Cả thế giới đã trải qua hơn 2 năm của đại dịch Covid-19. Suốt quãng thời gian dài đó, đại dịch đã mang tới nhiều xáo trộn; trong đó, ngành xe được xem là một trong những ngành chịu thiệt hại nặng nề.
Đó là bởi Covid-19 được cho là đã khiến chuỗi cung ứng của ngành xe đứt gãy, khiến cho cả ngành rơi vào khủng hoàng chíp bán dẫn: Xe thì có nhưng chíp thì không!
Sở dĩ con chíp bán dẫn có kích thước nhỏ mà lại quan trọng tới vậy, bởi nó là bộ phận giúp điều khiển dòng điện; nói một cách đơn giản: Không có chíp bán dẫn thì không có điều khiển điện.
Với chỉ 8 chiếc được bàn giao, VinFast Lux SA2.0 từng lọt TOP bán chậm hồi tháng 8/2021 vì thiếu chíp bán dẫn. Ảnh: VinFast
Trong bối cảnh đứt gãy chung trên toàn cầu, hôm thứ 6 vừa qua, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã gửi một đề xuất lên Quốc hội, trong đó có nói tới gói hỗ trợ trị giá 52 tỷ USD nhằm cải thiện tình hình cuộc khủng hoảng chíp bán dẫn, ít nhất là tại Mỹ. Gói hỗ trợ này được cho là sẽ giúp các nhà sản xuất xe tại Mỹ giảm phụ thuộc vào các nhà sản xuất từ nước ngoài, đồng thời tránh để đứt gãy nguồn cung như hiện nay, khiến thị trường rơi vào hỗn loạn.
Nói về gói hỗ trợ này, ông Biden vận động: “Hãy thông qua đề xuất này vì tính cạnh tranh của nền kinh tế Mỹ, vì an ninh quốc gia Mỹ. Hãy thông qua để người dân Mỹ có thể cạnh tranh tốt hơn trong nền kinh tế toàn cầu. Hãy thông qua vì địa vị và niềm kiêu hãnh của chính quốc gia này cũng như của chính người lao động.”
Cũng trong ngày thứ 6 đó, thương hiệu sản xuất linh kiện vi tính nổi tiếng thế giới – Intel – cũng đã công bố kế hoạch đầu tư 20 tỷ USD cho nhà máy sản xuất chíp tại Columbus, bang Ohio, Mỹ. Trước đó, nhiều nguồn tin cũng cho biết rằng Samsung sẽ xây dựng một nhà máy chíp 17 tỷ USD tại Mỹ , cụ thể là cách nhà máy Tesla ở bang Texas vài cây số.
Chip bán dẫn đa dạng về kích thước, có thể nhỏ hơn đầu ngón tay. Ảnh: Autoblog
Gói hỗ trợ này của ông Biden sau đó cũng đã nhận được sự ủng hộ của nhiều bang tại Mỹ, nhất là các bang khu vực Tây Nam như Ohio, Michigan. Lý do được cho là gói hỗ trợ đó sẽ không những giúp người dân tại các bang khu vực này và toàn nước Mỹ có thêm công ăn việc làm, mà còn thúc đẩy tính cạnh tranh của Mỹ trước Trung Quốc – đối thủ kinh tế.
Giám đốc Điều hành (CEO) của Inteo, ông Patrick Gelsinger, phát biểu rằng: “Trung Quốc đang dốc sức để nắm quyền kiểm soát thị trường [chíp bán dẫn] toàn cầu, từ đó mà vươn lên trước chúng ta. Chúng ta đang phải đối mặt với một cuộc cạnh tranh kinh tế và công nghệ khó khăn. Chúng ta sẽ dồn toàn lực để đầu tư cho nước Mỹ, cho các sáng kiến mới, cho cộng đồng và người lao động Mỹ.”
Một loạt xe Ford từng phải nằm dài, không được bán ra vì thiếu chíp bán dẫn. Ảnh: Detroit Free Press
Cũng theo ước tính của vị CEO Intel, ngày nay, giá trị của chíp bán dẫn chỉ chiếm khoảng 4% tổng giá trị chiếc xe, nhưng sẽ tăng lên 5 lần tới năm 2030.
Trước mắt, đề xuất của ông Biden đã có chút thuận lợi, khi Thượng viện đã chấp thuận từ mùa hè năm ngoái khi đề xuất này nằm trong Đạo luật vì Sự đổi mới và Tính cạnh tranh của nước Mỹ (tạm dịch từ US Innovation and Competition Act).
Tuy vậy, một số thành viên Hạ viện lại chưa thông qua, cho rằng đề xuất này vẫn chưa đủ mạnh để đối đầu với Trung Quốc. Tương lai của 52 tỷ USD này sẽ phụ thuộc vào phiên bản cuối cùng mà lưỡng viện đồng thuận, sau khi Hạ viện đưa ra được đề xuất khác để lưỡng viện thảo luận.
https://soha.vn/gianh-giat-thu-trong-yeu-nganh-xe-52-ty-usd-cua-ong-biden-se-giup-my-dau-lai-trung-quoc-20220124010914585.htm
Nguồn : Source link