Các nước trên thế giới quy định và xử phạt thế nào với trường hợp cố tình không nhường đường cho xe cứu thương?
Mới đây, vụ việc các tài xế không nhường đường cho xe cứu thương tại ngã ba Nguyễn Hữu Thọ – Giải Phóng (Hà Nội) vào ngày 22/4 đã gây bức xúc trên mạng xã hội.
Bất chấp việc tài xế xe cứu thương liên tục phát tín hiệu ưu tiên, hú còi nhưng những chiếc ô tô, xe máy đang dừng đèn đỏ phía trước vẫn “quyết không nhường đường”. Tài xế xe cứu thương sau đó đã phải dùng loa đọc biển số xe ô tô đang chắn phía trước, yêu cầu nhường đường nhưng xe này vẫn đứng im.
Người nằm cấp cứu trên xe cuối cùng không qua khỏi. Người thân của ông vô cùng bức xúc đã phải đăng tải video và lời cảnh tỉnh lên mạng xã hội.
Các nước trên thế giới quy định thế nào với việc nhường đường cho xe cứu thương?
Ở Đức: Trong giờ cao điểm ùn tắc, tất cả ô tô, bất kể lớn nhỏ, đều phải tự giác di chuyển vào sát lề để nhường đường cho xe ưu tiên.
Câu lạc bộ ô tô Đức thậm chí còn làm hẳn một đoạn video nhằm phổ biến cách nhường đường cho xe ưu tiên trên đường cao tốc Autobahn. Theo đó, quy định là xe ở làn ngoài cùng bên trái dạt sang trái và dừng lại. Các làn xe còn lại dạt sang phải và dừng để tạo ra lối đi cho xe ưu tiên.
Đây là cách người Đức nhường đường cho xe cứu thương
Ở Mỹ: Trên một đại lộ 5 làn xe ở Mỹ giờ cao điểm, ô tô nối đuôi dằng dặc nhưng các tài xế vẫn cố tìm cách tránh đường cho xe cứu hỏa.
Hầu hết luật pháp các bang ở Mỹ đều quy định, tài xế phải dạt sang phải và dừng lại hoàn toàn để nhường đường cho xe ưu tiên. Sau khi xe ưu tiên đi qua mới nhập làn trở lại. Đồng thời, các tài xế phải giữ khoảng cách gần 100m để đề phòng trường hợp xe phải chuyển hướng khẩn cấp.
Ở Nhật Bản: Xe cứu thương ngoài đèn và còi hiệu còn có một người ngồi cạnh tài xế với chiếc micro để nhắc nhở người đi bộ và các phương tiện khác tránh đường, đồng thời cảm ơn khi được nhường đường.
Ở Ấn Độ: Tháng 9 năm 2019, Quốc hội nước này đã thông qua Dự luật về Phương tiện Cơ giới (Sửa đổi) năm 2019. Trong đó quy định, người lái xe có thể bị phạt 10.000 Rupee (gần 3 triệu đồng) nếu không nhường đường cho các phương tiện ưu tiên, như xe cứu thương và cứu hỏa.
Ở Trung Quốc: Năm 2019, một vụ việc cũng gây xôn xao trên mạng xã hội Trung Quốc khi cô gái trẻ phải đến từng chiếc ô tô, quỳ xuống cầu xin nhường đường cho xe cứu thương chở bố đi bệnh viện.
Một nhân chứng kể lại: “Cô gái quá sốt ruột đã quỳ xuống, vừa khóc vừa nói ‘Tôi cầu xin các anh'”. Người này ước tính quãng đường đến bệnh viện chỉ mất 5 phút nếu giao thông ổn định, còn hôm ấy phải đi hết 1 tiếng rưỡi đồng hồ.
Luật pháp Trung Quốc từ lâu đã quy định nghiêm về việc sử dụng làn đường ưu tiên dành cho xe cứu hỏa, cứu thương, cảnh sát… nhưng việc này vẫn bị xâm phạm, nhất là trong dịp lễ Tết hay giờ cao điểm.
Tại nhiều thành phố ở Trung Quốc, chiếm dụng làn đường ưu tiên có thể bị phạt 200 nhân dân tệ (khoảng 700 nghìn đồng) và bị trừ 6 điểm vào bằng lái xe. Cư dân mạng tranh cãi rằng mức xử phạt cần nghiêm khắc hơn.
Ở Hàn Quốc: Năm 2020, một tài xế taxi đã phải lĩnh án 2 năm tù vì hành vi ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Tài xế taxi (giữa) đã phải lĩnh án 2 năm tù vì hành vi ngăn cản xe cứu thương chở bệnh nhân đi cấp cứu.
Cụ thể, người tài xế này đã cố tình va chạm với chiếc xe cứu thương đang đi trên một con đường ở phía Đông Nam thủ đô Seoul. Trong khoảng 10 phút, anh ta đứng cãi cọ, không chịu tránh đường cho xe cứu thương tiếp tục di chuyển. Tài xế taxi đã yêu cầu lái xe cứu thương xuống giải quyết vụ va quệt rồi mới được tiếp tục chở bệnh nhân (một cụ ông 79 tuổi) đang nằm trong xe tới bệnh viện.
Nguồn: Tổng hợp
Nguồn : Source link