Porsche là một trong những xe thể thao mơ ước trong khi Volkswagen được biết đến như xe ô tô của mọi người dân. Hai hãng xe trên thật ra là những công ty anh em. Người đứng đầu hiện tại của Porsche là Ferdinand Piech, cháu trai của người sáng lập dòng siêu xe trên. Vợ của ông là người điều hành Volkswagen. Như vậy, công ty đa quốc gia này thực ra nằm dưới quyền điều hành của một gia đình duy nhất.
Ferdinand Piech không chỉ là nhà thiết kế ô tô tài ba mà còn là nhà quản lý công nghiệp xuất chúng. Chính ông là người đã đưa Volkswagen thoát khỏi thời kỳ khủng hoảng nặng nề, đang lỗ nặng trở thành có lãi lớn.
Ferdinand Piech sinh ngày 17 tháng 4 năm 1937 tại Viên, thủ đô nước Áo. Ông là người có xuất thân trong một gia đình danh giá. Bố của Ferdinand là Anton Piech, là một luật sư nổi tiếng đã lấy bà Louise Porsche, con gái của Ferdinand Porsche, huyền thoại ô tô nước Áo với hãng xe ô tô thể thao sang trọng và đắt tiền bậc nhất thế giới. Ông Anton Piech đã từng làm giám đốc điều hành hãng xe Volkswagen của Đức trong những năm chiến tranh thế giới thứ hai.
Ông Ferdinand Piech học tại một trường nội trú Thụy Sĩ ở Engadine. Lý do ông được gửi đến trường này là vì kết quả học tập chỉ đạt điểm trung bình ở Áo. Ông cho biết, thời kỳ “đen tối” đó đã dạy ông phải tự lực, “bởi vì bạn không thể dựa dẫm vào người khác”.
Năm 1962, Ferdinand tốt nghiệp đại học với tấm bằng kỹ sư. Ferdinand Piech bắt đầu sự nghiệp từ đây với mơ ước một ngày nào đó có thể nắm quyền điều hành hãng xe thể thao danh giá của gia đình.
Sau đó, Piech tiếp tục học ngành kỹ thuật tại Zurich, lấy bằng về động cơ Công thức 1, và gia nhập Porsche vào năm 1973. Ông đã làm nên tên tuổi của mình khi đang là một kỹ sư xe thể thao tại Porsche.
Ông là người giám sát thiết kế chiếc Porsche 917, chiếc xe đó đã giành chiến thắng trong cuộc đua Le Mans 24 giờ vào năm 1970, giúp doanh số của Porsche tăng vọt. Là một người tham vọng, Ferdinand Piech hy vọng trở thành giám đốc điều hành của Porsche, nhưng bị các thành viên gia đình Porsche ngăn cản.
Trang web tin tức Spiegel của Đức tiết lộ, trong một lần nói chuyện với họ, ông đã hét lên: “Tôi là một con lợn rừng, còn các người là những con lợn nhà!”. Ngụ ý của ông trong câu nói này là bản thân có thể tự đi lên, còn những người kia thì cần sự chăm sóc.
Cả cuộc đời Ferdinand Piech vẫn gắn liền với công nghiệp xe hơi. Chính vì vậy, nhiều người ví con rằng trong dòng máu của Ferdinand Piech còn có cả xăng.
Điều đó dường như đúng cả mọi phương diện. Ferdinand Piech không chỉ là người gắn bó máu thịt với ngành công nghiệp ô tô mà ông còn sinh ra trong một gia đình rất danh giá và nổi tiếng nghiệp chế tạo ô tô. Ferdinand Piech chính là cháu ngoại của Ferdinand Porsche, người sáng lập ra hãng ô tô Porsche và cũng là cha đẻ của nhiều thương hiệu và model ô tô lừng danh.
Ferdinand Piech luôn muốn chứng minh năng lực và bản lĩnh trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô. Sau đó, ông sẵn sàng rời bỏ Porsche để đến với hãng xe Audi là một công ty con của tập đoàn Volkswagen.
Ông đã gắn bó với Volkswagen và sử dụng tài năng và hiểu biết về kỹ thuật, công nghệ sản xuất ô tô để phát triển sản phẩm mới. Piech đã vươn lên vị trí ban quản lý của Audi chỉ trong vòng ba năm kể từ khi gia nhập hãng. ào năm 1975, Ferdinand Piech đã trở thành thành viên Ban tổng giám đốc của Audi.
Trong thời gian làm việc tại Audi, Ferdinand Piech đã chứng tỏ không chỉ năng lực sáng tạo về kỹ thuật chế tạo ô tô mà cả khả năng bán hàng và quản trị doanh nghiệp rất xuất sắc của bản thân. Với tư cách là người đứng đầu bộ phận phát triển kỹ thuật, ông đã cho ra đời chiếc Quattro và thiết kế một loạt các cải tiến nhằm biến một thương hiệu mờ nhạt trở thành đối thủ cạnh tranh khả thi với hai thương hiệu hạng sang hàng đầu là BMW và Mercedes.
Ferdinand Piech đã thực sự trở thành một tên tuổi lớn trong ngành công nghiệp sản xuất ô tô khi tên tuổi hãng xe Audi đã vượt qua biên giới nước Đức. Đồng thời Ferdinand Piech cũng đã xây dựng được thương hiệu Audi trở thành thương hiệu xe dòng trung và cao cấp nhờ công nghệ sản xuất ôtô hiện đại bậc nhất châu Âu.
Piech được nhắc tới là một tín đồ mê xe đúng nghĩa. Ông ủng hộ rất nhiều dự án mà sau này đã trở thành thước đo của thành công, nổi bật nhất chính là Bugatti Veyron giúp “phượng hoàng” Pháp hồi sinh từ đống tro tàn. 2 dòng xe Volkswagen Phaeton và XL1 dù không thành công về mặt thương mại nhưng cũng trở thành nền tảng tốt cho các dự án khác của tập đoàn Đức.
Với những đóng góp to lớn ở thời kỳ Audi, ông đã được tin tưởng để được giao trọng trách Giám đốc điều hành Volkswagen kể từ năm 1993 tới 2002. Khi ông nhậm chức, hãng xe của mọi người đang gặp khó khăn về tài chính. Với các quyết định xuất sắc của mình, Piech đã đưa Volkswagen làm ăn có lãi trở lại mà thậm chí không cần phải cắt giảm một lượng lớn nhân sự.
Nhờ tài lèo lái của ông, con thuyền đắm được đưa trở lại đúng quỹ đạo và thậm chí vươn lên trở thành thế lực số 1 trong làng xe thế giới. Cũng chính trong giai đoạn này mà Volkswagen thu nhận thêm rất nhiều thương hiệu con về dưới quyền như Bentley, Bugatti và Porsche. Có thể nói, thành công có được ngày nay của Volkswagen có công rất lớn của nhà lãnh đạo người Áo.
Khi nắm quyền điều hành cao nhất tại Volkswagen, Ferdinand Piech quyết định thực hiện chiến lược nhiều thương hiệu, nhiều đẳng cấp đồng thời cho các sản phẩm của mình. Bên cạnh các thương hiệu sẵn có như VW, Golf, Audi, Seat, Skoda, Ferdinand Piech còn mua về nhiều thương hiệu mới như Bentley, Bugatti, Lamborghini, Scania.
Sự quản lý nghiêm ngặt đối với chất lượng, đi kèm với phong cách quản lý cứng rắn khiến ông được một số người nhận xét là “chuyên quyền”. Ông được biết đến với “ánh mắt đăm đăm” và những lời nói khó nghe. Dưới sự lãnh đạo của ông, VW nhanh chóng phát triển, và trở thành đối thủ cạnh tranh chính của Toyota trên thị trường quốc tế.
Trong mười năm ông làm Chủ tịch điều hành, Volkswagen từ một tập đoàn sản xuất ôtô trung bình đã trở thành nhà sản xuất ôtô lớn nhất châu Âu và đứng thứ ba trên thế giới. Các đối thủ cạnh tranh từ Mỹ, Nhật và châu Âu đều phải kính nể trước một tập đoàn khổng lồ với trên 300.000 nhân viên và hoạt động ngày càng hiệu quả như Volkswagen.
Doanh thu bán hàng của Volkswagen đã tăng từ 43 tỷ USD vào năm 1994 lên 75 tỷ USD năm 1998. Năm 2000, Volkswagen đã đạt con số kỷ lục khi doanh số bán hàng lên tới gần 96 tỷ USD. Hơn 324.000 người có tên trong danh sách nhận lương của tập đoàn.
Tuy nhiên, quyết định gây chú ý nhất của Piech đó là vào năm 2012 khi ông đưa được Porsche về dưới mái nhà Volkswagen. Vào tháng 9/2015, Porsche từng mua lại 20% cổ phần của Volkswagen và sau đó, hãng xe thể thao này liên tục tăng lượng cổ phần lên. Tuy nhiên để làm được điều đó, Porsche đã nợ tới hơn 10 tỷ USD và không đạt được mục tiêu sở hữu lượng cổ phần cần thiết. Volkswagen sau đó đã lật ngược thế cờ và mua lại Porsche.
Trong suốt cuộc đời của mình, Ferdinand Piech không chỉ gây ảnh hưởng quan trọng tới Volkswagen cùng các thương hiệu con, mà còn thay đổi hoàn toàn ngành công nghiệp ô tô Thế giới. Ông qua đời ở tuổi 82 và để lại không ít lùm xùm trong sự nghiệp của mình. Dẫu vậy, không thể phủ nhận được sự đóng góp và tài năng của ông đối với nền công nghiệp ô tô thế giới. Đến nay, vẫn còn những di sản mà Ferdinand Piech để lại vẫn còn giá trị và được tôn vinh.
Tổng hợp – Ảnh: Internet
https://cafef.vn/ferdinand-piech-ga-ky-su-co-xang-trong-mau-thay-doi-cuoc-choi-xe-hoi-toan-cau-mot-tay-gay-dung-thuong-hieu-xe-sang-dinh-dam-tu-dong-tro-tan-20220529131348134.chn
Nguồn : Source link