Loại bỏ robot, Tesla chuẩn bị cho “một cuộc cách mạng” về tốc độ sản xuất ô tô


CEO Elon Musk hiểu rằng, để chiến thắng đối thủ trong cuộc đua xe điện, công nghệ pin và chế độ tự lái là chưa đủ, mà cần phải có công nghệ sản xuất vượt trội. Đó cũng là lý do ông trang bị hàng loạt robot công nghiệp mới nhất cho nhà máy sản xuất của mình – đây cũng từng là lý do cho việc trễ hàng loạt đơn hàng khi Tesla chuyển đổi cách thức sản xuất xe.

Thế nhưng ngay cả các robot tuyệt vời này cũng không đáp ứng được kỳ vọng của ông Musk khi theo báo cáo mới đây của Reuters, trong siêu nhà máy mới của Tesla tại Berlin, công ty đã loại bỏ hàng trăm robot để chuẩn bị cho một “cuộc cách mạng về kỹ thuật thân xe ô tô” khi sản xuất chiếc Tesla Model Y tại Đức – điều ông Musk từng phát biểu vào đầu tháng 9 này.

Cụ thể hơn, thay thế cho các robot hiện đại này sẽ là một phương pháp sản xuất khá cổ điển: Đúc – hay chính xác hơn là Đúc Khuôn (die-casting).

Phần màu da cam là bộ phận gầm sau của chiếc Model Y sẽ được sản xuất bằng phương pháp đúc khuôn thay vì dùng robot như thường thấy.

Như ông Elon Musk từng giải thích trên kênh podcast “Third Row Tesla Podcast”, phần gầm sau ô tô “về cơ bản chỉ là 2 tấm nhôm lớn đúc áp suất cao được gắn vào nhau và cùng với đó là một đống các thứ khác được gắn vào” (phần màu da cam trong hình trên). Việc gắn hai tấm nhôm lớn này với nhau, dù đã được hỗ trợ bởi các robot hiện đại, vẫn là một quá trình tốn rất nhiều thời gian.

Đó là vì các bề mặt tiếp xúc giữa hai tấm nhôm đúc này cần phải được gia công bằng CNC để được ghép nối một cách chính xác, và “các thứ khác được gắn vào” mà ông Musk nói tới là khoảng 70 linh kiện khác nhau được dán vào bằng keo hoặc ghép nối bằng đinh tán.

Đây là lý do vì sao Tesla chọn phương pháp sản xuất đúc khuôn cho phần gầm sau của ô tô. Nó sẽ được đúc thành một mảnh duy nhất gắn với khung chịu lực sau của ô tô, thay vì được ghép lại từ 2 mảnh với nhau như trước.

Cỗ máy Giga Press sắp được sử dụng để sản xuất chiếc Model Y

Theo báo cáo từ Automotive Engineering, cỗ máy được sử dụng để đúc nên bộ phận này từng được ông Musk xem như “máy đúc khuôn lớn nhất thế giới“: một cỗ máy đúc khuôn áp lực cao “Giga Press” với kích thước bằng cả ngôi nhà do hãng sản xuất thiết bị đúc khuôn áp lực cao của Ý, IDRA Group sản xuất.

Mỗi cỗ máy này nặng đến hơn 400 tấn và mỗi lần đúc, sẽ có khoảng 80 kg nhôm nóng chảy được bơm vào buồng đúc lạnh với tốc độ 10m/mỗi giây. Theo tuyên bố của IDRA Group, Tesla đã đặt mua các cỗ máy này từ tháng Sáu năm 2020.

Việc đúc khuôn được bộ phận sẽ rút ngắn đáng kể thời gian và chi phí sản xuất cho mỗi chiếc xe Tesla. Thay vì tốn nhiều thời gian và chi phí cho việc sản xuất và ghép nối 2 tấm nhôm này với nhau, với cỗ máy khổng lồ trên, bộ phận này sẽ thành hình chỉ sau một lần đúc. Cách làm cũng sẽ giúp làm giảm khối lượng không cần thiết của khung xe, giúp chiếc Model Y nhẹ hơn và tiết kiệm năng lượng hơn.

Theo nguồn tin từ Tesmanian, một blog hâm mộ Tesla, ông Musk đã đặt mua 8 cỗ máy Giga Press này cho siêu nhà máy mới của Tesla tại Berlin. Các báo cáo vào cuối tháng 8 của trang tin Electrek cũng cho thấy Tesla đã bắt đầu lắp đặt cỗ máy này tại nhà máy của họ ở Fremont, California.

Hình ảnh cỗ máy Giga Press đang được đưa tới nhà máy Tesla tại Fremont, California.

Thế nhưng, có thể việc đúc khuôn phần gầm sau ô tô mới chỉ là sự khởi đầu của cuộc cách mạng về kỹ thuật thân xe ô tô mà ông Musk đang nói đến. Theo bằng sáng chế mới đây của Tesla, công ty đang phát triển một hệ thống đúc khuôn cho toàn bộ thân xe ô tô bằng việc dùng cùng lúc nhiều cỗ máy khổng lồ kể trên để tạo nên toàn bộ khung xe chỉ trong một lần đúc – nếu có thể đúc được phần gầm sau xe, tại sao bạn không thể đúc cả chiếc xe chứ?

Nếu điều này trở thành hiện thực, tốc độ sản xuất xe Tesla sẽ đạt được một bước nhảy vọt thực sự mà ngay cả các hãng ô tô với hàng chục năm kinh nghiệm cũng khó có thể bắt kịp.

Tham khảo Core77



Nguồn : Source link