Công nghệ thép cán nguội trên Tesla Cybertruck đặc biệt thế nào?


Thép không gỉ cán nguội trên Tesla Cybertruck

Tesla Cybertruck sử dụng thép không gỉ cán nguội 30X, một vật liệu siêu cứng và có khả năng chống đạn cấp độ thấp (9mm). Quy trình cán nguội giúp thép không gỉ đạt được độ cứng và độ bền cao hơn, nhờ vào việc nén và ép kim loại ở nhiệt độ phòng thay vì ở nhiệt độ cao như cán nóng.

Thử nghiệm độ cứng của Cybertruck qua đạn cỡ nhỏ 9mm

Đặc tính này giúp khung vỏ của Cybertruck có độ cứng cáp vượt trội, hạn chế khả năng bị biến dạng và chống va đập rất tốt. Chính vì thế, xe có thể chịu đựng được các va chạm mạnh hơn, mang lại độ an toàn cao cho người dùng và bảo vệ tốt hơn cho phần khung xe.

Có nhiều thông tin cho rằng, thép cán nguội mà Tesla sử dụng trên Cybertruck có đặc tính tương tự với những vật liệu sử dụng trong các dự án của SpaceX. Chẳng hạn như thép không gỉ 304L và 316L cho các bộ phận của tên lửa, như Falcon 9 và Starship. Có điều, vật liệu này sẽ cao cấp và đặc biệt hơn so với thép sử dụng tên Cybertruck.

So sánh với thép cán nóng

So với thép cán nguội, thép cán nóng là loại thép được gia công ở nhiệt độ cao, thường là khoảng 927°C. Trong điều kiện nhiệt độ này, thép dễ uốn và định hình, từ đó giúp các nhà sản xuất dễ dàng dập và cắt thép theo các hình dạng phức tạp hơn. Tuy nhiên, thép cán nóng lại có độ bền và độ cứng thấp hơn thép cán nguội. Ngoài ra, thép cán nóng sau khi nguội đi sẽ có bề mặt gồ ghề hơn, ít bóng mịn hơn, điều này làm cho vẻ ngoài của nó không được sắc nét như thép cán nguội.

Mặc dù dễ sản xuất hơn và chi phí thấp hơn, thép cán nóng có xu hướng dễ bị biến dạng và trầy xước, đặc biệt là trong các tình huống va chạm mạnh. Trong khi đó, thép cán nguội với bề mặt mịn và độ cứng cao hơn.

Chi phí của thép cán nguội và thép cán nóng

Vì quy trình sản xuất phức tạp và yêu cầu kỹ thuật cao, thép cán nguội thường đắt hơn so với thép cán nóng. Chi phí gia công thép cán nguội có thể cao hơn từ 20-50% so với thép cán nóng, phụ thuộc vào độ dày và chất lượng của thép. Việc xử lý thép cán nguội đòi hỏi thiết bị và công nghệ chuyên biệt, đồng thời thời gian sản xuất cũng kéo dài hơn.

Với Cybertruck, chi phí vật liệu tăng thêm là điều không thể tránh khỏi khi sử dụng thép không gỉ cán nguội chất lượng cao. Tuy nhiên, Tesla chấp nhận mức chi phí này để mang đến cho khách hàng một mẫu xe có độ bền vượt trội và thiết kế đột phá. Điều này khiến Cybertruck không chỉ là một phương tiện di chuyển, mà còn là một biểu tượng của sức mạnh và công nghệ.

Mức độ phức tạp trong quy trình sản xuất

Sử dụng thép cán nguội tạo ra nhiều thách thức hơn trong sản xuất do tính cứng của vật liệu. Thép không gỉ cán nguội 30X có độ cứng cao, khó dập và uốn nắn. Để tạo nên những hình dạng góc cạnh sắc nét đặc trưng của Cybertruck, Tesla phải sử dụng các máy ép có công suất lớn hơn và kỹ thuật gia công chính xác cao hơn. Thậm chí, việc cắt thép để tạo thành các đường nét cũng đòi hỏi kỹ thuật khác biệt so với thép cán nóng. Các công cụ và máy móc truyền thống có thể không đáp ứng được yêu cầu về độ chính xác và lực ép cần thiết, buộc Tesla phải đầu tư vào công nghệ sản xuất tiên tiến hơn.

Hệ thống máy dập Schuler của VinFast, có khả năng dập được thép cán nguội

Ngoài ra, độ bền cao của thép cán nguội cũng khiến việc sơn phủ và hoàn thiện bề mặt trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi các lớp phủ bảo vệ đặc biệt để duy trì vẻ ngoài thẩm mỹ và chống lại các tác động từ môi trường.

Rủi ro về an toàn khi sử dụng thép quá cứng

Vật liệu thép không gỉ siêu cứng, như loại Tesla sử dụng cho Cybertruck, có thể chống lại các lực va chạm và biến dạng, nhưng điều này lại có thể gây nguy hiểm trong các tình huống va chạm với người đi bộ. Các xe thông thường thường có phần thân và khung xe được thiết kế để hấp thụ lực khi va chạm, giúp giảm thiểu thương tích cho người bên ngoài và bên trong xe. Tuy nhiên, khung xe quá cứng sẽ không hấp thụ lực mà ngược lại có thể truyền toàn bộ lực tác động đến đối tượng bị va chạm, gây nguy hiểm cao hơn cho người đi bộ và các phương tiện khác.

Tesla Cybertruck bị tai nạn ở nước ngoài vào ngày 13/11

Các cơ quan quản lý tại châu Âu đã đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn giao thông, đặc biệt là các quy định liên quan đến việc bảo vệ người đi bộ trong các vụ tai nạn. Theo đó, các xe phải có khả năng hấp thụ một phần lực va chạm nhằm giảm thiểu chấn thương cho người đi bộ, đặc biệt ở phần đầu xe, nơi có nguy cơ va chạm cao. Châu Âu đã nghiêm cấm hoặc hạn chế việc sử dụng các vật liệu và thiết kế xe quá cứng, nhằm đảm bảo xe có thể hấp thụ xung lực trong trường hợp xảy ra va chạm.

Tesla Cybertruck, với lớp vỏ thép không gỉ siêu cứng, có thể không đạt các yêu cầu này, và điều này là một lý do khiến xe có thể bị cấm bán tại châu Âu. Việc không đáp ứng được tiêu chuẩn về bảo vệ người đi bộ cũng gây khó khăn cho Tesla trong việc xin cấp phép lưu hành tại các thị trường có quy định nghiêm ngặt.

Chi phí vật liệu và phức tạp trong quy trình sửa chữa

Ví dụ, nếu phần thân xe bị hư hại nghiêm trọng cần thay thế, chi phí có thể lên đến 10.000 – 15.000 USD. Trong khi các xe có khung thép thường hoặc nhôm sẽ dễ sửa chữa hoặc thay thế từng phần, Cybertruck có khung thép cứng khó thay thế từng mảnh mà có thể phải thay cả khung, làm tăng đáng kể chi phí.

Cản trước hoặc cản sau trên Cybertruck có thể dao động từ 2.000 – 3.000 USD mỗi cái. Nếu so sánh với các xe dùng cản nhựa hoặc hợp kim nhôm, chi phí này cao hơn từ 2-3 lần.

Thời gian và kỹ thuật sửa chữa

Với độ cứng và tính đặc thù của vật liệu, thời gian sửa chữa Cybertruck sẽ dài hơn nhiều so với các mẫu xe dùng nhôm hoặc thép thông thường. Chẳng hạn, việc sửa chữa một va chạm nhẹ có thể chỉ mất một ngày với các xe thông thường, nhưng với Cybertruck, có thể kéo dài đến vài ngày hoặc thậm chí một tuần do cần có các thiết bị đặc biệt và kỹ thuật sửa chữa phức tạp.

Ngoài ra, không phải tất cả các trung tâm sửa chữa đều có khả năng sửa chữa Cybertruck, nên người dùng sẽ phải tìm đến các trung tâm có chuyên môn và công nghệ phù hợp, điều này càng làm tăng chi phí và thời gian chờ đợi.

(Tổng hợp)



Nguồn : Source link