Khách hàng tháo chạy vì chờ 4 năm không được thay phụ tùng, hệ thống ứng dụng ‘sập’ sau lá đơn phá sản


Richard Qian “đứng hình” khi nghe tin WM Motor, nhà sản xuất xe điện có trụ sở tại Thượng Hải, nộp đơn xin phá sản vào tháng 10 năm 2023. Anh chàng lái chiếc SUV EX5 nhỏ gọn như mọi ngày, song bất ngờ phát hiện ra mình không thể đăng nhập vào ứng dụng điện thoại thông minh của WM Motor để có thể điều khiển từ xa khóa và điều hòa không khí. Số km và trạng thái sạc của xe trên bảng điều khiển cũng không hiển thị.

Qian không phải khách hàng duy nhất. Nhiều chủ sở hữu xe WM Motor khác cũng phàn nàn rằng họ không thể sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh, trong khi dàn âm thanh tích hợp trên xe ngừng hoạt động.

“Hệ thống xe bị tê liệt và tôi không thể đăng nhập. Toàn bộ hệ thống giải trí không sử dụng được và không thể kiểm tra trạng thái xe”, một chủ sở hữu viết. “Chiếc xe đã trở thành mối nguy hiểm lớn”.

WM Motor không cập nhật chương trình kể từ khi nộp đơn xin phá sản. Ứng dụng của hãng cũng hiện không khả dụng trên các cửa hàng ứng dụng Trung Quốc.

“May mắn là tôi đã cài đặt ứng dụng này trước trên điện thoại”, Qian chia sẻ với Rest of World, song cũng mông lung không biết mình có thể sử dụng chiếc xe này trong bao lâu nữa.

Thực tế làm dấy lên mối lo ngại về khả năng bảo dưỡng lâu dài cho những chiếc xe điện. Cuộc chiến giá cả khốc liệt trong bối cảnh chính phủ dừng trợ cấp hỗ trợ người mua đã khiến hơn 100 nhà sản xuất phải vật lộn.

Kể từ năm 2020, hơn 20 nhà sản xuất xe điện tại Trung Quốc, bao gồm Singulato và Aiways, đã phải rời bỏ thị trường. Gần đây nhất, nhà sản xuất ô tô cao cấp HiPhi, chỉ bán được 4.520 xe vào năm 2022, cũng đã ngừng sản xuất vào tháng 2 sau khi phải vật lộn với khó khăn tài chính. WM Motor hiện là nhà sản xuất ô tô điện lớn nhất của Trung Quốc chính thức phá sản.

Theo Hiệp hội các đại lý ô tô Trung Quốc, ước tính khoảng 160.000 chủ xe tại quốc gia tỷ dân đang rơi vào cảnh éo le vì các công ty xe điện thay nhau dừng hoạt động. Họ chủ yếu lo ngại khả năng tiếp cận nhà máy trong những lần sửa chữa trong tương lai.

Wang, tài xế sở hữu chiếc xe điện HiPhi X, cho biết anh ấy đang gấp rút tìm kiếm phụ tùng thay thế từ các thị trường đã qua sử dụng để phòng trường hợp món tiêu sản 570.000 nhân dân tệ (97.174 USD) hỏng hóc. Quy định nêu rõ các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo cung cấp phần cứng và dịch vụ hậu mãi trong ít nhất 10 năm sau khi một mẫu xe ngừng sản xuất, song không đề cập trực tiếp đến xe điện.

Lei Xing, một nhà phân tích xe điện, chia sẻ với Rest of World : “Mối quan tâm lớn nhất đối với chủ sở hữu xe điện là sự xuống cấp của pin. Thứ hai là khả năng vận hành và tính ổn định của phần mềm”.

Sự thất vọng của những người sở hữu xe điện Trung Quốc xuất hiện trong bối cảnh ngành công nghiệp đang có sự thay đổi lớn. Xe điện, được mệnh danh là “điện thoại thông minh trên bánh xe” đang tích hợp rất nhiều tính năng, phần mềm. Ông Xing cho biết thị trường khó có thể quay lại thời điểm ô tô chạy mà không cần internet.

Tuy nhiên, sự phụ thuộc vào các dịch vụ đám mây đồng nghĩa với việc xe điện rất dễ gặp sự cố. Vào năm 2021, những chủ sở hữu Tesla quên mang theo chìa khóa vật lý đã không thể vào xe khi ứng dụng điện thoại thông minh của công ty ngừng hoạt động. Chính phủ Trung Quốc đang cố gắng thúc đẩy ngành xe điện bằng cách đưa ra loạt ưu đãi mới cho người tiêu dùng, trong đó có khoản trợ cấp 20.000 nhân dân tệ (2.800 USD) cho những chủ xe muốn mua xe điện. Ông Xing vì vậy dự đoán sẽ không có sự sụp đổ thương hiệu đột ngột trong năm tới.

“Nhiều người chắc chắn sẽ chịu được áp lực”, ông nói.

Nhận định về WM Motor, một chuyên gia cho biết: “WM Motor là một trường hợp đặc biệt vì họ đã tự gây dựng tất cả từ con số không. Nhiều công ty khởi nghiệp EV khác chỉ là công ty con hoặc hợp tác với các nhà sản xuất ô tô, công ty công nghệ đã thành lập để giảm rủi ro”.

Giống như Richard Qian, giờ Vincent Kong cũng không biết làm gì với chiếc xe điện mua chưa được bao lâu. Anh nhẹ nhàng dùng bàn chải lông mềm phủi bụi trên chiếc WM W6; trong lòng cảm thấy vô cùng hối hận.

“Nếu WM đóng cửa, tôi sẽ buộc phải mua một chiếc ô tô điện mới vì dịch vụ hậu mãi của hãng bị đình trệ”, anh Kong nói và cho biết 2 năm về trước đã chi khoảng 200.000 nhân dân tệ (27.782 USD) mua chiếc SUV này. “Quan trọng hơn, thật xấu hổ khi lái một chiếc xe đến từ một thương hiệu thất bại”.

Nhớ lại khoảng thời gian trước đây, Kong thừa nhận rằng khoản trợ cấp 18.000 nhân dân tệ (2.501 USD) của chính phủ cùng một số ưu đãi về thuế khiến việc mua xe trở nên rất dễ dàng. Tuy nhiên, khi tính đến trường hợp phải mua một chiếc xe mới vì tình hình tài chính khó khăn của WM, Kong lại thấy mình chịu thiệt.

Freya Cui, một trong những chủ sở hữu sớm chiếc xe thể thao đa dụng EX5 của WM Motor, cũng đã phải từ bỏ chiếc xe 4 năm tuổi do lỗi bộ pin. Phía hãng thông báo không có sản phẩm thay thế, trong khi việc mua bộ pin mới từ bên thứ ba quá đắt đỏ.

Sau nhiều lần kiến nghị thất bại, Cui quyết định mua một chiếc ô tô chạy xăng giá rẻ. “Tôi đã đặt hàng ngay cả trước khi nhìn thấy chiếc xe đó. Chế độ bảo hành trọn đời cho bộ pin là một điểm cộng tuyệt vời. Ai ngờ được rằng một ngày nào đó công ty sẽ đứng trên bờ vực sụp đổ chứ?”, Cui nói.

Được thành lập vào năm 2015 bởi Freeman Shen Hui, WM đã phải vật lộn với các vấn đề tài chính kể từ nửa cuối năm 2022, sau đó tiếp tục ‘chịu đòn’ vào đầu tháng 9/2023 sau khi thương vụ sáp nhập trị giá 2 tỷ USD với Hồng Kông- Apollo Smart Mobility thất bại. Đây không phải công ty yếu kém duy nhất trong thị trường xe điện ‘nóng bỏng’ tại Trung Quốc – nơi tận 200 nhà sản xuất ô tô đang đấu tranh giành giật chỗ đứng. Chỉ những nhà lắp ráp có túi tiền dồi dào nhất, sở hữu những mẫu xe đẹp nhất, hiện đại nhất mới có thể tồn tại.

“Tại thị trường Trung Quốc, hầu hết các nhà sản xuất xe điện đều lỗ do cạnh tranh khốc liệt. Giá lithium đắt đỏ được coi là nguyên nhân chính dẫn đến kết quả kinh doanh tồi tệ, song ngay cả khi giá vật liệu này không tăng lên, lợi nhuận các công ty này vẫn rất tiêu cực”, một nhà phân tích tên Gong nói.

Theo: Rest of World, SCMP



Nguồn : Source link