Camera phát hiện tiếng ồn đối phó với nạn nẹt pô, rú ga trong khu dân cư


Vào ban ngày, Fell Lane giống như mọi con phố trong những khu dân cư yên tĩnh ở thị trấn Keighley, thành phố Bradford, miền Bắc nước Anh. Tuy nhiên, khi đêm xuống, nơi đây bỗng biến thành ‘đường đua’ những người muốn ‘phóng xe hết cỡ’.

Những tiếng ‘nẹt pô’ ầm ĩ hay âm thanh phát ra từ những chiếc xe động cơ phân khối lớn gây ảnh hưởng tới giấc ngủ, đồng thời trở thành nỗi ám ảnh đối với nhiều người dân sống ở Keighley.

Một số người cho rằng, đường Fell Lane, kéo dài từ trung tâm thị trấn Keighley đến công viên quốc gia Yorkshire Moor, giờ đây có thể xem là một trong những con phố ồn ào nhất nước Anh.

Ông Robbie Moore, nghị sĩ đảng Bảo thủ ở Keighley cho biết: “Cộng đồng dân cư ở đây đã quá mệt mỏi với sự phiền nhiễu mà các tài xế gây ra, đặc biệt là vào ban đêm”

Để ngăn chặn tình trạng thanh thiếu niên tụ tập nẹt pô và đua xe trái phép, Bộ Giao thông Vận tải Anh mới đây thông báo, sẽ lắp đặt thử nghiệm hệ thống camera phát hiện tiếng ồn tại 4 thành phố là Bradford, Bristol, Great Yarmouth và Birmingham. Ông Robbie Moore cho hay, đang vận động để thiết bị này có thể xuất hiện đầu tiên ở Keighley.

Công nghệ mới sử dụng một máy quay kết hợp micro dò âm thanh để xác định phương tiện có phát ồn quá mức cho phép hay không – Ảnh The Observer

Theo đó, công nghệ mới sử dụng một máy quay kết hợp micro dò âm thanh để xác định phương tiện có phát ồn quá mức cho phép hay không. Cụ thể, khi một chiếc xe đi qua và gây ra tiếng ồn vượt mức 72 decibel, camera phát hiện tiếng ồn sẽ tự động kích hoạt, ghi lại biển số để làm căn cứ xử phạt.

Bà Anne-Marie Trevelyan, Bộ trưởng Giao thông Vận tải Anh cảnh báo: “Các tài xế nên cẩn thận, bởi hệ thống camera thế hệ mới sẽ giúp cảnh sát ngăn chặn bất kỳ ai cố tình sửa ống xả để gây tiếng ồn bất hợp pháp. Chúng tôi hy vọng công nghệ này sẽ đem lại những con phố yên tĩnh và thanh bình trên khắp nước Anh”.

Nghiên cứu cho thấy, ô nhiễm tiếng ồn liên quan trực tiếp đến những căn bệnh như căng thẳng, tim mạch, đột quỵ và sa sút trí tuệ. Tổ chức Y tế Thế giới tính toán, ít nhất 1 triệu năm sống khỏe mạnh của người dân các nước Tây Âu bị mất đi mỗi năm vì tiếng ồn môi trường.

Còn theo Bộ Giao thông Vận tải Anh, tiếng ồn trên đường là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe như đau tim, đột quỵ và mất trí nhớ. Đồng thời có thể gây rối loạn giấc ngủ, khiến nền kinh tế Anh bị thiệt hại tới 10 tỷ bảng mỗi năm.

Bà Gloria Elliott, Giám đốc điều hành Hiệp hội chống tiếng ồn tại Anh nhận định: “Các phương tiện gây ồn quá mức và hành vi lái xe vô ý thức đang gây ra sự xáo trộn, căng thẳng, lo lắng cho nhiều người.

Chúng làm mất an toàn và phá vỡ môi trường sống yên bình của người dân cả ở nhà và nơi công cộng. Tuy nhiên, những vi phạm này hoàn toàn có thể ngăn chặn. Chúng tôi hoan nghênh các giải pháp nghiêm khắc, hiệu quả dựa trên bằng chứng cụ thể để giải quyết vấn đề và bảo vệ công chúng”.

Khảo sát cho thấy, hầu hết tài xế tại Anh đều ủng hộ việc tích hợp thiết bị giám sát tiếng ồn vào hệ thống camera giám sát giao thông. 70% người được hỏi cho biết, muốn lắp camera chống ồn ở các thành phố, trong khi 2/3 ủng hộ việc lắp đặt ở vùng nông thôn.

Theo Bộ Giao thông Vận tải Anh, từ hình ảnh camera thu thập, cảnh sát sẽ phân tích để kiểm tra các phương tiện phát ra tiếng ồn quá ngưỡng cho phép. Mức xử phạt đối với tài xế có hành vi gây tiếng ồn bất hợp pháp là 50 bảng (1,4 triệu đồng).

Hầu hết tài xế tại Anh đều ủng hộ việc tích hợp thiết bị giám sát tiếng ồn vào hệ thống camera giám sát giao thông – Ảnh Kensington and Chelsea Council

Được biết, kinh phí lắp đặt camera phát hiện tiếng ồn tại 4 thành phố do Bộ Giao thông Vận tải Anh đầu tư với số tiền khoảng 300.000 bảng (8,5 tỷ đồng). Hệ thống sẽ được thử nghiệm trong vòng hai tháng. Sau khi đánh giá hiệu quả thí điểm, nhà chức trách sẽ xây dựng kế hoạch lắp đặt hệ thống này trên phạm vi cả nước.

Tại Việt Nam, theo các chuyên gia giao thông, cần thiết bổ sung thiết bị đo cường độ âm thanh cho lực lượng kiểm soát giao thông để dễ dàng xử lý những vi phạm, tăng tính nghiêm minh của pháp luật.

Đa số tuyến đường của Việt Nam là hỗn hợp, xe máy, xe đạp lưu thông chung với các loại ôtô, trong đó có xe tải, xe container. Các loại phương tiện cơ giới sử dụng còi hơi là mối đe dọa tai nạn cho người tham gia giao thông. Không chỉ trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra TNGT, còi hơi còn làm ảnh hưởng đến thần kinh của con người.

TS Khương Kim Tạo (nguyên Phó Chánh văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia) cho rằng, chúng ta cần phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật. Cơ quan đăng kiểm phải kiểm tra về ngưỡng tiếng ồn cho phép, nếu vượt quá phải yêu cầu tháo bỏ. Cùng đó, trong quá trình tuần tra, kiểm soát, lực lượng CSGT nếu phát hiện ngoài việc tịch thu còi còn phạt nặng, nếu có thể đưa sang các lỗi tình tiết tăng nặng.

 



Nguồn : Source link