng 100% giá trị xe nếu xe có mức giá OMV dưới 20.000 SGD, 140% cho 30.000 SGD tiếp theo (OMV ở mức 20.000 đến 50.000 SGD và thêm 180% cho mức trên 50.000 SGD. Chẳng hạn, một chiếc Mercedes E200 có giá OMV là 54.869 SGD được tính phí AFR là 70.764 SGD. Trong trường hợp của Honda Civic, phí đăng ký bổ sung là 20.116 SGD.
Thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế hàng hoá dịch vụ (GST)
Thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế đánh vào từng loại hàng hoá riêng biệt bên trong một đất nước. Chẳng hạn Singapore áp thuế tiêu thụ đặc biệt cho đồ uống có cồn, thuốc lá và xăng dầu.
Thuế tiêu thụ đặc biệt cho ô tô là 20% của giá OMV. Sau khi áp thuế tiêu thụ đặc biệt, người mua sẽ phải trả thêm 7% thuế hàng hoá dịch vụ cho tổng mức OMV + thuế tiêu thụ đặc biệt.
Chẳng hạn, một chiếc Mercedes E200 có giá OMV là 54.869 SGD sẽ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 10.973 SGD và GST 4.609 SGD.
Trong trường hợp của Honda Civic, thuế tiêu thụ đặc biệt là 4.016 SGD và GST là 1.686 SGD.
Chứng nhận quyền sở hữu xe (COE)
Ngay cả những người không sở hữu xe có thể vẫn biết về COE. Nó là chứng nhận cho phép một chiếc xe được sử dụng trên đường trong 10 năm. COE có thể tăng trong giai đoạn nhu cầu xe cao, từ đó làm tăng giá xe.
Tính đến 29/6/2021, giá COE cho CAT A (dung tích xy lanh 1.6L, sức mạnh 130 mã lực) là 47.821 SGD và 56.0332 SGD cho CAT B (xe có dung tích xy lanh trên 1.6L hoặc công suất trên 130 mã lực).
Phụ phí phát thải (VES)
Ra đời vào năm 2018, VES khuyến khích người dân mua những chiếc xe phát thải ít hơn. Tuỳ thuộc vào lượng phát thải của chiếc xe, chủ xe sẽ phải trả một khoản phí tương ứng. Nếu chiếc xe phát thải ít hơn mức tiêu chuẩn đề ra (ở mức A1, A2), chủ xe sẽ được giảm bớt phí đăng ký bổ sung và ngược lại (mức C1, C2). Honda Civic nằm ở mức B, không phải đóng thêm phụ khí phát thải.
Lợi nhuận của đại lý
Để tính ra lợi nhuận của đại lý, chúng ta chỉ cần cộng các khoản gồm OMV, AFR, thuế tiêu thụ đặc biệt, GST, VES và COE sẽ ra một thứ gọi là “giá cơ bản”. Sau đó lấy giá thực tế bán ra thị trường trừ đi giá cơ bản sẽ ra lợi nhuận của đại lý. Con số sẽ khác biệt tuỳ vào chính sách của từng đại lý.
Cách tính giá của một chiếc Honda Civic tại Singapore.
Chẳng hạn, Honda Civic có “giá cơ bản” là 93.722 SGD (3340 triệu đồng) trong khi giá bán lẻ là 108.999 SGD (1,85 tỷ đồng). Lợi nhuận của đại lý sẽ là khoảng 16%.
Để so sánh giá thì ở Việt Nam, giá lăn bánh của một chiếc Honda Civic bản tiêu chuẩn tại Hà Nội là khoảng 840 triệu đồng trong khi bản RS cao cấp nhất là khoảng 1,063 tỷ đồng (chưa tính khuyến mại tại đại lý tuỳ thời điểm).
Nguồn : Source link