5/10 hãng bán chạy nhất tới từ Trung Quốc, xe Nhật vẫn được ưa chuộng nhưng dần lui về sau


5/10 hãng xe bán chạy nhất BIMS 2024 là Trung Quốc

Từ bảng thống kê 53.438 xe được đặt mua tại Triển lãm Ô tô Bangkok 2024 (BIMS 2024), một xu hướng mới đáng báo động với xe Nhật, cũng như cả xe Mỹ, Hàn, Đức, ở Đông Nam Á. Theo dữ liệu được công bố bởi ban tổ chức Grand Prix International, Toyota vẫn chiếm ưu thế với 8.540 lượt đặt mua xe. 

Thành tích này thậm chí còn tốt hơn những năm 2023 và 2022. Tuy nhiên, ở một góc nhìn khác, 5/10 hãng nằm trong top 10 có nhiều đơn đặt mua xe nhất triển lãm BIMS 2024 lại đến từ Trung Quốc. 

Đây là một thay đổi rất lớn, khi chỉ có 3 hãng Trung Quốc nằm trong top 10 BIMS 2023 (MG< GWM, BYD) và 1 hãng với BIMS 2022 (MG). 

Thống kê lượng đặt mua xe tại BIMS 2024. Một số thương hiệu không công bố lượng đơn hàng như VinFast – Ảnh: Autolife Thailand TV

Cụ thể, với BIMS 2024, BYD đứng ở vị trí thứ hai với 5.345 đơn hàng, đứng trước Honda ở vị trí thứ ba với 4.607 đơn hàng. MG, Changan, GAC Aion và GWM lần lượt xếp ở vị trí thứ 4, 6, 7 và 8.

Sở hữu mẫu xe bán chạy nhất Thái Lan D-Max, Isuzu chỉ đứng vị trí thứ 9 trong bảng, với 2.734 đơn đặt mua xe tại BIMS 2024. Còn lại vị trí thứ 5 và 10 thuộc về Mitsubishi và Nissan.

Như vậy, top 10 hãng bán chạy nhất BIMS 2024 không ghi nhận một hãng xe Hàn, Mỹ hay Đức nào. Toàn bộ đều là thương hiệu phổ thông. 

Đây thực sự là dấu hiệu đáng báo động với các hãng. Bởi những năm trước, các hãng Nhật thường chiếm quá nửa top 10. Chẳng hạn, BIMS 2023 và 2021 có 6 hãng xe Nhật, BIMS 2022 có 7 hãng xe Nhật. 

Hai kỳ BIMS trước đó đều có Ford, nhưng sang đến năm 2024 thương hiệu này đã ra khỏi top 10. Các BIMS 2021 có Mercedes-Benz và BMW, 2022 còn Mercedes-Benz đại diện cho nhóm xe sang lọt vào top. Nhưng kể từ BIMS 2023 đã không còn đại diện xe sang. Trong khi đó, xe Hàn rất hiếm khi lọt top, nay lại càng thêm khó do sự phát triển của ô tô điện.

Trung Quốc xâm chiếm bằng xe điện

Hầu hết các hãng Trung Quốc nằm trong top 10 nhà sản xuất bán chạy nhất BIMS 2024 cung cấp xe thuần điện giá cả phải chăng. Đáng chú ý là BYD, thương hiệu sắp vào Việt Nam. Nếu như BIMS 2021-2022 còn rất mờ nhạt thì đến năm 2023 đã lọt top 10 (vị trí thứ 9) và năm nay lên tới vị trí thứ hai.

Những gì diễn ra tại triển lãm lý giải vì sao các hãng xe Trung Quốc đưa ra các mục tiêu rất tham vọng ở thị trường Thái Lan nói riêng và tiến tới là Đông Nam Á nói chung. 

Neta đặt kỳ vọng lớn ở thị trường Thái Lan. Ảnh: Neta

Những gì diễn ra ở BIMS 2024 cho thấy cuộc cạnh tranh sắp tới sẽ rất khốc liệt, đặc biệt với những hãng đang có ý định gia nhập thị trường như VinFast. Bà Vũ Đặng Yến Hằng, tổng giám đốc VinFast Thái Lan, tiết lộ hãng có kế hoạch bán 20.000 xe ở thị trường này.

Hozon New Energy Automobile Co, sở hữu Neta Auto, thông báo có kế hoạch bán 30.000 xe điện ở Thái Lan trong năm nay. Neta đã nhận được 1.618 đơn đặt hàng tại BIMS 2024, xếp thứ 13.

Zeekr nhận được 398 đơn đặt hàng mặc dù chưa có mẫu xe nào được giới thiệu chính thức ở Thái Lan.

Xpeng cũng ra mắt thị trường Đông Nam Á thông qua BIMS và nhận được 188 đơn đặt hàng, cao hơn Audi, MINI, Lexus và Peugeot.

Xe Nhật vẫn thống trị, nhưng địa vị đang lung lay

Xe Nhật vẫn thống trị thị trường ô tô Thái Lan nói riêng và thị trường Đông Nam Á nói chung. Nhưng Trung Quốc có ưu thế về ô tô điện.

Toyota vẫn là hãng có nhiều xe đặt trước nhất ở BIMS.

Nhìn chung, người Thái vẫn thích xe Nhật hơn, nhưng xe Trung Quốc đang ngày càng ghi dấu ấn mạnh mẽ với thị trường.

Năm 2023, các thương hiệu Nhật Bản lần đầu tiên giảm thị phần ở Thái Lan xuống dưới mốc 80%. Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tăng lên chiếm 10% thị phần. Phần lớn nhờ vào xe điện, dù một số người mua tỏ ra quan ngại về giá trị bán lại.

Ngoài động cơ điện, các hãng Trung Quốc cũng quan tâm đến xe hybrid đang do các hãng ô tô Nhật Bản thống trị. 

Xe Trung Quốc ngày càng hiện diện đông đảo, đe dọa vị thế trong tương lai của xe Nhật.

BYD đã mở đặt hàng cho Seal U DM-i, mẫu plug-in hybrid (PHEV) đầu tiên dành cho Thái Lan. Đây cũng là mẫu xe được dự đoán sẽ về Việt Nam. GWM ra mắt xe bán tải hybrid Poer Sahar tại BIMS 2024. Giá bán 2 mẫu xe này vẫn chưa được công bố, nhưng đây là những ví dụ điển hình cho giai đoạn tiếp theo trong tham vọng xe Trung Quốc vào Đông Nam Á.

Khác xe điện, các hãng Nhật đang có khá nhiều kinh nghiệm với động cơ hybrid. Toyota có một đội hình hybrid đông đảo với những mẫu bán chạy có tùy chọn hybrid như Camry, Corolla Cross, Innova Cross… Ngoài ra có thể kể đến Honda CR-V, Nissan Kicks, Suzuki Ertiga, XL7, Mitsubishi Xpander… với các tùy chọn động cơ hybrid ở các mức độ khác nhau. Do đó, xe Trung Quốc sẽ không dễ chiếm lĩnh thị phần như bên mảng động cơ thuần điện. 



Nguồn : Source link