Hãng tin CNBC cho hay CEO Elon Musk của Tesla đã thừa nhận không ủng hộ việc đánh thuế xe điện Trung Quốc vào Mỹ.
“Cả Tesla hay bản thân tôi đều không đề nghị điều này. Thực tế là chính tôi cũng ngạc nhiên khi thông báo về chính sách đánh thuế xe điện Trung Quốc của Mỹ được công bố”, Elon Musk cho biết.
Tuần trước, Nhà Trắng đã tăng mức thuế từ 25% lên 100% với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm ngăn chặn dòng lũ ô tô giá rẻ tràn vào thị trường nội địa, qua đó bảo hộ ngành công nghiệp trong nước. Tuy nhiên sau chuyến thăm Bắc Kinh bất ngờ của Elon Musk, ông chủ nhà Tesla lại có thái độ khác với quyết định này.
“Tesla vẫn đang cạnh tranh khá tốt ở thị trường Trung Quốc mà không hề chịu mức thuế đặc biệt hay sự phân biệt đối xử nào. Bởi vậy tôi ủng hộ việc không đánh thuế với xe điện Trung Quốc cũng như bất kỳ chính sách bảo hộ xe điện hay ô tô xăng nào”, Elon Musk cho hay.
Theo CNBC, những phát ngôn này của Elon Musk đi ngược lại với quan điểm trước đây khi ông chủ Tesla cho rằng nếu Mỹ không có động thái thì xe điện Trung Quốc sẽ đè bẹp hết các đối thủ trên toàn cầu.
“Nói thật thì tôi nghĩ nếu không có rào cản thương mại được thiết lập thì xe điện Trung Quốc sẽ đè bẹp hầu hết các đối thủ trên toàn cầu”, Elon Musk nói vào tháng 1/2024.
Thậm chí trong buổi hội thảo trực tuyến VivaTech, Elon Musk đã bất ngờ bỏ ngang câu hỏi liệu mức thuế 100% với xe điện Trung Quốc của Mỹ có giúp Tesla tận dụng được cơ hội với sản phẩm xe điện giá rẻ của mình không.
Những người xem đã phải chờ vài phút khi Elon Musk ngừng kết nối rồi mới trở lại với một câu hỏi khác.
Phao cứu sinh?
Trên thực tế Elon Musk đã có quan điểm cứng rắn về xe điện Trung Quốc đầu năm 2024 khi dòng lũ sản phẩm giá rẻ đè bẹp các mặt hàng của Tesla.
Việc không đưa ra được một sản phẩm xe điện nổi trội giá rẻ cùng với nhu cầu suy giảm đã khiến doanh thu quý I/2024 của Tesla đi xuống với mức chưa từng thấy, trong khi cổ phiếu của hãng cũng giảm gần 30% giá trị từ đầu năm đến nay.
Đứng trước tình hình này, Elon Musk đã bất ngờ đến thăm Trung Quốc như một cách tìm kiếm “phao cứu sinh”, chào hàng sản phẩm công nghệ tự lái, thúc đẩy doanh số ở thị trường này trong bối cảnh nhu cầu tại Mỹ giảm sút.
Thị trường xe điện Mỹ đã giảm tốc nhanh chóng. Báo cáo của UBS cho thấy doanh số xe điện tại Mỹ tăng trưởng 60% năm 2022 và đã giảm xuống còn 47% năm 2023. Tỷ lệ này được dự đoán chỉ còn 11% năm 2024.
Từ đầu năm đến nay, Tesla là một trong những cổ phiếu có kết quả tệ nhất S&P 500 dù đây là hãng xe điện duy nhất ở Mỹ chỉ sản xuất ô tô điện mà vẫn có lợi nhuận.
Thị phần xe điện của Tesla tại Mỹ đã giảm từ 62% năm ngoái xuống còn 51% hiện nay. Đó là chưa kể đến hàng loạt vụ kiện tụng của Bộ tư pháp Mỹ về công nghệ tự lái của Tesla khi liên quan đến nhiều vụ tai nạn.
Trong khi đó, Trung Quốc chiếm đến 50% doanh số và 20% công suất của Tesla năm 2023. Nhà máy của hãng này tại Thượng Hải là một trong những nhà máy có sản lượng chủ chốt của hãng trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xin được nhắc rằng với vai trò là thị trường xe điện lớn nhất thế giới, công nghệ tự lái đang khá phát triển và phổ biến ở Trung Quốc, khác xa so với Mỹ. Hàng loạt thương hiệu xe điện như Xpeng hay Xiaomi đã nhấn mạnh vào công nghệ này như ưu thế nổi bật của sản phẩm.
Tờ Business Insider (BI) cho hay Tesla đã đạt được thỏa thuận với tập đoàn công nghệ lớn Baidu của Trung Quốc trong việc phát triển công nghệ xe điện tự lái. Ngay sau thông tin trên, giá cổ phiếu Tesla đã tăng 12%, tương đương mức tăng hơn 60 tỷ USD tổng vốn hóa thị trường.
Trước tình hình này, giới truyền thông đang cực kỳ quan tâm đến thái độ của Elon Musk trước việc Mỹ đánh thuế xe điện Trung Quốc khi ông chủ Tesla từng là người ủng hộ các rào cản thương mại với “dòng lũ” ô tô điện giá rẻ.
Không lâu dài
Theo tờ Fortune, chính sách nâng thuế quan không phải là một biện pháp lâu dài cho ngành xe điện Mỹ.
Nền kinh tế lớn nhất thế giới đã từng đối mặt với dòng lũ xe hơi Nhật Bản giá rẻ chất lượng cao vào thập niên 1970-1980. Tuy nhiên ngành công nghiệp xe hơi Mỹ đã vượt qua thử thách này dễ dàng do Nhật Bản là đồng minh của Mỹ nên đã tự động giới hạn quota xuất khẩu ô tô sang thị trường này.
Đồng thời chính quyền Tokyo cũng buộc các hãng xe Nhật dịch chuyển lên phân khúc xe sang thay vì tiếp tục ưu thế dòng ô tô giá rẻ, đồng thời mở các nhà máy tại Mỹ nhằm tạo việc làm và xoa dịu chính quyền Washington.
Đặc biệt, chính sự dịch chuyển này cũng kích thích nguồn vốn đầu tư và sự đổi mới cho thị trường xe hơi Mỹ. Các tập đoàn lớn như Ford, GM…bắt đầu nhận ra rằng nếu không chịu thay đổi thì họ sẽ mất thị phần, qua đó tạo nên một cuộc cách mạng mới cho ngành ô tô Mỹ.
Tuy nhiên theo Fortune, cuộc chạy đua xe điện lần này với Trung Quốc rất khác.
Việc nâng thuế quan có thể tạm thời ngăn chặn dòng lũ xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, khiến các doanh nghiệp nội địa đủ sức tồn tại với thị trường trong nước. Tuy nhiên chúng có thể giết chết tính sáng tạo và năng động của các doanh nghiệp nội địa khi quá thoải mái nhờ hàng rào thuế quan bảo vệ.
Trong bối cảnh Trung Quốc bùng nổ vô số công nghệ xe điện, phổ biến diện rộng những kỹ thuật mới như xe tự lái thì việc thụt lùi và phải dùng đến hàng rào thuế quan sẽ khiến các thương hiệu Mỹ dần ỷ lại vào công nghệ Trung Quốc.
Thay vì tốn chi phí đầu tư, nhiều hãng nội địa Mỹ sẽ hợp tác với Trung Quốc để tận dụng công nghệ sẵn có, tận dụng chính hàng rào thuế quan trên để kinh doanh.
Rõ ràng, không phải tự nhiên mà Elon Musk bất ngờ sang thăm Trung Quốc và cũng không phải vô cớ mà ông chủ Tesla đổi ý về quan điểm hàng rào thuế quan hiện nay.
*Nguồn: CNBC, Fortune
Nguồn : Source link