Các ông lớn ngành ô tô ồ ạt đổ bộ vào Mỹ xây nhà máy sản xuất pin xe điện
(Tổ Quốc) – Những hãng xe tới từ Nhật Bản như Honda và mới đây là Toyota đã đầu tư hàng tỷ USD để phát triển nhà máy sản xuất pin, hứa hẹn tạo ra cuộc đua tranh khốc liệt trên thị trường xe điện tại Mỹ.
Ngày 31/8, gã khổng lồ ngành ô tô của Nhật Bản là Toyota cho biết rằng họ sẽ đầu tư thêm 2,5 tỷ USD vào một cơ sở ở Mỹ chuyên sản xuất pin cho cả xe điện hybrid và xe điện chạy bằng pin. Toyota Battery Manufacturing North Carolina dự kiến bắt đầu hoạt động vào năm 2025. Phía Toyota cho biết tổng vốn đầu tư vào nhà máy này hiện sẽ lên tới 3,8 tỷ USD.
Norm Bafunno, Phó chủ tịch cấp cao tại đơn vị sản xuất và kỹ thuật của Toyota Motor Bắc Mỹ cho biết thông báo này sẽ đánh dấu “một cột mốc quan trọng khác” đối với hoạt động kinh doanh của công ty. Khoản đầu tư bổ sung vào thị trường Mỹ là một phần của khoản đầu tư lớn hơn có giá trị lên tới 5,6 tỷ USD vào lĩnh vực sản xuất pin của Toyota khi công ty nhận thấy nhu cầu sử dụng xe điện, đặc biệt là pin ngày càng tăng.
Để đạt được mục tiêu này, doanh nghiệp tới từ Nhật Bản cho biết họ sẽ đặt mục tiêu tăng “công suất sản xuất pin kết hợp” ở cả Mỹ và Nhật Bản lên tới 40 gigawatt giờ.
Cũng như các loại xe chạy bằng động cơ diesel và xăng, Toyota được biết đến với các dịch vụ cung cấp pin nhiên liệu hybrid và hydro. Gã khổng lồ này cũng đang cố gắng đạt được bước tiến quan trọng trên thị trường pin cho xe điện vốn đang ngày càng cạnh tranh, nơi các công ty như Tesla và Volkswagen cũng tranh giành thị phần liên tục.
Tất cả những điều trên xảy ra vào thời điểm các nền kinh tế lớn đang đặt ra kế hoạch giảm thiểu tác động tới môi trường của giao thông đường bộ. Bên cạnh đó, chính phủ nhiều nước trên thế giới, bao gồm cả Mỹ, cũng đã tung ra các chính sách cũng như gói hỗ trợ nhằm khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe điện.
Chỉ trong tháng này, Ủy ban Tài nguyên Môi trường California đã thông qua một quy tắc yêu cầu tất cả số lượng xe mới bán ra trong khu vực tiểu bang này từ năm 2035 phải đảm bảo tiêu chuẩn không phát thải.
Ở một số nơi khác trên thế giới cũng có những động thái tương tự. Chẳng hạn, Vương quốc Anh muốn ngừng bán ô tô và xe tải chạy bằng động cơ diesel và xăng mới vào năm 2030. Từ năm 2035, tất cả các xe ô tô và xe tải mới phải đảm bảo không phát thải khí carbon ra môi trường từ. Liên minh châu Âu cũng đang theo đuổi các mục tiêu tương tự.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế, doanh số bán xe điện đã đạt 6,6 triệu chiếc vào năm 2021. Trong quý đầu tiên của năm 2022, doanh số bán xe điện đạt 2 triệu chiếc, tăng 75% so với ba tháng đầu năm 2021. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho lĩnh vực xe điện cũng như các nhà sản xuất đang nỗ lực chuyển đổi sang lĩnh vực này.
Trước đó vào 29/8, Honda Motor, bắt tay với nhà sản xuất pin LG Energy Solution của Hàn Quốc, sẽ cho xây dựng một nhà máy pin xe điện tại Mỹ. Thương vụ đầu tư trị giá 4,4 tỷ USD, trong bối cảnh sự chuyển dịch sang xe điện đang diễn ra nhanh chóng tại Mỹ và Honda muốn đảm bảo nguồn cung pin tại đây.
Honda cùng với LG xây dựng nhà máy pin xe điện tại Mỹ (Nguồn: Reuters)
Theo Nikkei Asia, đây sẽ là nhà máy pin EV đầu tiên của Honda. Quá trình xây dựng bắt đầu vào năm 2023 với mục tiêu mở rộng và sản xuất hàng loạt vào năm 2025. Được biết, Honda và LG Energy sẽ thành lập một liên doanh để sản xuất pin lithium-ion. Honda nắm 49% cổ phần, trong khi LG Energy nắm 51% còn lại. Bang Ohio, nơi vận hành chính của Honda tại Mỹ, được coi là địa điểm phù hợp nhất để xây dựng nhà máy pin.
Mục tiêu Honda tự đặt ra là nhà máy này phải đạt tổng công suất sản xuất hàng năm lên tới 40 GWh, tức đủ để trang bị cho 700.000 – 800.000 chiếc xe điện. Tất cả sản lượng sẽ được chuyển đến các nhà máy của Honda ở Bắc Mỹ.
Thị phần LG Energy hiện đứng thứ hai trên thị trường pin toàn cầu, chỉ sau gã khổng lồ Contemporary Amperex Technology (CATL) của Trung Quốc. Ngoài General Motors (GM), LG Energy đã thành lập một liên doanh sản xuất pin ở Bắc Mỹ với công ty Stellantis của châu Âu để tăng năng lực sản xuất.
Công suất sản xuất hàng năm của LG Energy đạt mức 30 GWh tại các nhà máy hợp tác với GM và dường như, quy mô này cũng sẽ lặp lại trong lần bắt tay với Honda. Con số này đủ để cung cấp năng lượng cho 500.000 đến 600.000 xe điện tiêu chuẩn.
Các ông lớn Nhật Bản liên tục đổ bộ vào Mỹ cho thấy tiềm năng cực lớn tại thị trường Mỹ. Trong đó, VinFast của Việt Nam cũng không là ngoại lệ. Tuy nhiên, hiện tại VinFast mới chỉ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất xe điện tại khu vực Bắc California này.
Thông tin từ WRAL TechWire cho biết vào đầu tháng 8 vừa qua, VinFast đã mua khoảng 706 ha đất tại Chatham, bang Bắc Carolina, Mỹ để xây dựng nhà máy sản xuất xe điện.
Trong một tuyên bố vào tháng trước, VinFast cho biết vẫn đang trên đà để bắt đầu xây dựng tại khu đất trong năm nay. Theo kế hoạch, dây chuyển sản xuất sẽ đi vào vận hành từ tháng 7/2024.
Bên trong nhà máy VinFast tại Hải Phòng (Nguồn: Bloomberg)
Nhà máy của VinFast tại hạt Chatham có tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, với khả năng sản xuất và cung cấp 150.000 xe điện mỗi năm. Nhà máy bao gồm 3 khu vực chính: khu vực sản xuất và lắp ráp ô tô điện và xe buýt điện; khu vực sản xuất pin cho các sản phẩm xe điện và khu vực công nghiệp phụ trợ cho các nhà cung cấp. Các mẫu xe đầu tiên được sản xuất tại nhà máy gồm VF 9 – dòng xe SUV cỡ lớn 7 chỗ ngồi và VF 8 – dòng xe SUV cỡ trung 5 chỗ.
VinFast đặt mục tiêu bán 750.000 ô tô vào năm 2026, với 150.000 ô tô được sản xuất tại Bắc Carolina và phần còn lại từ nhà máy Việt Nam.
Theo Nikkei, Mỹ là thị trường ô tô lớn thứ hai thế giới, chỉ sau Trung Quốc. Đây là thị trường chính của Honda, chiếm hơn 30% doanh số toàn cầu. Trước đó, hồi tháng 8, California, thị trường ô tô lớn nhất nước Mỹ, đã tuyên bố cấm bán các loại xe chạy xăng, bao gồm cả xe hybrid, bắt đầu từ năm 2035. Mỹ cũng triển khai các khoản tín dụng thuế cho các dòng xe EV đáp ứng đủ một số tiêu chí nhất định như một biến pháp khuyến khích nhu cầu người tiêu dùng. Những biện pháp này được kỳ vọng sẽ tiếp tục thúc đẩy hơn nữa doanh số xe điện trên toàn cầu.
Tham khảo: CNBC, Nikkei Asia
Nguồn : Source link