Thật khó để trả lời câu hỏi: “Tốn bao nhiêu tiền để sạc một chiếc xe điện?”. Chi phí hiện tại rất đa dạng, từ miễn phí cho đến đắt hơn xăng. Hình thức thanh toán bao gồm tính tiền theo phút, theo kWh hoặc cả hai. Ngoài ra, chi phí sạc còn bao gồm phí theo phiên, phí cố định hoặc phí nhàn rỗi sau khi sạc xong. Một số mạng lưới có phí hàng tháng còn có thể giảm giá kWh cho khách hàng.
Tất cả những cách tính phí này đều có lý do đằng sau. Một mặt, chúng có thể khiến nhiều người bối rối, mặt khác nhiều tài xế xe điện hầu như chẳng quan tâm đến giá cả. Đó là cả một thế giới khác so với cách tính giá xăng khá đơn giản và thống nhất đó là bán theo lít.
Nguyên nhân đằng sau cách tính phí phức tạp là do việc sạc xe điện là sự kết hợp giữa năng lượng và dịch vụ, không giống như xăng chỉ như một loại hàng hoá. Như vậy, nó giống như một dịch vụ hơn là một sản phẩm. Vì thế, các cách bán hàng cũng rất khác nhau.
Cách tốt nhất và dễ dàng nhất là sạc tại nhà. Phí sạc được tính trên hoá đơn tiền điện của người dùng. Gần giống như xăng, chủ xe phải trả tiền theo kWh. Mức giá trung bình ở Mỹ là khoảng 10 cent/kWh. Nhưng giá điện gia đình có thể dao động từ 6-50 cent/kWh, tuỳ thuộc vào công ty cung cấp điện và thước đo thời gian sử dụng điện (ToU) trong ngày. Vì hầu hết mọi người sạc xe điện vào ban đêm, ToU trở nên rất phổ biến. Mỗi chủ xe sẽ có một mức ToU khác nhau dành riêng cho họ.
Nhưng ngay cả chi phí đơn giản nhất là sạc tại nhà cũng có sự phức tạp nhất định.
Đối với đơn vị năng lượng Kilowatt-giờ (kWh), một chiếc sedan sẽ chạy được 4,8 – 6,4km trên một kWh. Xe tải hoặc SUV sẽ chạy được quãng đường ngắn hơn với cùng lượng điện đó. Để so sánh một chiếc xe điện với một chiếc ô tô chạy xăng, 7 kWh tương đương với 1 gallon xăng (1 gallon xấp xỉ 3,8 lít).
Đối với đơn vị công suất kW, con số sẽ cho người dùng biết trạm sạc cung cấp năng lượng nhanh đến mức nào. Trạm sạc tại nhà có thể cung cấp 1,4 đến 7 kW. Một trạm sạc nhanh công cộng có công suất từ 50kW đến 350kW.
EVSE là thiết bị kết nối giữa ô tô và trạm sạc. Bộ sạc được tích hợp sẵn trên xe và đây chỉ là đầu cắm. Mọi người thường gọi phích cắm này là “bộ sạc”. Thiết bị này thường được sử dụng chủ yếu tại nhà hoặc văn phòng và chỉ hữu ích ở những địa điểm mà chủ xe lưu lại trong nhiều giờ.
Hầu hết các khách hàng đều muốn thanh toán theo kWh, vì sau khi kết thúc phiên sạc, những gì họ nhận được là pin xe đầy điện. Tuy nhiên, người dùng sẽ phải quan tâm nhiều đến tốc độ sạc và vị trí.
Sạc nhanh tính tiền theo kWh có giá từ 25-59 cent/kWh, cao hơn nhiều so với sạc tại nhà hoặc sạc chậm. Nhưng mọi người đều bình thản chấp nhận. Họ biết họ đang trả tiền cho dịch vụ chứ không phải năng lượng, mặc dù điện mới là thứ họ cần.
Một số tiểu bang của Mỹ cấm tính tiền theo kWh. Tại đó, các trạm sạc sẽ tính tiền theo phút. Đó là điều mà các nhà vận hàng trạm sạc mong muốn, vì chi phí thông thường là cố định. Vì thế, các tài xế đang mua thời gian qua thiết bị sạc đắt tiền và cơ sở hạ tầng khác.
Giá bán buôn điện tối thiểu thường là 3 cent/kWh. Các phụ phí sẽ bao gồm đường truyền, phí giờ cao điểm và máy móc đắt đỏ. Ở California, các công ty trung bình lắp đặt bộ sạc công suất lớn cần 100.000 USD để thực hiện, mặc dù họ thường nhận khoản trợ cấp lớn từ chính phủ để chi trả phần lớn số tiền đó.
Trong một lần sạc, lượng điện năng cung cấp ở thời điểm bất kỳ thường dễ thay đổi và do ô tô kiểm soát. Khi pin cạn, năng lượng có thể truyền với tốc độ cao. Nhưng khi đầy hơn 50%, pin sẽ chậm đi rất nhiều. Khi pin đầy 80%, công suất giảm còn 20kW.
Vì lý do này, những người không cần pin đầy thường chỉ sạc đến 80% để tiết kiệm chi phí sạc và điều này cũng tốt hơn cho pin. Chiến lược tối ưu thời gian nhất là sạc khi pin còn 10-20% và sạc đầy đến 60%. Điều đó sẽ khiến các tài xế phải dừng sạc nhiều lần hơn, nhưng giảm thiểu được thời gian sạc, trong khi phí được tính theo từng phút.
Một số người khá khó chịu khi phải thanh toán theo phút, vì pin càng đầy thì tốc độ sạc càng giảm xuống. Để giải quyết vấn đề này, một số trạm sử dụng các “bậc” để tính hoá đơn. Ví dụ ở Texas, Electrify America tính phí 16 cent/phút khi công suất dưới 90kW và 32 cent/phút nếu vượt quá mức đó. Ở một số khu vực khác, các nhà cung cấp có thể có tới 4 bậc để có thể tính đúng giá nhất.
Một số khác cũng không hài lòng khi một trạm sạc tính phí theo phút nhưng trạm này lại sạc chậm. Họ cảm giác như bị trạm sạc lừa đảo. Tốc độ sạc được cho là do ô tô quyết định, nhưng chỉ ở mức tối đa mà trạm sạc đó cho phép.
Lái xe điện thường rẻ hơn nhiều so với xe xăng. Mọi người không còn quan tâm đến giá cả, điều khiến thị trường trở nên kỳ lạ hơn. Một số trạm thậm chí còn cho sạc miễn phí.
Các trạm sạc thường được trợ cấp, vì các công ty muốn chứng tỏ xe điện xanh hoặc để thu hút khách hàng giàu có. Việc nhân viên trạm hoặc thậm chí là khách hàng được sạc xe miễn phí là điều rất bình thường. Một số trạm tính giá ngẫu nhiên. Không có gì lạ khi thấy sự khác biệt lớn trong cùng một thị trấn, kết nối với cùng một công ty điện với cùng một mức giá.
Với những thái độ khác nhau của khách hàng, rất nhiều thử nghiệm về giá đã được tiến hành. Trong một số thời điểm, các trạm sạc ở Oregon đã tính một khoản phí cố định. Nếu pin xe của khách cạn và họ muốn nạp đầy, họ sẽ nhận được ưu đãi lớn. Nhưng sẽ là một khoản tiền khủng khiếp nếu vị khách chỉ muốn nạp chút ít. Cách tính giá này đã không còn, nhưng phí theo phiên vẫn còn phổ biến.
Một khía cạnh khác của giá cả là phí nhàn rỗi. Đây là phí được tính sau khi khách sạc xong. Các khoản phí này tổn tại để ngăn những chiếc xe lấp kín trạm sạc sau khi đã đầy. Điều này là tốt nhưng cũng là một tin không vui khi mọi người buộc phải đánh xe đi, ngay cả khi không có ai khác đang đợi.
Người lái xe muốn tính theo kWh. Người bán thì muốn tính theo phút, nhưng họ cũng muốn khách hàng có một mức giá phải chăng. Do đó, phổ biến nhất là sạc theo kWh nhưng mỗi đơn vị thay đổi dựa trên chi phí vận hành trạm sạc.
Mức giá kết hợp giữa kWh và thời gian sẽ vấp phải phản đối của các tài xế. Nhưng nếu đây là một hoạt động kinh doanh có cạnh tranh, giá thường sẽ dựa trên chi phí thực của người bán cộng với biên lợi nhuận cạnh tranh. Nhưng vì không có cạnh tranh, nên khách hàng sẽ trả các khoản phí như phí đậu xe, phí nhàn rỗi, phí phiên và hơn thế nữa.
Hiện tại, do các khoản trợ cấp lắp đặt trạm sạc vẫn dồi dào và giá điện thay đổi theo từng thời điểm, các doanh nghiệp sẽ không cạnh tranh nhau trong một thời gian dài.
Ngoài ra, thật khó để có thể cạnh tranh khi vị trí của trạm sạc rất quan trọng. Ở một địa điểm cụ thể, một trạm sạc không thể bị thay thể bởi trạm khác, giống như hai bãi gửi xe cách nhau nhiều cây số sẽ không cạnh tranh nhau.
Khi các nhà hoạch định chính sách tìm cách kích hoạt xe điện, họ thường chi một lượng tiền lớn để trợ cấp cho việc sạc công cộng. Điều này gần như không đúng. Cải tiến quy định và giảm các khoản trợ cấp là cách để đảm bảo mọi người có thể sạc.
Theo Forbes
https://cafef.vn/nghich-ly-xe-dien-bung-no-cac-tram-sac-chang-mang-canh-tranh-nhau-gia-sac-moi-noi-mot-khac-tham-chi-mien-phi-20220527145441395.chn
Nguồn : Source link