Chủ cũ khó bán lại, người mới sợ ‘bắt dao rơi’


Vào tháng 7/2024, BYD chính thức mở cửa nhà máy của mình tại Thái Lan. Động thái này của thương hiệu Trung Quốc khiến nhiều người dùng Thái Lan vui mừng vì chứng minh cam kết gắn bó lâu dài với thị trường trên của họ. Tuy nhiên, từ đó tới nay, BYD đã gặp không ít rắc rối vì cách tiếp cận của mình tại thị trường Đông Nam Á này.

Cụ thể, việc hãng hạ giá SUV Atto 3 để duy trì khoảng cách với các đối thủ bám đuổi đã có tác dụng ngược. Việc hạ giá xe một lần liền tới 340.000 baht (240,2 triệu đồng) khiến người mua BYD Atto 3 trước đó gặp vô vàn khó khăn nếu muốn bán lại xe. 

“Tôi được (hãng) báo rằng giá xe sẽ tăng lên sau 2 tháng nữa sau khi trợ giá của chính phủ hết hạn. Thông thường bảo hiểm sẽ chi trả 80% giá trị xe mới trừ thêm một khoản tương đương với mức mất giá 10% mỗi năm. Tuy nhiên, chương trình hạ giá của BYD đã đẩy giá trị xe cũ xuống thấp hơn nữa khi tính theo công thức trên”, chủ xe BYD Atto 3 Darakorn tại Thái Lan chia sẻ với trang Nikkei Asia.

BYD đã thực hiện hàng loạt chương trình hạ giá tại Thái Lan trong thời gian qua để áp đảo các đối thủ chạy xăng lẫn điện. Ảnh: Nikkei Asia

Với khoản vay ngân hàng và trợ giá 100.000 baht của chính phủ, người dùng trên bỏ ra 1,19 triệu baht (841,7 triệu đồng) mua xe vào tháng 1 năm ngoái – một tháng sau ngày BYD đặt chân tới Thái Lan lần đầu tiên. 

Tuy vậy, tới năm nay, không một xe BYD Atto 3 nào bán ra tại Thái Lan có giá cao hơn 1 triệu baht (707,3 triệu đồng). Kết hợp với chương trình hạ giá tối đa 340.000 baht, giá xe bị đẩy xuống 660.000 baht (466,9 triệu đồng), nghĩa là chỉ cao hơn một nửa so với thời điểm một năm trước đó.

Darakorn hiện đang liên hệ với các chủ xe BYD khác để tìm hiểu khả năng kiện tập thể thương hiệu Trung Quốc. Khiếu nại của họ đã được gửi lên Ủy ban Bảo vệ Người tiêu dùng Thái Lan – cơ quan hiện đang được yêu cầu điều tra các chương trình giảm giá không chỉ của BYD mà còn của nhiều hãng xe khác với cáo buộc phá giá.

Cuộc chiến giá xe tại Thái Lan diễn ra đúng thời điểm nước này phải đối mặt với 3 mối đe dọa cùng một lúc: tăng trưởng kinh tế yếu, nợ người tiêu dùng cao và dư thừa xe điện – chủ yếu tới từ Trung Quốc. 

Doanh số xe tại Thái Lan trong nửa đầu 3 năm gần nhất, số liệu lấy từ Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan. Ảnh: Nikkei Asia

Làn sóng xe điện nhập khẩu giá rẻ đã tạo ra mối đe dọa lớn tới các nhà sản xuất xe chạy động cơ đốt trong tại Thái Lan, buộc họ phải giảm sản lượng và đóng cửa nhà máy. Liên đoàn Công nghiệp Thái Lan đã giảm mục tiêu sản lượng hàng năm từ 1,9 triệu xuống 1,7 triệu xe trong năm nay.

Trong khi đó, người tiêu dùng Thái Lan không đua nhau mua xe giá rẻ. Trái lại, họ lại rụt rè hơn vì e sợ giá xe có thể giảm sâu nữa bất kỳ lúc nào. Tổng doanh số xe tại Thái Lan trong 6 tháng đầu năm giảm tới 24% so với cùng kỳ 2023. Trong tháng 6, chỉ có 47.600 xe được bán ra so với con số 64.500 của năm trước.

Sự đi xuống của doanh số ô tô cũng kéo theo mảng ngân hàng. Ngân hàng TMB Thanachart chứng kiến mảng cho vay mua ô tô (chiếm 30% tổng số các khoản cho vay của họ) giảm 4,8%. 

BYD Atto 3 được cập nhật tại Thái Lan cách đây không lâu kết hợp với đợt hạ giá 20% khiến khách hàng mua xe trước đó bức xúc. Ảnh: Paultan

Ngân hàng Krungsri Bank thâm hụt 7,9% lợi nhuận vì kinh tế chậm tăng trưởng cùng mảng vay cho mua ô tô. Họ cho biết điều kiện cho vay giờ buộc phải khắt khe hơn vì “khả năng trả nợ của khách hàng vay mua ô tô suy giảm”. Tỷ lệ từ chối cho vay mua ô tô từ giới ngân hàng đã tăng trên 30% càng khiến doanh số ô tô đi xuống.

Nền công nghiệp ô tô địa phương đổ lỗi cho các khoản trợ giá của chính phủ gây ra tình trạng dư thừa xe điện. Đáp lại, Thái Lan phê duyệt trợ giá mới cho xe hybrid như một phương án thay thế. Các nhà sản xuất nội địa Thái từ lâu đã có đủ cơ sở hạ tầng và chuỗi cung ứng phục vụ xe hybrid và Thái Lan tin rằng thay đổi trong chính sách sẽ giúp họ trở lại mạnh mẽ.



Nguồn : Source link