Dù ô tô nước ngoài không phải chịu thuế nhập khẩu, nhưng người dân ở đây có quá nhiều lựa chọn tốt như Toyota, Honda hay Nissan, cũng như việc hơn 60% thị phần trong nước là xe Kei khiến nhiều hãng xe quốc tế chẳng dám mon men lại gần Nhật Bản. Các hãng xe Mỹ đã từng thử và nhận thất bại.
Trong các phân khúc đang có mặt tại Nhật Bản, xe điện gần như không được ưa chuộng, dù họ được tiếp cận xe điện từ rất sớm với những mẫu xe như Nissan Leaf hay Mitsubishi i-MiEV. Việc thiếu bãi đỗ có cổng cắm sạc qua đêm cũng có tác động không nhỏ tới thất bại của xe điện.
Vậy tại sao BYD, một hãng xe Trung Quốc lại có thể thành công ở Nhật Bản? Câu trả lời là hãng có một kế hoạch phù hợp. BYD không vội bán xe du lịch tại Nhật sớm mà bán xe buýt điện cho thành phố Kyoto từ 2015. Tới 2021, họ tiếp tục bán thành công một loạt xe BYD M3e minivan cho các bên cung cấp dịch vụ taxi ở thành phố này.
Sau khi đã gây dựng được danh tiếng về độ bền cho xe điện (một yếu tố rất được người dùng Nhật ưu tiên), BYD mới bắt đầu nhắm tới tập khách hàng cá nhân. Hãng bắt đầu bán xe du lịch vào tháng 1/2023 với chiếc Atto 3, sau đó tới BYD Dolphin và Seal.
Mất 8 năm và thương hiệu Trung Quốc đã phần nào xây dựng được ấn tượng ban đầu với người dùng mong muốn chuyển đổi xe điện tại Nhật, tuy nhiên quãng đường vươn tới thành công của họ vẫn còn rất dài.
Chỉ trong 3 tháng, BYD đã vượt Hyundai trở thành thương hiệu xanh phổ biến nhất (do Hyundai chỉ bán Ioniq 5 và Nexo chạy pin nhiên liệu hydro). Tesla cũng có mặt tại đây nhưng không công bố doanh số cụ thể và xét tới mức giá rất cao của xe Tesla, thương hiệu Mỹ khó lòng đạt doanh số cao hơn BYD.
Tất nhiên, BYD vẫn còn rất nhiều việc phải làm (doanh số tháng 3 của họ thực tế chỉ là 252 so với 208 của đối thủ) nhưng họ không cần quá vội vàng. Thay đổi thị hiếu người dùng Nhật không phải là chuyện một sớm một chiều có thể làm được và hãng vẫn còn rất nhiều thị trường khác đang cần mở rộng, như Đông Nam Á hay châu Âu.
Nguồn : Source link