Bentley, Porsche và 3 hãng xe từng suýt phá sản nếu không có 5 mẫu xe này


1. Bentley Continental GT

Bentley có một quá khứ, nói nhẹ nhàng, là khá phức tạp. Tới tận cuối thập niên 1990 vấn đề lớn nhất của Bentley vẫn là việc họ không được tách bạch rạch ròi với Rolls-Royce và luôn bị đánh giá là thương hiệu nằm dưới thay vì ngang hàng đối thủ (và cũng là thương hiệu chủ quản từ 1931).

Khi Volkswagen mua lại Bentley vào 1998, tình cảnh thương hiệu Anh Quốc phải nói là thê thảm. Nhà máy Crewe chỉ có khoảng 1.500 nhân công, sản lượng và doanh số toàn cầu mỗi năm cũng chỉ đạt trung bình 1.000 chiếc.

Ngay lập tức Volkswagen dồn 2 tỉ USD vào công cuộc hồi sinh Bentley và dòng xe đầu tiên được chế tạo với công nghệ mới thu được từ số tiền này là Bentley Continental GT thành công rực rỡ, tới mức sản lượng tối đa hàng năm của nhà máy Crewe (9.500 xe/năm – gấp gần 10 lần giai đoạn cầm chừng trước đó) cũng không đủ đáp ứng nhu cầu mua của người dùng.

2. Volvo XC90

XC90 cứu Volvo không chỉ một mà tận 2 lần, với lần đầu tiên là vào 2002 khi hãng còn nằm dưới quyền Ford. Khi đó Volvo chỉ có sedan và wagon trong đội hình và tập đoàn Volvo quyết tâm dồn sức cho mảng xe thương mại để lấy lại doanh số. Tuy vậy, cả 2 phân khúc này đều nhanh chóng mất đi chỗ đứng và Ford nhận thấy Volvo cần một chiếc SUV lớn, sang để chạy theo xu thế.

Cái tên trình làng khi đó là XC90 ngay lập tức thành công rực rỡ với danh hiệu xe của năm từ nhiều tờ báo cũng như thị trường nơi xe có mặt.

Tới 2010, Volvo đổi chủ từ Ford sang Geely và tập đoàn Trung Quốc đầu tư hàng loạt tiền của giúp Volvo trở lại. Khung gầm mới, các tùy chọn truyền động mới trong đó có động cơ hybrid, ngôn ngữ thiết kế mới, hệ thống thông tin giải trí mới… tất cả lại một lần nữa, trùng hợp sao, dồn vào XC90 và ngay lập tức giúp xe đạt doanh số tốt tại châu Âu, châu Á và cả Bắc Mỹ.

3. Volkswagen Golf

Volkswagen có thể đã biến mất từ thập niên 1970 nếu không có Golf thay vì vươn lên trở thành tập đoàn xe nhất nhì thế giới như hiện tại. Khi đó Volkswagen trông cậy quá nhiều vào thành công của Beetle nhưng thế lực nào rồi cũng có lúc lụi tàn, “con bọ” của thương hiệu Đức khi đó gặp quá nhiều đối thủ mới trong phân khúc cỡ nhỏ trong khi thiết kế đã không có gì đổi khác từ lần ra mắt đầu tiên.

2 canh bạc cuối cùng của Volkswagen khi đó gọi tên Passat và Golf MKI trong đó Golf là cái tên không chỉ giúp kéo Volkswagen khỏi bờ vực phá sản mà còn vươn lên vị thế dẫn đầu khi thời gian xe bán chạy nhất châu Âu còn nhiều hơn thời gian nằm ngoài top 1.

4. Nissan X-Trail

Khi thế giới bước sang thiên niên kỷ mới, Nissan đang ở tình thế khó khăn nhất trong lịch sử. Các nhà máy toàn cầu của thương hiệu Nhật chỉ sản xuất ở mức một nửa so với con số tối đa có thể xuất xưởng trong khi các khoản nợ, lỗ treo lơ lửng trên đầu lên tới hàng chục tỉ USD.

Nếu không có một cái tên thực sự xuất sắc giúp đẩy mạnh doanh số lẫn sản lượng, Nissan sẽ tiếp tục đà lụn bại đang ngày một tăng tốc và sau cùng sẽ phải nhờ tới một thương hiệu khác ra tay cứu giúp hoặc phá sản.

Carlos Ghosn – người hùng Nissan khi đó và tội đồ của hãng sau này, xuất hiện vào thời điểm trên. Ông quyết đoán đóng cửa 5 nhà máy, đấu giá các tài sản dư thừa và hậu thuẫn Nissan chào sân Nissan X-Trail (còn có tên Rogue/Rogue Sport/Qashqai tại nhiều khu vực khác nhau).

Không chỉ cạnh tranh hiệu quả với Honda CR-V và Toyota RAV4, xe thậm chí còn vượt mặt các đối thủ trên tại không ít khu vực và thời điểm, qua đó đảm bảo nguồn tài chính ổn định để thương hiệu Nhật có thể phát triển/ra mắt thêm SUV trên toàn cầu.

5. Porsche Boxster

Không chỉ Cayenne, Boxster cũng từng là một dòng tên từng giúp Porsche thoát khỏi cảnh phá sản. Vào giai đoạn đầu thập niên 1990, thương hiệu Đức chỉ bán vỏn vẹn 14.000 xe trên toàn cầu vì công đoạn sản xuất kém cỏi đẩy giá xe lên cao hơn dự kiến khiến khách hàng quay lưng.

Ban lãnh đạo Porsche, nhìn vào thành công của… Mazda MX-5 trên toàn cầu khi ấy, chấp nhận bật đèn xanh cho một dự án “giá rẻ” hơn 911 và thậm chí còn cầu thị các cựu kỹ sư từ Toyota để giúp họ ổn định hóa công đoạn sản xuất (thời gian sản xuất xe trung bình sau đó giảm từ 120 xuống còn 72 giờ, lỗi lắp ráp cũng giảm 50%) tránh thảm họa trước đó lặp lại.

Dòng tên được chọn là Boxster mui trần với động cơ đặt giữa giúp duy trì trạng thái tăng trưởng cho thương hiệu Đức trước khi chững lại và được thay thế vị trí chủ lực bởi SUV Cayenne sau này.

Tham khảo: CarBuzz



Nguồn : Source link