Chấp nhận rủi ro làm điều không tưởng, GM ‘ăn bớt’ được 2 năm để làm ô tô điện


Trong tuần vừa rồi Cadillac đã ra mắt phiên bản hoàn chỉnh của SUV điện Lyriq – về cơ bản không khác concept ra mắt năm ngoái là bao. Quan trọng hơn cả, lịch ra mắt và mở bán của Cadillac Lyriq đều vượt xa mức kỳ vọng ban đầu với thời điểm có thể bàn giao tới tay khách hàng bắt đầu ngay từ quý I năm sau.

Theo kế hoạch ban đầu của GM, Cadillac Lyriq không thể mở bán sớm hơn giai đoạn cuối năm 2022 nhưng giờ cột mốc này bị thu bớt hơn một năm. Theo giới thạo tin tại Mỹ, hàng loạt các phương pháp được ứng dụng song song đã giúp tập đoàn Mỹ đạt được thành tựu đáng kể nói trên bao gồm cắt giảm chi phí và các bước thừa thãi, khung gầm xe điện đa năng và các công cụ ảo thay thế thử nghiệm thực tế.

Trước Lyriq, bán tải GMC Hummer EV cũng đã được các kỹ sư GM hoàn thành vượt tiến độ tới 2 năm để chạm mục tiêu bàn giao từ quý III/2021. Phần lớn kỹ sư theo đuổi dự án này đã cầm lái chiếc bán tải cỡ lớn trong thế giới ảo trong nhiều giờ, thậm chí nhiều ngày liền trước khi có thể leo lên và thử nghiệm chiếc xe “bằng xương bằng thịt”.

Thực tế, chính Cadillac Lyriq chứ không phải GMC Hummer EV mới là cái tên được GM lên kế hoạch ra mắt đầu tiên trong đội hình ứng dụng khung gầm ắc quy điện Ultium mới. Tuy vậy, quy trình phát triển được cắt ngắn và sức hút của dòng tên Hummer đã chứng kiến kết quả đảo chiều.

Một ưu điểm của khung gầm Ultium là kinh nghiệm giúp GM chế tạo GMC Hummer EV cũng có thể được áp dụng lên Cadillac Lyriq và các dòng xe điện dùng chung khung gầm này về sau (chẳng hạn siêu sedan Cadillac Celestiq đấu Mercedes EQS hay Chevrolet Silverado EV đấu Ford F-150 EV), qua đó rút ngắn thời gian phát triển thêm nữa.

Theo giám đốc điều hành mảng thiết kế, phát triển và đánh giá ảo của GM là Mike Anderson, xe thử nghiệm tốn kém một khoản chi phí không hề nhỏ (thường đội hình xe thử nghiệm của mỗi dòng tên nhất định có giá trị gấp 10 lần xe thành phẩm). Chúng cũng cần thời gian để lắp ráp (đôi lúc lên tới một năm) và sửa chữa/bảo trì, đồng nghĩa với tiến độ chậm chạp do công đoạn thử nghiệm và thu thập dữ liệu chỉ có thể bắt đầu khi xe thử nghiệm hoàn tất.

Tuy nhiên, với mảng thiết kế, phát triển và đánh giá được thực hiện ảo qua phần mềm giả lập, GM có thể thu về nhiều dữ liệu cần thiết với sai số không lớn (và càng ngày sẽ càng sát thực tế nhờ thuật toán thông minh tự hoàn chỉnh). Nếu có thay đổi trong thiết kế xe, họ cũng có thể đưa vào thử nghiệm và tính toán ngay lập tức trong thời gian chờ xe mô hình hoàn chỉnh.

Anderson lấy ví dụ rằng từ khi công đoạn thử nghiệm ảo được đưa vào áp dụng, họ đã tiết kiệm được 50% cần thiết để thử lực cản và điều hướng gió.

Các phần mềm giả lập vật lý hiện đại cũng cho phép hãng thử nghiệm va chạm ảo dễ dàng với tần suất và tốc độ không hạn chế, qua đó giúp tiết kiệm đáng kể chi phí thử xe khi không còn phải sử dụng hàng chục mẫu thử thực tế ở mọi góc độ va chạm như trước.

Đối với trường hợp của Cadillac Lyriq, các lãnh đạo GM có thể ngồi thử xe từ rất sớm nhưng chất lượng bản thử nghiệm khi đó “vượt xa các mẫu xe thử nghiệm khác của GM trong quá khứ” theo đánh giá của kỹ sư trưởng dự án này là Jamie Brewer. Anderson thậm chí còn đánh giá bản thử nghiệm khi đó chỉ còn cách chất lượng xe bán ra thị trường “chỉ trong gang tấc”.

 Tham khảo: Motor Trend



Nguồn : Source link