Dùng bỉm để thảm mặt đường
Một con đường cao tốc đang được xây dựng ở phía tây xứ Wales và đây là dự án thí điểm về bảo vệ môi trường liên quan bỉm đã qua sử dụng .
Hơn 100.000 chiếc bỉm đã qua sử dụng được làm sạch, cắt nhỏ thành những viên màu xám dạng sợi và trộn với nhựa đường. Sau đó, công nhân xây dựng dùng chúng để thảm lên đoạn đường 2,4km trong tuần này.
Nghị sĩ Anh Ben Lake cho rằng, “con đường “bỉm tã” có thể là một yếu tố thay đổi cuộc chơi đối với cách tiếp cận cơ sở hạ tầng ở xứ Wales”. Trong khi mọi người vẫn được khuyến khích chuyển sang dùng tã vải (tái sử dụng được), bỉm dùng một lần giờ đây được tái chế hiệu quả, giúp giảm sức ép cho các bãi rác, giúp bảo vệ môi trường.
Đoạn đường được trải nhựa làm từ hơn 100.000 chiếc bỉm tái chế. Ảnh: The Washington Post.
Khoảng 140 triệu chiếc bỉm được vứt vào thùng rác hàng năm ở xứ Wales. Ở Vương quốc Anh, con số này ước tính là 3 tỷ chiếc, chiếm 2-3% tổng lượng rác thải sinh hoạt. Tại Mỹ, hơn 18 tỷ chiếc bỉm được thải ra mỗi năm.
Phần lớn bỉm đã qua sử dụng được đưa tới các bãi chôn lấp, nhưng chúng mất nhiều năm để phân hủy sinh học. Tã vải cũng có chi phí môi trường vì sản xuất và giặt chúng tiêu tốn năng lượng và nước.
Một báo cáo của Cơ quan Môi trường của Anh vào năm 2008 cho thấy, tác động môi trường của việc sử dụng tã vải có thể cao hơn hoặc thấp hơn so với sử dụng bỉm, tùy thuộc cách tã được giặt tẩy.
Jason Hallett, giáo sư về công nghệ hóa học bền vững tại Đại học Imperial College London, cho biết, việc lát đường, thảm mặt đường bằng bỉm sẽ không làm cho đường “xanh” hơn, vì cả nhựa đường và thành phần bỉm đều được làm từ hydrocacbon, nhưng ít gây hại cho môi trường hơn so với việc để chúng ở bãi rác.
Một số quốc gia đã thử nghiệm làm đường từ rác thải nhựa. Ấn Độ đã sản xuất keo từ rác thải nhựa rồi dùng để tạo độ kết dính cho một con đường ở thành phố năm 2002. Từ năm 2015, chính phủ Ấn Độ yêu cầu việc xây dựng đường sá ở các khu vực đô thị đông dân phải sử dụng rác thải nhựa.
Hà Lan đã mở con đường dành cho xe đạp đầu tiên trên thế giới được làm bằng nhựa tái chế.
Bang California của Mỹ đã dùng những chai nhựa bỏ đi và các bao bì khác để cải tạo một đoạn đường cao tốc ba làn xe. Và giờ đây xứ Wales đang làm con đường “bỉm tã” đầu tiên trên thế giới.
NappiCycle, một công ty xứ Wales đã cung cấp bỉm tái chế cho dự án thí điểm, là một trong hai hãng tái chế bỉm duy nhất trên thế giới (hãng còn lại ở Ý). Giám đốc NappiCycle, ông Rob Poyer, cho biết bỉm rất khó phân hủy thành các phần nhựa, cellulose và polyme siêu thấm hút.
Nhưng có lẽ thách thức lớn nhất đối với các công ty tái chế là tìm được thị trường. Ông Poyer cho biết, NappiCycle mỗi năm tái chế khoảng 40 triệu chiếc bỉm để làm tấm xây dựng, bảng ghim và đế lót ly. “Tái chế bỉm là khả thi vì chính quyền xứ Wales muốn có một nền kinh tế xanh”, ông nói.
Những viên nhỏ màu xám làm từ bỉm cắt vụn đã được thêm vào nhựa đường. Ảnh: The Washington Post. |
Các sáng kiến tái chế rác thải
Chính quyền các địa phương ở xứ Wales đang tăng tỷ lệ rác thải được tái chế và có cách làm linh hoạt để đạt được mục tiêu. Ở Swansea, thành phố lớn thứ hai ở xứ Wales, các quan chức áp dụng biện pháp gọi là “kiểm tra tiếng kêu” – họ lắc các túi rác để xem có bất kỳ tiếng kêu lanh canh nào không để xác định các đồ vật có thể tái chế. Nếu túi rác chứa đồ vật có thể tái chế, chủ nhà sẽ bị phạt 100 bảng Anh (khoảng 3,1 triệu đồng).
Các thành phố khác của xứ Wales đã giảm tần suất hoạt động của xe thu gom, chuyên chở rác, đồng thời duy trì hoạt động thu gom rác thực phẩm hằng tuần. Kể từ năm 2018, mức thu gom rác thải thực phẩm của thị trấn Conwy tăng 31% và hoạt động tái chế vật liệu khô tăng 16%. Conwy tái chế hơn 70% rác thải sinh hoạt.
Tại Mỹ, hơn 18 tỷ chiếc bỉm đã qua sử dụng được thải ra mỗi năm. Ảnh: iStock. |
Rác thực phẩm thường chiếm khoảng một phần tư số rác sinh hoạt. Nhưng hầu hết cư dân xứ Wales để riêng rác thực phẩm vào thùng chứa được thu gom hằng tuần rồi đưa đến cơ sở phân hủy kị khí, nơi rác được biến thành năng lượng tái tạo hoặc được sử dụng làm phân bón.
Giờ đây, sự chú ý của chính quyền xứ Wales chuyển sang bỉm và các sản phẩm vệ sinh thấm hút khác – những thứ chiếm khoảng 9% rác thải. Nếu nhà chức trách xác định nhựa đường không bị ảnh hưởng bởi việc thêm bỉm tái chế và đáp ứng tiêu chuẩn môi trường thì bỉm tái chế có khả năng được sử dụng rộng rãi hơn. Miền núi Wales có khoảng 55.000 km đường.
Giám đốc NappiCycle, ông Rob Poyer (trái), và nghị sĩ Anh Ben Lake quan sát công việc làm đường. Ảnh: The Washington Post. |
(theo Washington Post)
Nguồn : Source link