Tin Quốc Tế

Hãng xe điện Trung Quốc thần tốc vượt mặt Tesla của Elon Musk nhờ triết lý ‘làm nhiều, nói ít’


Vượt mặt Tesla

“Làm nhiều, nói ít” là những gì mà tỷ phú Wang Chuanfu, đồng thời là nhà sáng lập hãng xe điện BYD của Trung Quốc vừa soán ngôi vị số 1 thế giới của Tesla trong ngành nói với tờ Forbes.

Trong nửa đầu năm 2022, BYD đã vượt qua Tesla để bán được đến 641.000 chiếc xe điện (Electric) và xe điện-xăng (Hybrid Plugin), cao hơn 564.000 ô tô điện của đối thủ đến từ Mỹ. Con số này gây bất ngờ với nhiều người bởi nó cao gấp 4 lần so với doanh số của BYD cùng kỳ năm trước, bất chấp đại dịch tại Trung Quốc đang diễn biến phức tạp.

“BYD đã chuyên nghiệp hóa những công nghệ cốt lõi của chuỗi cung ứng ngành xe điện như ắc quy, động cơ hay hệ thống điều khiển điện tử”, tỷ phú Wang nhấn mạnh.

Hãng xe điện Trung Quốc thần tốc vượt mặt Tesla của Elon Musk nhờ triết lý 'làm nhiều, nói ít' - Ảnh 1.

Doanh số bán xe của BYD trong 10 tháng đầu năm 2022 cao hơn mức bình quân thường niên của 2 năm trở lại đây

Theo Forbes, một trong những lợi thế lớn nhất của BYD là có lợi thế trong mảng bán dẫn như công ty con BYD Semiconductor, chuyên sản xuất chip điện tử cho xe điện. Nhờ đó, tập đoàn này hạn chế được ảnh hưởng thiếu chip và giảm doanh số như những hãng ô tô điện khác phải đối mặt hậu dịch.

Với dự đoán tổng giá trị thị trường ngành xe điện đạt 824 tỷ USD vào năm 2030, tương đương mức tăng trưởng CAGR hàng năm là 18% của hãng phân tích Allied Market Reseach, CEO Bill Russo của Automobility nhận định BYD đang có lợi thế cực lớn khi phát triển theo chiều dọc, điều mà những đối thủ nhỏ hơn trong ngành chưa làm được.

Trong 9 tháng đầu năm nay, lợi nhuận ròng của BYD đã tăng 4 lần so với cùng kỳ năm trước lên 1,3 tỷ USD. Nguyên nhân chính là do doanh số bán xe điện tăng 250% lên 1,2 triệu chiếc trong cùng kỳ. Tổng mức vốn hóa thị trường của BYD đã lên mức 100 tỷ USD và dù chưa bằng Tesla nhưng cũng tương đương tổng mức vốn hóa của Ford Motor và GM cộng lại.

Nhờ tăng trưởng tốt của BYD mà nhà sáng lập Wang có tổng tài sản đạt 17,7 tỷ USD, xếp thứ 11 Trung Quốc trong bảng xếp hạng những người giàu nhất nước. Bên cạnh đó, nhà đồng sáng lập Lu Xiangyang của BYD cũng có 12,7 tỷ USD và xếp thứ 18.

Tầm nhìn chiến lược

Tờ Forbes đánh giá cái tên BYD đã quá nổi tiếng ở Trung Quốc và được nhà nhà biết đến. Gần 70% doanh số của BYD đến từ nền kinh tế số 2 thế giới này và tỷ phú Wang hiện đang cố gắng mở rộng thị phần ra toàn cầu.

Tại Châu Á, BYD đã cho ra mắt các dòng xe điện mới ở thị trường Nhật Bản, Thái Lan và Ấn Độ, đồng thời có kế hoạch xây dựng các nhà máy tại Thái Lan và Ấn Độ nhằm tăng sản lượng.

Hãng xe điện Trung Quốc thần tốc vượt mặt Tesla của Elon Musk nhờ triết lý 'làm nhiều, nói ít' - Ảnh 2.

Ông Wang Chuanfu

Đến tháng 10/2022, BYD cũng giới thiệu 3 mẫu xe điện mới nhất tại triển lãm Paris Auto Show, một phần trong kế hoạch bành trướng tại thị trường Châu Âu.

Hiện tập đoàn này đã có hơn 30 nhà máy trên khắp thế giới và kỳ vọng sẽ bán được ít nhất 1,5 triệu xe điện trong năm nay, đồng thời hướng tới mức 4 triệu chiếc vào năm 2023.

Theo tỷ phú Wang, công nghệ và tầm nhìn chiến lược là những yếu tố quan trọng nhất làm nên thành công cho BYD.

“Đầu tiên, công nghệ sẽ là nền tảng cho tầm nhìn chiến lược, tiếp đó là để phục vụ phát triển sản phẩm. Công nghệ có thể giúp chiến lược của doanh nghiệp chính xác hơn, đồng thời giúp tầm nhìn của công ty cao hơn, xa hơn, sâu hơn”, ông Wang nhận định.

“Nếu một chiếc xe bị lỗi thì công ty có thể mất vài trăm triệu Nhân dân tệ, nhưng nếu một tầm nhìn chiến lược đi sai hướng thì sẽ phải mất 3-5 năm để chỉnh sửa, mà thời gian thì chẳng thể mua được bằng tiền”, tỷ phú Wang bổ sung khi cho biết tầm nhìn chiến lược là vô cùng quan trọng.

Nhờ sự chú trọng vào công nghệ và tầm nhìn chiến lược đó mà BYD đã phát triển thành công những sản phẩm như dòng pin “Blade Battery”, mẫu ắc quy không dùng Cobalt cho xe điện, an toàn hơn, ổn định hơn và không bị phụ thuộc vào giá nguyên liệu hihieemsLoaij ắc quy này không chỉ được dùng cho xe điện của BYD mà còn được tập đoàn bán cho các hãng đối thủ khác, bao gồm cả Tesla.

Một yếu tố nữa khiến BYD vượt trội so với Tesla là giá cả. Phần lớn các dòng sản phẩm của BYD chỉ trong khoảng 13.200-46.700 USD, thấp hơn nhiều so với mức quanh 50.000 USD của Tesla trước khi hãng nhà Elon Musk tuyên bố giảm giá gần đây.

Hãng BYD cũng được đánh giá là có kinh nghiệm lớn trên thị trường Trung Quốc đầy cạnh tranh. Trong khi đó từ cách đây 10 năm, công ty này đã mở một nhà máy sản xuất xe buýt điện ở California, qua đó cho thấy tầm nhìn xa của tỷ phú Wang trong ngành này.

Cậu bé nông thôn nghèo

Tỷ phú Wang lớn lên ở một vùng nông thôn nghèo tại Trung Quốc. Sau khi rời làng lên thành phố học đại học, rồi lấy bằng thạc sỹ ngành công nghệ ắc quy, Wang đã tiến dần lên chức phó giám sát của Viện nghiên cứu Beijing Nonferrous Research Institute.

Ở độ tuổi ngoài 20, Wang chuyển về Thâm Quyến để khởi nghiệp cùng người anh em họ Xiangyang năm 1995, qua đó thành lập nên hãng sản xuất ắc quy BYD (Build Your Dreams) và cung ứng cho những khách hàng như Dell.

Năm 2003, ông Wang tiến sang lĩnh vực xe điện khi BYD mua lại Tsinchuan Automobile. Tuy nhiên phải đến năm 2007 khi tỷ phú Warren Buffett mua lại 10% cổ phần của BYD với kỳ vọng vào sự phát triển của ngành xe hơi Trung Quốc thì cái tên này mới được các nhà đầu tư quốc tế chú ý đến.

Bất chấp điều đó, tỷ phú Wang vẫn rất lặng lẽ, âm thầm phát triển tầm nhìn của mình và để lại ánh hào quang cho Tesla. Mãi cho đến tận gần đây khi ngành xe điện bùng nổ, cái tên BYD mới dần gây bất ngờ cho nhà đầu tư khi trở thành đối thủ đáng gờm với hãng xe điện nổi tiếng thế giới của Elon Musk.

Hãng xe điện Trung Quốc thần tốc vượt mặt Tesla của Elon Musk nhờ triết lý 'làm nhiều, nói ít' - Ảnh 3.

Báo cáo của ngân hàng HSBC cho thấy nhu cầu xe điện tăng mạnh ở Trung Quốc sẽ khiến doanh thu của các hãng sản xuất, đặc biệt là BYD, tăng gấp 3 lần từ 216 tỷ Nhân dân tệ năm 2021 lên 699 tỷ Nhân dân tệ năm 2024.

Vào cuối năm 2021, Trung Quốc có khoảng 16,5 triệu xe điện lưu thông trên đường và con số này được dự đoán sẽ tăng lên 300 triệu vào năm 2030. Cơ quan năng lượng quốc tế (IEA) nhận định ô tô điện cũng sẽ chiếm khoảng 60% số xe hơi mới được bán ra trong tương lai khi mảng sạc xe được phát triển trở nên dễ dàng như sạc điện thoại.

CEO Russo của Automobility nhận định Trung Quốc hiện đang là nhà sản xuất xe điện lớn nhất thế giới, có thị trường ô tô điện hàng đầu toàn cầu và dẫn đầu trong mảng ắc quy. Do đó không có gì khó hiểu khi các doanh nghiệp Trung Quốc có lợi thế cực lớn khi vượt mặt những hãng Phương Tây trong ngành này.

Để duy trì được sự phát triển này, tỷ phú Wang nhấn mạnh việc phải tự phá vỡ công nghệ của bản thân trước khi đối thủ làm điều đó.

“Với tư duy liên tục đổi mới để dẫn đầu, chúng tôi cần không ngừng khám phá những mảng nghiên cứu mới và kiên trì tiến lên phía trước…Tất nhiên điều này không dễ dàng và có rất nhiều khó khăn. Bởi kiên trì là một đức tính cực kỳ quan trọng trong khởi nghiệp”, tỷ phú Wang cho biết.

Vào tháng 10/2022, BYD đã phải tạm ngừng giao hàng sau những tranh cãi về thiết kế ghế trẻ em trên mẫu ATTO 3. Đồng thời hãng cũng bị đánh giá là dễ tổn thương nhất trước các cuộc xung đột thương mại cũng như bất ổn địa chính trị. Cổ phiếu của BYD đã có giai đoạn sụt giảm mạnh sau khi chính phủ Trung Quốc phát tín hiệu siết chặt quản lý các quy định ngành công nghệ.

Mặc dù vậy, tỷ phú Wang vẫn rất lạc quan khi cho rằng để thành công trong một ngành có biến động là phải biết ra các quyết định linh hoạt, hiệu quả.

“Hiện nay, tốc độ thay đổi của thị trường và công nghệ ngày càng nhanh nên tốc độ phản ứng của doanh nghiệp cũng phải theo kịp. Nếu công ty ra quyết định chậm thì họ khó lòng mà thành công được”, ông Wang tổng kết.

*Nguồn: Forbes

https://cca.autopro.com.vn/



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button