Akshant (tên nhân vật đã được thay đổi) trông giống như bất kỳ người lái xe tuk tuk nào ở Sri Lanka, nhưng thu nhập của anh ta cao gấp ba lần những người khác.
Theo trang Channel News Asia, điều này là do anh ta đã bán nhiên liệu trên thị trường chợ đen trong bối cảnh thiếu hụt nguồn cung xăng dầu trầm trọng tại đất nước này trong vài tháng qua.
Người đàn ông 59 tuổi nói từ sau tay lái chiếc xe màu đỏ của mình: “Việc này sinh lời hơn so với lái xe tuk tuk. Nếu tôi mua 5 lít xăng, tôi sẽ hút ra 3 lít và bán cho người khác”.
Tại các trạm xăng ở thủ đô Colombo của Sri Lanka, một lít xăng có giá khoảng 450 rupee Sri Lanka (gần 30.000 VNĐ) và dòng người xếp hàng bên ngoài các trạm xăng thường kéo dài vài km. Nhưng tại nhà của Akshant, nơi cất giữ các thùng chứa xăng cho hoạt động buôn bán ngầm, anh ta bán lẻ chúng với giá 2.500 – 3.000 rupee/lít.
“Khách hàng của tôi là những người đi xe máy và tuk tuk. Các chủ xe khác không mua của tôi vì họ cần 50 – 60 lít. Tôi không thể bán cho họ nhiều như vậy”, Akshant nói.
Cuộc khủng hoảng ở Sri Lanka đang thúc đẩy hoạt động buôn bán nhiên liệu bất hợp pháp. Ảnh: Channel News Asia
Theo trang Channel News Asia, hàng triệu người Sri Lanka đang phải vật lộn với cuộc khủng hoảng nhiên liệu trầm trọng nhất từ trước đến nay tại đất nước này.
“Chúng tôi phải đợi ba đến bốn ngày để có nhiên liệu và chúng tôi chỉ được mua 2.500 rupee xăng mỗi lần. Như thế là không đủ. Vì vậy, một số người sẽ hút xăng từ xe của họ và bán lại với giá cao hơn. Tôi cũng đã bắt đầu làm điều đó”, Akshant nói.
Ông Kanchana Wijesekera – Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka – cho biết, nhập khẩu nhiên liệu sẽ bị hạn chế trong 12 tháng tới.
Đối với những người dân như Akshant, lạm phát gia tăng và tình trạng thiếu nhiên liệu đã tạo ra các cơ hội kiếm tiền. Khách hàng của Akshant là những người dân địa phương có đủ tiền nhưng không có thời gian để xếp hàng. Họ sẵn sàng trả giá cao để mua xăng, thay vì mất nhiều ngày xếp hàng và ngủ trên đường.
Việc buôn bán nhiên liệu bất hợp pháp đang diễn ra phổ biến ở thủ đô Colombo và các vùng khác của đất nước Sri Lanka, nơi xăng dầu khan hiếm được phân phối thông qua một hệ thống.
Hệ thống phân phối nhiên liệu và thị trường chợ đen cùng hoạt động
Theo trang Channel News Asia, tất cả những người lái xe ô tô ở Sri Lanka phải đăng ký phương tiện của họ với chính phủ để làm Thẻ Nhiên liệu Quốc gia. Sau khi được xác minh, mỗi phương tiện sẽ được cấp một mã QR cụ thể để có thể mua nhiên liệu tại các trạm xăng dầu.
Mỗi mã QR đi kèm với hạn ngạch nhiên liệu hàng tuần và số lượng khác nhau tùy theo loại xe. Ví dụ, những người lái xe tuk tuk có thể đổ 5 lít xăng tại các trạm xăng dầu mỗi tuần. Người lái xe có phương tiện lớn hơn được phân bổ hạn ngạch nhiên liệu lớn hơn.
“Hệ thống mã QR ra đời vì không thể đáp ứng được nhu cầu nhiên liệu hàng ngày”, ông Wijesekera – Bộ trưởng Năng lượng Sri Lanka – viết trên Twitter mới đây.
Một hàng dài xe tuk tuk và ô tô xếp hàng bên ngoài một trạm xăng dầu ở Colombo vào ngày 30/7/2022. Ảnh: Channel News Asia
Bất chấp hệ thống phân phối nhiên liệu, vẫn có hàng dài người xếp hàng bên ngoài các trạm xăng dầu.
Tài xế xe tải du lịch Frank Joseph Alvis cho biết: “Đôi khi, không có xăng trong kho. Vì vậy, chúng tôi phải xếp hàng đợi mua nhiên liệu. Có thể mất một ngày, hai ngày hoặc ba ngày. Trong thời gian đó, chúng tôi phải ăn ở trong xe và chờ đợi”.
“Cảm giác rất nóng. Bạn không thể bật điều hòa vì không có xăng”, Alvis nói thêm.
Khi người xếp hàng tiến về phía trước, Alvis sẽ đẩy xe của mình thay vì nổ máy để tiết kiệm nhiên liệu nhiều nhất có thể.
Giống như nhiều lái xe ở Sri Lanka, ông ta không thể mua được loại nhiên liệu đắt đỏ bán ở chợ đen và phải xếp hàng chờ mỗi tuần.
Theo trang Channel News Asia, từ ngày 1/8, hệ thống mã QR đã được áp dụng tại tất cả các trạm xăng trên toàn đất nước Sri Lanka.
Theo một số tài xế, hệ thống mã QR quản lý nghiêm ngặt việc phân bổ nhiên liệu và làm cho việc dự trữ và buôn bán nhiên liệu trên thị trường chợ đen trở nên khó khăn hơn. Tuy nhiên, vẫn có nhiều cách để lách chính sách.
“Tôi mua được một can xăng bằng cách đưa thêm tiền cho nhân viên ở trạm xăng dầu”, Akshant tiết lộ.
Ông ta cho biết thêm: “Một số tài xế xe buýt cũng kinh doanh dầu diesel theo cách tương tự. Họ mua dầu, rồi hút ra và bán với giá cao hơn”.
Các lái xe ở Sri Lanka phải đăng ký phương tiện của họ với chính phủ để có được Thẻ Nhiên liệu Quốc gia. Ảnh: Channel News Asia
Hạn chế giao dịch chợ đen
Chính phủ Sri Lanka nhận thức được tình trạng buôn bán nhiên liệu bất hợp pháp và đang nỗ lực để loại bỏ nó.
Theo Bộ Năng lượng Sri Lanka, những người tái phạm nhiều lần có thể bị tước bỏ mã QR và bị xét xử trước pháp luật.
Tại thủ đô Colombo, nhiều trạm xăng dầu đã treo biển khuyến cáo mọi người.
“Xăng sẽ chỉ được bơm trực tiếp từ vòi xăng của Lanka IOC vào thùng nhiên liệu của các phương tiện. Không được phép bán xăng đóng vào can, thùng hoặc chai”, nội dung cảnh báo tại một trạm xăng dầu của công ty năng lượng Lanka IOC.
Tuy nhiên, một số người vẫn tìm ra cách để thực hiện các giao dịch ngầm.
“Chủ các trạm xăng dầu không biết việc thu thêm tiền này. Đó là chuyện riêng giữa nhân viên bơm xăng và tài xế”, Akshant nói.
Nguồn : Source link