Hãng độ thành công nhờ nhiều ý tưởng tùy biến cực dị
Mitsuoka tự mình tạo ra lối đi riêng và sau hơn nửa thế kỷ vẫn trung thành với phong cách lắp xe thủ công truyền thống của người Nhật Bản – Ảnh: Road and Track
Nếu nhìn thấy một chiếc Chevrolet Blazer với logo Chevy biến mất cùng tỉ lệ thân xe sai lệch hoàn toàn, có thể đó là chiếc xe độ tới từ Mitsuoka.
Trụ sở tại thành phố Toyama cách Tokyo 250 dặm về hướng Tây Bắc, Mitsuoka là một trong những cái tên hiếm hoi (và khó ngờ) nhất còn bảo tồn di sản tùy biến xe thủ công của người Nhật Bản.
Tìm đâu ra một chiếc xe “mới” với thiết kế như thế này trong giai đoạn hiện tại nếu không phải từ một hãng độ? – Ảnh: Road and Track
Mitsuoka, theo website của họ, chỉ bán xe cho khách tại một phần châu Á và châu Âu, nhưng tên tuổi họ không giới hạn ở hai khu vực này. Không ít người đam mê xe độ tại Bắc Mỹ đã nghe danh Mitsuoka. Không ít xe được công ty Nhật tùy biến đã được giới chơi xe Mỹ bỏ tiền ra mua lại và vận chuyển về khu vực.
Những mẫu xe tùy biến được chế tác thủ công thường rất đắt đỏ, đồng thời kén người mua, vì độ hiếm cao. Tuy nhiên, Mitsuoka không nằm trong công thức này. Chiếc Buddy – dòng Toyota RAV4 độ thân SUV cổ điển của họ, khởi điểm “chỉ” từ 45.000 USD và không mấy ngạc nhiên khi sản lượng xe đã kín người mua trong 2 năm tới.
Những chiếc xe Mitsuoka đời đầu với thiết kế kỳ lạ nhìn như được thiết kế chỉ bằng thước kẻ – Ảnh: Road and Track
Truyền thống chế tác xe thủ công (hay rộng hơn là sản xuất xe với công đoạn lắp ráp thực hiện phần lớn thủ công) đang dần biến mất tại Nhật Bản. Các tập đoàn lớn như Toyota hay Honda hiện đã tự động hóa phần lớn quy trình sản xuất. Mitsuoka, với tư cách hãng xe thuộc diện độc nhất, còn chế tác xe thủ công với mức giá dễ tiếp cận, nổi lên nhờ đó.
Tuy vậy, danh tiếng họ vang xa không chỉ nhờ cách làm xe mà còn nhờ thành quả cuối cùng.
Vào tháng 2-1968, ông Susumu Mitsuoka thành lập công ty mang họ mình, đồng thời mở cửa hàng xe Car Shop Mitsuoka Jidosha. Người đàn ông đam mê xe Anh Quốc này ban đầu nhận sửa chữa và tùy biến xe đủ loại mẫu mã cho khách hàng tại tỉnh Toyama.
Bubu 505-C lấy cảm hứng từ Jaguar SS100 – Ảnh: Road and Track
Việc “nhạc nào cũng nhảy” khiến Mitsuoka thường xuyên rơi vào tình trạng không tìm được linh kiện (nhất là với xe hiếm) thay cho người dùng. Việc thường xuyên nghiên cứu những mẫu xe được khách mang tới nhờ để có thể tự chế tạo linh kiện thay thế cho họ giúp Mitsuoka thu được nhiều kinh nghiệm quý giá, từ đó ông quyết định tự tay xây dựng một chiếc xe của riêng mình.
Tới 1982, nhà sáng lập công ty này thành công. Chiếc xe đầu tiên của họ có tên Bubu Shuttle 50 chạy động cơ 50cc nhỏ và khá chậm chạp. Tuy vậy, thiết kế mới mẻ và công dụng đặc biệt (được chế tạo cho người lái ngồi xe lăn) khiến Mitsuoka nhanh chóng gây được sự chú ý.
Hai dòng tên kế tiếp của Mitsuoka là 501 ba bánh và khối vuông 502 tiếp tục gây được sự chú ý vì thiết kế dị. Bất chấp công suất nhỏ, chúng vẫn đạt được doanh số ổn định, giúp Mitsuoka xây dựng nên cả một mạng lưới đại lý xe cũ cho riêng mình.
Orochi là một dòng tên “độc lập” khác từ Mitsuoka mà có lẽ không ai có thể nhìn ra được xuất xứ Toyota Camry bên dưới – Ảnh: Road and Track
Bước tiến đột phá của công ty Nhật tới từ cuối thập niên 1980. Thị trường xe siêu nhỏ tại Nhật rơi vào khủng hoảng vì chính phủ nước này siết chặt các quy định an toàn. Trong một lần ghé thăm Los Angeles, Mitsuoka lập tức bị thu hút bởi loạt xe độ kỳ dị tại thành phố Mỹ và xác định hướng đi tương lai của công ty mình không phải là làm, mà là độ xe theo cảm hứng từ người dùng và các mẫu xe khác.
Công thức được Mitsuoka khai sinh khi đó: lấy một chiếc xe phổ thông rồi lắp cho xe linh hồn xe cổ, lập tức được đón nhận nồng nhiệt. Nhà máy của họ luôn kín lịch sản xuất với các mẫu xe mới liên tục được bổ sung, chẳng hạn Le-Seyde lấy nền tảng Nissan Sylvia bán sạch 500 xe chỉ trong 72 giờ – một thành quả không dễ đạt được cho một mẫu xe độ vào năm 1990.
Le-Seyde được đón nhận nồng nhiệt vì mức giá dễ chịu kết hợp ngoại thất lạ mắt đỉnh cao – Ảnh: Road and Track
Mỗi chiếc xe Mitsuoka thường được hai thợ thủ công đảm nhiệm với tốc độ một tới 2 xe/ngày. Với những chiếc xe đặc biệt hơn, thời gian hoàn tất có thể lên tới 60 ngày.
Công đoạn sản xuất một chiếc xe Mitsuoka bắt đầu từ việc tháo dỡ một chiếc xe nguyên bản để sử dụng khung gầm. Cũng công đoạn này giúp công nhân của hãng làm quen với những công đoạn cần thiết và bộ khung kiến thức đủ để có thể chế tạo xe theo yêu cầu của hãng hoặc người dùng.
Trụ sở của Mitsuoka có 80 người thường trực, chia làm 3 mảng chính là thiết kế, sản xuất và điều hành.
Toàn bộ các công đoạn từ chế tạo và gọt giũa các tấm thân ưng ý, hàn chúng thành một thể thống nhất lên trên khung gầm đã qua chỉnh sửa, sơn hay lắp ráp nội thất đều được làm thủ công. Không có một robot nào xuất hiện, không có một công đoạn nào được tự động hóa.
Mitsuoka Rock Star lấy nguyên bản từ xe thể thao mui trần giá rẻ Mazda MX-5 Miata – Ảnh: Road and Track
Vào 1994, Mitsuoka trở thành hãng xe thứ 10 của Nhật Bản với chiếc Zero1. Thiết kế xe lấy cảm hứng từ Lotus Seven nhưng toàn bộ xe (ngoại trừ động cơ lấy từ Mazda MX-5) đều do Mitsuoka làm mới hoàn toàn.
Tới 2015, họ quay trở lại cách tiếp cận truyền thống xoay quanh việc tùy biến xe nhiều hơn. Đội hình hiện tại của họ có 6 dòng xe tùy biến với 3 chiếc sedan mang chất xe siêu sang Anh (học Jaguar, Bentley và Rolls-Royce), một chiếc xe thể thao dựa vào Mazda MX-5, một chiếc xe mui trần dựa vào Morgan Plus Four và cuối cùng là chiếc Buddy từ Chevrolet Blazer ta nhắc tới phía trên.
Có thể nói 54 năm lịch sử của Mitsuoka cũng là 54 năm thành công ngoài mong đợi của nhà sáng lập và với tập khách hàng trung thành ổn định, họ sẽ còn tồn tại và phát triển thêm nhiều năm nữa.
Nguồn : Source link