Tháng 3 vừa qua, Xiaomi – “ông lớn” trong ngành sản xuất điện thoại thông minh – đã gây tiếng vang lớn khi ra mắt mẫu xe điện đầu tiên mang tên Speed Ultra 7. Chỉ trong vòng một ngày, gần 90.000 đơn đặt hàng đã được gửi đến, cho thấy sức hút mạnh mẽ của Xiaomi ngay trong lần đầu “lấn sân” sang thị trường EV.
Tuy nhiên, báo cáo tài chính chưa được kiểm toán của Xiaomi cho thấy mảng kinh doanh xe điện vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn. Cụ thể, trong quý 2 vừa qua (kết thúc vào ngày 30/6) – quý đầu tiên Xiaomi bàn giao xe điện cho khách hàng, Xiaomi ghi nhận khoản lỗ đã điều chỉnh lên đến 252 triệu USD (tương đương khoảng 6.3 nghìn tỷ VNĐ).
Kết quả này được đưa ra trong bối cảnh Xiaomi tự tin khẳng định sẽ đạt được mục tiêu bán ra 100.000 chiếc Speed Ultra 7 vào tháng 11 tới. Xiaomi cho biết trong quý 2, hãng đã giao được 27.307 chiếc SU7. Như vậy, với mức giá bán lẻ khoảng 30.000 USD (khoảng 750 triệu VNĐ) mỗi chiếc, ước tính mỗi chiếc xe bán ra, Xiaomi phải chịu khoản lỗ trung bình 9.200 USD (tương đương hơn 230 triệu VNĐ).
Trước tình hình này, CEO Lôi Quân (Lei Jun) đã lên tiếng giải thích, cho biết Xiaomi vẫn đang trong giai đoạn đầu tư cho mảng xe điện. Ông hy vọng người dùng có thể thông cảm cho những khó khăn ban đầu của công ty và tiếp tục ủng hộ Xiaomi trên chặng đường sắp tới. Vị CEO này cũng khẳng định sẽ tiếp tục rót thêm nguồn lực để thúc đẩy sự phát triển và tạo ra những đột phá mới cho mảng kinh doanh xe điện của Xiaomi. Vào hồi tháng 3, trong một buổi phỏng vấn, CEO Xiaomi chia sẻ dự định sẽ rót “hàng chục tỷ USD đầu tư” trong vài năm tới để phát triển mảng kinh doanh xe điện và công nghệ xe hơi của Xiaomi.
Thực tế, với tư cách là một “tay chơi” mới trong ngành công nghiệp xe điện vốn đã rất khốc liệt tại Trung Quốc, việc Xiaomi gặp khó khăn trong giai đoạn đầu là điều dễ hiểu. Để tạo ra bước đột phá thực sự, Xiaomi cần nỗ lực khẳng định vị thế thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm và tập trung vào phát triển công nghệ cốt lõi. Đây là những yếu tố then chốt giúp hãng tạo dựng lợi thế cạnh tranh, thu hút sự chú ý và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng.
Mặc dù kết quả kinh doanh xe điện trong ngắn hạn của Xiaomi chưa thực sự khả quan, giới phân tích vẫn đánh giá cao tiềm năng phát triển của hãng trong tương lai. Các nhà phân tích của Citibank dự đoán Xiaomi sẽ bắt đầu có lãi khi đạt doanh số 300.000 – 400.000 xe/năm. Citibank dự báo doanh số bán xe của Xiaomi sẽ đạt 260.000 chiếc vào năm 2026.
Chặng đường dài phía trước?
So với đối thủ cạnh tranh trong nước là BYD, Xiaomi vẫn còn một chặng đường dài để bắt kịp. Trong quý 2 vừa qua, BYD đã bán được 426.039 xe.
Tính đến thời điểm hiện tại, Xiaomi mới chỉ có một nhà máy sản xuất xe điện do chính hãng tự xây dựng. Kể từ tháng 6, nhà máy này đã phải hoạt động theo chế độ hai ca/ngày để có thể xuất xưởng hơn 10.000 xe/tháng.
Xiaomi từ lâu đã khẳng định tầm nhìn đối với dòng xe SU7 là tạo ra một chiếc xe thông minh, cạnh tranh trực tiếp với Tesla của Elon Musk nhưng có mức giá phù hợp hơn với thu nhập trung bình của người tiêu dùng Trung Quốc. Ngoài ra, Xiaomi còn ấp ủ nhiều tham vọng lớn hơn cho dòng xe điện của mình, bao gồm khả năng tự lái, tự động đỗ xe và trợ lý ảo dựa trên giọng nói. Những tính năng này dự kiến sẽ được Xiaomi tích hợp đầy đủ trên các mẫu xe xuất xưởng trong tháng này.
Xiaomi cũng cho biết hãng có kế hoạch phát triển nhiều mẫu xe điện đa dạng hơn ngoài dòng sedan SU7, tuy nhiên chưa tiết lộ bất kỳ thông tin chi tiết nào.
Nguồn : Source link