Ép nhân viên đi làm mùa dịch, Tesla bị chính quyền ‘sờ gáy’ nhưng bất đồng nội bộ còn đáng chú ý hơn


Chính quyền hạt Alameda nơi Tesla đặt nhà máy Gigafactory hôm nay đã chính thức gửi đơn yêu cầu Tesla ngưng vận hành dây chuyền lắp ráp quy mô lớn ngay lập tức và chỉ được vận hành nhà máy ở mức tối thiểu. Hồi cuối tuần trước Tesla đã tự mở cửa nhà máy trở lại mà không được sự cho phép của chính quyền địa phương.

Thương hiệu Mỹ cũng đe dọa sẽ kiện hạt Alameda đồng thời chuyển nhà máy lắp ráp của mình sang một bang khác, tuy nhiên có vẻ như trong sự việc này họ không nắm đằng chuôi. Tuyên bố của bang California dù đã để mở khả năng mở cửa trở lại của các dịch vụ không thiết yếu (trong đó có lắp ráp xe) nhưng vẫn khẳng định mỗi hạt có quyền tự quyết cuối cùng xét trên tình hình mỗi địa phương riêng biệt.

Theo đại diện Cục Y tế Alameda trước khi Tesla tự ý mở cửa trở lại họ vẫn đang thương thảo với nhau để tìm ra các quy tắc an toàn hợp lý để đảm bảo an toàn cho các công nhân thuộc thương hiệu Mỹ đồng thời tránh lây lan thêm COVID-19 ra cộng đồng, tuy nhiên có vẻ như hãng xe này không chờ thêm được một tuần (18/5 dự kiến là mốc Tesla có thể mở cửa nhà máy trở lại tương tự một số hãng xe Mỹ khác).

Động thái “nổi loạn” của Tesla nhận được sự ủng hộ từ tổng thống Donald Trump…

Trước đó, CEO Elon Musk đã có nhiều phát ngôn cho thấy sự coi thường dịch COVID-19 (và cũng sai lệch hoàn toàn về mặt khoa học), ông cũng là một trong những người phản đối gắt gao nhất lệnh giãn cách xã hội bắt buộc khi cho rằng chúng “phát-xít” và “tước đi quyền công dân Mỹ”.

Không chỉ gây chiến với chính quyền hạt Alameda, Tesla còn đang đứng trước nguy cơ rạn nứt nội bộ khi e-mail họ gửi cho nhân viên trong tuần trước mang tính chất đe dọa nhiều hơn là khuyến cáo. Cụ thể, hãng cảnh báo các nhân viên không đi làm trở lại theo kêu gọi của lãnh đạo công ty “có thể bị giảm hoặc mất hẳn trợ giúp thất nghiệp tùy theo chính sách bang” và trong thời gian vắng mặt sẽ được coi như nghỉ không lương.

Đáp lại, không ít công nhân Tesla đã lên tiếng bất bình vì cho rằng hãng buộc mình phải lựa chọn: quay trở lại làm việc trong dây chuyền lắp ráp trái lệnh của chính quyền bang (đồng thời có nguy cơ lây nhiễm COVID-19 vì chính Tesla cũng chưa thống nhất/nộp được các chính sách an toàn để bảo vệ công nhân khi đi làm trở lại) hoặc mất việc và mất luôn trợ cấp thất nghiệp sau này.

Tham khảo: Car and Driver, Reuters



Nguồn : Source link