Gần 20 hãng xe đổi logo trong vài năm qua, xem ngay để không nhầm lẫn, có nhiều hãng rất quen thuộc với người Việt


Với bất kỳ hãng xe nào trên thế giới, logo của họ cũng tượng trưng cho di sản xây dựng qua nhiều thập kỷ, thậm chí là cả thế kỷ. Bởi lẽ đó, thay mới giao diện logo là một động thái tưởng chừng dễ mà khó bởi họ phải làm sao giữ được bản sắc tạo ra bởi biểu tượng này, vừa phải tạo ra khác biệt đủ lớn để phù hợp với mục tiêu đặt ra.

Đã qua rồi cái thời logo hãng xe nào cũng sắc lẹm, bóng bẩy và có chiều sâu. Giờ đây, đồ họa được ưu tiên theo phong cách dễ nhìn, đơn giản theo phong cách 2D. Bên nổ phát súng đầu tiên theo trường phái thiết kế mới là Mini vào năm 2015 và hàng loạt các hãng xe lớn trên toàn cầu đã theo bước thương hiệu Anh Quốc từ đó tới nay.

Aston Martin (2022): Đôi cánh biểu tượng của Aston Martin thực tế không có nhiều thay đổi từ thập niên 1930 tới nay. Vào 2022, hãng đơn giản hóa biểu tượng này với đường nét xung quanh ít và đơn giản hơn nhưng bù lại dòng chữ Aston Martin được nhấn mạnh hơn

Audi (2022): Biểu tượng 4 vòng tròn của Audi sử dụng từ 2005 đã được thay mới vào 2022 khi bỏ đi giao diện 3D màu bạc để thay bằng 4 vòng tròn không thể đơn giản hơn

BMW (2021): Tương tự đối thủ đồng hương, BMW cũng đơn giản hóa logo của mình nhưng sớm hơn một năm. Vòng tròn bên ngoài đổi màu từ đen sang trắng, tông màu xanh được thay mới đồng thời toàn bộ hiệu ứng 3D bị loại bỏ

Buick (2022): Biểu tượng hình 3 tấm khiên xếp chéo trong vòng tròn của Buick đã được đơn giản hóa rất nhiều vào 2022. 3 tấm khiên được tách rời và đặt ngang hàng nhau, giao diện mặt khiên bị thay thế còn vòng tròn bao bên ngoài đã được bỏ hẳn

Cadillac (2021): Cadillac đã mạnh tay làm lại logo của mình vào 2 năm trước khi toàn bộ màu sắc bên trong đã bị loại bỏ và thay bằng các tông xám – đen – trắng. Giao diện 3D cũng được thay bằng loại 2D đơn giản hơn

FCA (2020): Tập đoàn chủ quản của hàng loạt tên tuổi lớn như Jeep, Fiat hay Peugeot đã đổi tên và đổi luôn logo vào 2020. Tuy vậy, cách tiếp cận của họ lại có phần hơi ngược xu thế khi từ phông nền đơn giản đổi thành phức tạp và hoa mỹ hơn đáng kể

Citroen (2016): Citroen thay mới logo của mình vào 2016 – thời điểm các hãng xe quốc tế mới chuẩn bị đổi mới bộ mặt biểu tượng. Hình 2 mũi tên của họ giờ được duỗi thẳng và đặt trong một vòng bầu dục bao bên ngoài theo phong cách khá giống logo nguyên bản sử dụng vào 1919

GM (2021): GM cập nhật logo bằng phông nền mới, đồng thời khối vuông bên ngoài cũng được cách điệu hơn đáng kể nhờ cách phối màu mới. Dấu gạch chân nay chỉ còn đặt dưới chữ M

Jaguar Land Rover (2023): Thêm một tập đoàn xe khác đổi tên và đổi luôn cả logo. 2 logo riêng của Jaguar và Land Rover giờ được hợp nhất thành một logo “JLR” mới, tuy nhiên 3 thương hiệu con Defender, Range Rover và Discovery vẫn sẽ có một biểu tượng Land Rover cách điệu riêng

Kia (2021): Khi làm lại logo vào 2021, Kia đã thay phông chữ đồng thời loại bỏ hình bầu dục bên ngoài xe. Dù vậy, không ít người đã nhìn nhầm chữ Kia thành KN cũng vì thay đổi này

Lancia (2022): Thương hiệu Italia danh tiếng một thời trở lại vào 2022 với logo mới cùng hàng loạt dòng xe điện hứa hẹn chào sân trong tương lai gần. Logo cũ của họ nay đổi sang giao diện mới hiện đại hơn hẳn dù bộ khung tổng thể vẫn được lưu giữ

Lotus (2019): Hãng xe sắp tham chiến Việt Nam này nay sử dụng logo dạng 2D không viền thay vì 3D viền bạc như trong quá khứ. Dòng chữ Lotus tại trung tâm cũng đã được đổi phông

Mini (2015): Mini chính là thương hiệu đầu tiên đổi logo sang phong cách “phẳng” đơn giản và bỏ đi mọi yếu tố 3D lẫn tông màu bạc trong biểu tượng của mình

Nissan (2021): Đơn giản hơn, gọn gàng hơn và cũng hòa nhã hơn là logo Nissan mới thay vì phong cách có phần khá cồng kềnh của bản cũ

Peugeot (2021): Một trong những biểu tượng nổi bật nhất của làng xe tới từ Peugeot đã được làm lại vào đầu thập kỷ này. Hình sư tử đứng nay được thay bằng hình khiên, bên trong là đầu sư tử dữ dằn. Dòng chữ Peugeot được chuyển từ dưới lên trên biểu tượng chính

Porsche (2023): Biểu tượng hình khiên của Porsche vừa được làm lại với giao diện phẳng, lưới tản nhiệt dạng mắt tổ ong tại các thanh ngang màu đỏ cùng hình sừng hươu được chuốt gọn

Renault (2021): Logo 3D của Renault chuyển sang dùng giao diện 2D cách điệu tạo thành từ 2 đường kẻ vào 2021

Volkswagen (2019): Volkswagen, khi đẩy mạnh mảng điện hóa vào 2019, đã đổi luôn logo để khép lại “kỷ nguyên đen tối” gắn liền với Dieselgate của mình. Giao diện 2D đơn giản hơn đáng kể cùng chữ W lần đầu tiên có phần bên dưới không nối liền với vòng tròn bao ngoài là những điểm nhấn chính trên logo mới

Volvo (2021): Volvo lặng lẽ cập nhật logo của mình vào 2021 với phong cách phẳng gọn gàng và đơn giản hơn. Ngoài ra, họ cũng bỏ luôn phần khối bao quanh dòng chữ Volvo trước đây



Nguồn : Source link