Máy bay điện cho các phi công thực tập
Rất khó để giữ cho môi trường trong lành, đặc biệt nếu bạn là một phi công đang học lái máy bay.
Các phương tiện hàng không đang đi chậm hơn một bước trong quá trình áp dụng năng lượng sạch. Trong khi các thế hệ phi công mới chờ đợi các hãng hàng không thương mại từ bỏ nhiên liệu hóa thạch, họ vẫn có thể học lái máy bay mà không thải ra quá nhiều carbon.
Velis Electro là chiếc máy bay điện duy nhất trên thế giới được chứng nhận đầy đủ ở EU và Vương quốc Anh. Chiếc máy bay này đang cất cánh như một lựa chọn xanh hơn cho các phi công thực tập.
Được sản xuất bởi công ty Pipistrel tại Slovenia, Velis Electro là chiếc máy bay hạng nhẹ hai chỗ ngồi được thiết kế cho các trường dạy lái máy bay. Máy bay điện một động cơ có thể bay cao khoảng 3.657m và có vận tốc tối đa là 181,86km/h.
Chiếc máy bay điện có thời gian bay khoảng 50 phút cho mỗi lần sạc đầy pin. Thời gian sạc đầy 100% pin là 2 tiếng.
Tine Tomažič, giám đốc công nghệ tại Pipistrel Slovenia, nói rằng mặc dù Velis Electro mang lại một loạt lợi thế so với máy bay thông thường, điểm thu hút chính lại nằm ở việc nhiều nguyên lý cơ bản vẫn được giữ nguyên.
Ông nói: “Bạn thực sự có thể mang chiếc máy bay về nhà theo đúng nghĩa đen và sử dụng nó ngay lập tức cho bất cứ công việc nào mà bạn vốn đang sử dụng bằng các máy bay thông thường khác trước đây”.
Ngoài ưu điểm không thải carbon ra không khí, máy bay điện còn khá yên tĩnh. Âm thanh phát ra khi máy bay hoạt động chỉ ở khoảng 60 decibel, tương đương với một cuộc trò chuyện bình thường của con người.
Tomažič nói rằng nhờ đó, máy bay điện có thể hoạt động ở các sân bay nhỏ hơn nhiều mà không gây khó chịu cho người dân xung quang khu vực đó.
Một tương lai xanh phía trước
Kể từ khi được ra mắt vào năm 2020, nhà sản xuất Pipistrel cho biết họ đã bán được 100 chiếc máy bay điện với giá 175.500 USD.
Trong bối cảnh giá xăng tăng và lượng khí thải carbon từ việc di chuyển bằng đường hàng không được giám sát chặt chẽ hơn, phân khúc máy bay điện ngày càng được quan tâm nhiều hơn.
Học viện Green Flight ở miền bắc Thụy Điển sử dụng ba chiếc Velis Electros trong chương trình đào tạo chứng nhận phi công tư nhân và thương mại. Chương trình này hy vọng có thể sử dụng những chiếc máy bay được cung cấp bằng năng lượng bền vững.
Johan Norberg, trưởng bộ phận huấn luyện bay tại học viện, cho biết phi công cần khoảng 30% giờ bay bằng máy bay điện để có bằng phi công thương mại.
Ông nói rằng có “sự khác biệt rất lớn” về chi phí năng lượng vận hành. Ông ước tính chuyến bay kéo dài 40 phút của Velis Electro sử dụng hết 2-3 USD điện tái tạo. Trong khi đó, máy bay huấn luyện một động cơ truyền thống tốn khoảng 45 USD tiền xăng máy bay.
Pipistrel cho biết pin máy bay điện cần được thay thế sau khoảng 2.000 giờ bay (sẽ có một chỉ báo trên pin cho biết chính xác thời điểm cần thay thế). Giá của một cặp pin mới là khoảng 20.000 USD.
Ngành công nghiệp tiềm năng trị giá 40 tỷ USD
Tại Học viện Green Flight, học phí đào tạo để lấy bằng phi công tốn khoảng 14.500 USD, tương đương với các trường dạy lái máy bay thông thường. Norberg giải thích: “Khi chúng tôi có thể thực hiện đào tạo nhiều hơn về máy bay điện, toàn bộ chương trình đào tạo sẽ được rẻ đi đáng kể”.
Ông cho biết thêm rằng ngoài các chuyến bay ngắn, các học viên phải thực hiện các chuyến bay kéo dài 2 giờ mới đủ điều kiện để được cấp giấy phép công nhận phi công.
Mặc dù hiện tại Velis Electro chưa thể đáp ứng cho những chuyến bay dài hơn, việc phát triển thế hệ máy bay điện tiếp theo với thời gian bay dài hơn sẽ mở ra một cơ hội mới. Trong vài năm tới, các phi công có thể học lái hoàn toàn bằng máy bay điện mà không cần đốt nhiên liệu hóa thạch.
Pipistrel đã được tập đoàn Textron của Mỹ (chủ sở hữu của các thương hiệu Cessna và Lycoming) mua lại vào năm nay. Theo công ty nghiên cứu thị trường Precedence Research, thị trường máy bay điện toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp 4 lần vào năm 2030 và ước tính giá trị có thể đạt gần 40 tỷ USD vào cuối thập kỷ này.
Mặc dù đã được cất cánh cho các mục đích đào tạo, Velis Electro hiện đang chờ Cục Hàng không Liên bang phê duyệt để được sử dụng với mục đích thương mại ở Mỹ.
Trong khi các phi công thực tập hiện đang có cơ hội lái máy bay không phát thải carbon, các máy bay cỡ lớn vẫn chưa được loại bỏ nhiên liệu hóa thạch. Những chuyến bay chở hàng và chuyến bay đường dài không phát thải carbon sẽ là một tương lai rất xa. Nhưng Tomažič hy vọng rằng điều đó sẽ thay đổi.
Ông nói: “Điều mà Velis Electro đang làm hôm nay là đào tạo thế hệ phi công, những người sẽ lái những phương tiện hàng không lớn và xanh của tương lai”.
“Máy bay điện không chỉ đại diện cho một sự thay đổi trong công nghệ ứng dụng vào đào tạo, mà chắc chắn còn thay đổi tư duy của các phi công tương lai, những người hẳn sẽ muốn lái những chiếc máy bay sạch hơn, chạy bằng điện trong sự nghiệp phi công của họ”, Tomažič nói.
Nguồn : Source link