Bí mật cách một ông lớn ngành xe “móc túi’ người dùng, mang về thêm 22,2 tỷ USD mỗi năm


Với một nhà sản xuất xe, công việc chính của họ sẽ là phát triển, sản xuất và bán xe – đây được coi là cách thức chính mang về lợi nhuận. Tuy nhiên, các nhà sản xuất xe không chỉ có lợi nhuận từ việc bán xe, các dịch vụ mà họ cung cấp như bảo dưỡng, thu về và bán lại xe đã qua sử dụng, hay thậm chí bán đồ lưu niệm cũng là một trong những cách giúp tăng thêm nguồn thu.

Mới đây, một ông lớn ngành xe – Stellantis – đã tiết lộ về một phương thức kinh doanh mới của họ, ước tính sẽ mang về một khoản lợi nhuận rất lớn.

Stellantis là thành quả của thương vụ gộp giữa Tập đoàn PSA và Fiat-Chrysler Automotive.

Cụ thể, Stellantis (đơn vị chủ quản của 14 thương hiệu xe phổ biến trên thế giới) đang nhắm tới việc kinh doanh qua mảng phần mềm. Đây thực ra là một ý định dài hơi của Stellantis, theo đó thì hãng sẽ tách riêng vòng đời của phần mềm ra khỏi vòng đời của chiếc xe. Nói một cách khác thì Stellantis đang cố gắng gia tăng cường độ cập nhật cho hệ thống phần mềm trên xe.

CEO của Stellantis, Carlos Tavares, cho biết: “Kế hoạch của chúng tôi là ngắt mối liên kết giữa vòng đời của phần cứng với vòng đời của phần mềm để tạo ra sản phẩm mà sẽ luôn cập nhật với thời gian, đáp ứng đúng nhu cầu của khách hàng. […] Trên 4 nền tảng dành cho xe điện, chúng tôi sẽ đưa ra 3 nền tảng công nghệ, lần lượt là STLA SmartCockpit, STLA AutoDrive và STLA Brain”.

Maserati làm một hãng xe sang trực thuộc Stellantis.

Cả 3 nền tảng công nghệ trên sẽ giúp Stellantis bán các tính năng theo nhu cầu của người dùng – tức là các tính năng mà người dùng phải trả phí hàng tháng để sử dụng, thay vì mua đứt. Theo thông tin từ nhiều đơn vị truyền thông thì các tính năng được nhắc đến trên sẽ xoay quanh phụ kiện xe, bảo dưỡng, bảo hành, bảo hiểm, cập nhật phần mềm từ xa…

Cũng nhờ các nền tảng này, khách hàng thậm chí có thể đặt các dịch vụ khác như thuê xe hàng ngày, cho đi nhờ xe.

Ông Carlos Tavares cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ thử nghiệm tính năng mua sắm điện tử trên quy mô nhỏ, sau đó sẽ đẩy lên toàn bộ khu vực, toàn bộ các thương hiệu trực thuộc và toàn dịch vụ từ năm 2027, đặt mục tiêu sẽ áp dụng được toàn bộ vào năm 2030. Đây sẽ là một kênh [kinh doanh] mới cho cả hệ thống, dự kiến sẽ mang về thêm khoảng 4,4 tỷ USD cho mảng dịch vụ”.

Stellantis, General Motors là 2 hãng có nhiều hãng xe trực thuộc.

Nền tảng công nghệ này cũng sẽ thúc đẩy kinh doanh qua mạng mà Stellantis đặt mục tiêu gấp đôi qua từng năm. Tới 2030, Stellantis kỳ vọng rằng 1/3 doanh số kinh doanh online sẽ thông qua nền tảng này.

Nền tảng cũng ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để đề xuất sản phẩm và các dịch vụ trả phí định kỳ tùy theo từng khách hàng. Stellantis còn mong muốn bán thông tin mà hãng thu thập được từ khách hàng cho đơn vị thứ 3, từ đó giúp thu về khoảng 10 tỷ USD lợi nhuận.

Ngoài ra, Stellantis cũng đang phát triển hệ thống tự lái mà đặt mục tiêu “sẽ đạt được những cấp độ tự hành cao nhất”.

Cho tới 2024, Stellantis sẽ cho ra mắt nền tảng STLA AutoDrive, cho phép người lái “rời mắt, ngơi tay” khỏi việc lái xe, nhờ hệ thống tự lái cấp độ 3 mà BMW hỗ trợ. Stellantis cũng đang hợp tác với Waymo, là một trong những công ty phát triển công nghệ xe tự hành sớm nhất, trực thuộc hãng mẹ của Google.

Những đường hướng phát triển nền tảng công nghệ trên đều nằm trong một bản kế hoạch trường kỳ của Stellantis; hãng cũng kỳ vọng giúp tạo ra 22,2 tỷ USD, chiếm khoảng 40% biên lợi nhuận gộp của hãng.



Nguồn : Source link