Ngay sau khi trụ sở VinFast tại Mỹ đi vào hoạt động, ngày hôm sau – 17/11/2021, tại Triển lãm Xe hơi Los Angeles, VinFast đã giới thiệu 2 mẫu xe chiến lược VF 8 và VF 9 (trước lần lượt là VF e35 và VF e36) tới người tiêu dùng Mỹ và quốc tế.
VinFast đã rất nhanh khi chỉ khoảng 1 năm sau, lô VF 8 đầu tiên đã cập cảng California, Mỹ, tiến sát hơn đến thời khắc chính thức thành “tay chơi” toàn cầu. Nhưng trước đó vài tháng, Đạo luật Giảm Lạm phát tại Mỹ đã được ban hành, đặt ra tiêu chuẩn ngặt nghèo về nguồn gốc linh kiện/sản phẩm để cấp khoản ưu đãi thuế lên tới 7.500 USD mỗi xe.
VinFast VF 8 là một trong nhiều mẫu xe bỗng nhiên không còn đủ tiêu chuẩn nhận ưu đãi, biến việc kinh doanh tại một trong những thị trường xe lớn nhất thế giới từ khó thành hóc búa.
“MADE IN AMERICA”
Có thể nói Đạo luật Giảm Lạm phát (Inflation Reduction Act – IRA) là một trong những đạo luật quan trọng nhất lịch sử nước Mỹ. Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden ký ban hành vào ngày 16/8/2022, hàng trăm tỷ đô sẽ được sử dụng để cải thiện dịch vụ chăm sóc sức khỏe, bình dân hóa thuốc kê đơn, đánh thuế chặt hơn các tập đoàn lớn và chống biến đổi khí hậu.
Một trong những thay đổi được chú ý nhất sau khi đạo luật đi vào thực tiễn là chính sách ưu đãi khi mua xe điện – khoản hỗ trợ lên tới 7.500 USD mỗi chiếc.
Trước khi IRA được ban hành, chính phủ Mỹ sẽ cấp cho người dân khoản hỗ trợ lên tới 7.500 USD cho mỗi chiếc xe điện họ mua, miễn là chiếc xe đó nằm trong số 200.000 chiếc xe điện đầu tiên của nhà sản xuất tại Mỹ. Nhưng sau khi IRA xuất hiện, chính sách hỗ trợ này đặt ra các tiêu chí ngặt nghèo, khiến cho việc tiếp cận với khoảng hỗ trợ trên khó khăn hơn.
Các tiêu chí được đặt ra có thể quy về 3 mục chính:
• Nguồn gốc: Sản xuất / lắp ráp tại Mỹ;
• Giá thành: Dưới 55.000 USD với sedan, dưới 80.000 USD với bán tải, van và SUV;
• Pin xe điện: Cấu thành phải tới từ Mỹ hoặc các quốc gia mà Mỹ ký kết hiệp định thương mại
– Từ năm 2024: 50% cấu thành
– Từ năm 2026: 80% cấu thành
– Từ năm 2029: 100% cấu thành
Tại thời điểm ban hành, số xe được nhận ưu đãi chỉ có khoảng 20 mẫu, bao gồm:
• Audi Q5 PHEV
• BMW 3 Series PHEV, X5 PHEV
• Cadillac Lyriq
• Chevrolet Bolt EUV, Chevrolet Bolt EV
• Chrysler Pacifica PHEV
• Ford Escape PHEV, F-150 Lightning, Mustang Mach-E, e-Transit
• Jeep Grand Cherokee 4xe, Wrangler 4xe
• Lincoln Aviator PHEV, Corsair PHEV
• Nissan Leaf
• Rivian EDV, R1S, R1T
• Tesla Model 3, Model Y
• Volvo S60
(Nguồn: CarBuzz)
Như vậy, chỉ cần xét tới tiêu chí nơi hoàn thiện sản phẩm, các mẫu VF 8 đang bán tại Mỹ đã không đạt điều kiện. Tuy nhiên, cũng cần nhắc rằng VinFast VF 8 không phải trường hợp duy nhất, bởi còn đó Hyundai Ioniq 5, KIA EV6 và Genesis GV70 cũng rơi vào trạng thái tương tự.
LỜI GIẢI CỦA BÀI TOÁN HÓC BÚA
Hiện tại, tập đoàn Hyundai có 2 nhà máy sản xuất ô tô đang hoạt động tại Mỹ, lần lượt là nhà máy Hyundai ở bang Alabama và nhà máy KIA ở bang Georgia. Song, cả hai nhà máy của tập đoàn đều không phục vụ sản xuất xe thuần điện; tất cả những chiếc Hyundai Ioniq 5 và KIA EV6 đang lăn bánh tại Mỹ đều được nhập khẩu từ Hàn Quốc. Một trường hợp cá biệt là Genesis GV70, dù được sản xuất tại nhà máy Alabama, nhưng vì sử dụng pin sản xuất tại Trung Quốc nên vẫn không lọt vào danh sách nhận ưu đãi.
Sau khi Đạo luật Giảm Lạm phát được ban hành, Hyundai và KIA đã có những chiến lược khôn khéo để có thêm sức cạnh tranh trên thị trường, như đưa ra các chương trình giảm giá hay cho thuê xe. Kết quả, nửa đầu năm 2023 đã chứng kiến doanh số xe thuần điện cộng dồn của tập đoàn Hyundai tại Mỹ đạt 46.826 chiếc, tăng 5,9%. Tuy nhiên, nếu xét đến thị phần thì tập đoàn Hyundai đã giảm từ 10,5% xuống còn 7,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Có thể thấy rằng IRA sau khi ban hành đã tác động ít nhiều tới Hyundai và KIA.
Phương án có lẽ giải quyết tốt nhất là làm sao để sản xuất xe tại Mỹ. Tờ Automotive News đưa tin rằng dù thương hiệu Hyundai và KIA tại Mỹ hoạt động độc lập, 6 mẫu xe thuần điện sắp tới sẽ được sản xuất tại nhà máy của tập đoàn Hyundai ở Savannah, bang Georgia, Mỹ. Nhà máy này mới bắt đầu khởi công từ cuối tháng 10 năm ngoái, dự kiến tới giữa năm 2025 mới đi vào hoạt động.
Trong lúc đó, cả Hyundai và KIA sẽ cố gắng tận dụng 2 nhà máy có sẵn tại Mỹ. Với Hyundai, thương hiệu này chi 300 triệu USD để nâng cấp nhà máy cho dây chuyền sản xuất pin (hiện đã đi vào hoạt động từ tháng 2), và dây chuyền sản xuất phiên bản lai điện của Santa Fe. Với KIA, nguồn tin riêng của Automotive News cho rằng KIA sẽ chi 321 triệu USD để nâng cấp và sản xuất mẫu EV9 tại đây từ năm sau.
Xây dựng nhà máy sản xuất cũng là một phần trong kế hoạch hoạt động tại Mỹ của VinFast. Thương hiệu xe Việt đã chính thức khởi công xây dựng giai đoạn 1 của nhà máy xe tại Mỹ ở bang North Carolina vào sáng ngày 28/7 (giờ địa phương).
Tại giai đoạn 1, nhà máy VinFast tại Mỹ có mức đầu tư lên đến 2 tỷ USD; theo kế hoạch, VinFast sẽ xây dựng trên diện tích 733 héc ta, chia làm 5 khu sản xuất: Xưởng thân vỏ, xưởng lắp ráp, xưởng dập, xưởng sơn và trung tâm năng lượng.
Sau khi hoàn tất xây dựng giai đoạn 1, nhà máy sẽ là nơi sản xuất các mẫu VF 7, VF 8 và VF 9 để bán ra tại Mỹ và các thị trường xung quanh; công suất của nhà máy ở giai đoạn 1 có thể lên tới 150.000 xe/năm. Thông cáo báo chí có đoạn nêu rằng Mỹ là một trong những nơi mà VinFast sẽ ưu tiên mua linh kiện.
Với nhà máy sản xuất xe tại Mỹ, nhiều khả năng các mẫu xe của VinFast khi bán ra sẽ đủ điều kiện để được nhận khoản ưu đãi thuế 7.500 USD, từ đó có thêm sức cạnh tranh trên thị trường.
Nguồn : Source link