Xăng không phải thứ tốn nhất
Tạm bỏ qua câu chuyện nên mua nhà hay mua xe trước, vì điều này phụ thuộc rất nhiều vào hoàn cảnh và nhu cầu cá nhân của mỗi người, mỗi gia đình. Trong trường hợp bạn đã quyết định chắc chắn sẽ mua xe, chi phí nuôi xe là điều cần cân nhắc rất kỹ, bởi một chiếc “4 bánh” cũng ngốn của bạn kha khá tiền.
Nếu vẫn còn cảm thấy hoang mang, chẳng biết áng chừng sao cho đúng về số tiền cần dành ra để nuôi xe trong 1 tháng, chia sẻ của 2 gia đình này sẽ phần nào giúp ích cho bạn đấy.
Gia đình Nhật Chung (29 tuổi, Hà Nội): Trung bình mỗi tháng chi 4,4 triệu đồng nuôi xe
Cuối năm 2022, Nhật Chung quyết định rước chiếc Mazda CX5 về nhà với mức giá 650 triệu đồng. Vì đã có kế hoạch mua xe từ trước nên vợ chồng Nhật Chung không phải vay tiền ngân hàng. Anh cho biết cũng có phải vay người thân nhưng số tiền không đáng kể và hiện tại, khoản nợ đó, gia đình cũng đã trả hết.
Chia sẻ về chi phí nuôi xe, anh Nhật Chung cho biết: Có 3 loại phí phải cần trả cho việc sử dụng một chiếc ô tô: Chi phí cố định (phí đường bộ, phí bảo hiểm, phí đăng kiểm), chi phí sử dụng (xăng xe, rửa xe,…) và các chi phí phát sinh (rửa xe, gửi xe bên ngoài, phạt vi phạm giao thông,…).
“Hàng ngày mình đưa con đi học rồi lái xe đi làm, cuối tuần thì đưa vợ con đi chơi hoặc về quê nội – ngoại ở Hưng Yên, trung bình 1 ngày mình đi khoảng 20km. Tiền xăng hết khoảng 1,2 triệu đồng/tháng.
Tiền phí bảo dưỡng thì tùy thuộc vào số km mà bạn đi trong 1 năm, như nhà mình đi ít, cả năm chưa tới 8000km thì chỉ phải bảo dưỡng 1 lần, hết khoảng 1.500.000đ.
Còn chi phí phát sinh như rửa xe hay phí gửi xe bên ngoài cũng phụ thuộc vào nhu cầu của từng nhà thôi. Mỗi tháng mình rửa xe 2 lần, hết khoảng 500.000đ. Đưa con đi chơi hoặc cả nhà đi ăn cũng mất tiền gửi xe, trung bình khoảng 400.000đ/tháng” – Anh Nhật Chung giải thích chi tiết và khẳng định số tiền dành để nuôi xe này là phù hợp, không quá sức với gia đình anh.
Tuy nhiên, nghĩ lại khoảng thời gian là “lái mới”, anh Nhật Chung cho biết anh đã tốn khoảng 15.000.000 đồng trong vòng 2 tháng.
“Lái mới mà, đi dễ va chạm, phải đền cho người ta; rồi đi sai luật giao thông nên cũng bị phạt nữa. Mình nghĩ đây là khoản tiền khó hoạch định nhất và với mình thì đây cũng là khoản tốn kém nhất” – Anh Nhật Chung kể.
Gia đình Hải Anh (28 tuổi, Hà Nội): Trung bình mỗi tháng chi 2,6 triệu đồng nuôi xe
Năm 2021, gia đình Hải Anh mua chiếc xe Sabaru Forester, giá lăn bánh khoảng 1,2 tỷ đồng. Cũng giống Nhật Chung, gia đình Hải Anh không phải vay ngân hàng để mua xe. Tiền vay người thân, bạn bè không đáng kể và đã trả hết.
Khi được hỏi về chi phí nuôi xe trong 1 tháng, Hải Anh nhẩm tính tới gần 30 phút mới ra được con số 2,6 triệu đồng.
“Thực ra tiền nuôi xe với nhà mình không phải vấn đề quá lớn, vì chúng mình cũng đã tính toán đến khoản này trước khi mua xe rồi. Đến khi bạn hỏi, mình ngồi tính toán ước lượng xong mới thấy tiền nuôi xe rẻ hơn mình nghĩ” – Hải Anh vừa chia sẻ vừa cười.
“Hàng ngày vợ chồng mình vẫn đi làm bằng xe máy, con đi học có xe bus của trường đón; chỉ có cuối tuần đưa vợ con đi chơi, đi siêu thị hoặc về quê nội ở Lạng Sơn hoặc quê ngoại ở Nam Định, mình mới lái xe.
Vì đi ít nên mình có khi cả tháng mình mới đổ xăng 1 lần, khoảng 900.000đ. Đi được 10.000km là phải bảo dưỡng, nhà mình đi ít nhưng mình cẩn thận nên mỗi năm vẫn đi bảo dưỡng 1 lần cho yên tâm” – Hải Anh chia sẻ.
Gửi xe là khoản tốt kém nhất!
Nhìn vào các khoản chi cho ô tô của gia đình Hải Anh và Nhật Chung, không khó để nhận ra rằng phí gửi xe là khoản chi tốn kém nhất. Vì ở chung cư nên hàng tháng, Nhật Chung phải tốn 1.200.000đ phí gửi xe, một năm tốn 14.400.000đ. Còn Hải Anh may mắn hơn, ở nhà đất và có chỗ để xe nên tiết kiệm hơn hẳn, chi phí nuôi xe rẻ hơn 1,5 lần gia đình Nhật Chung.
“Hồi mua xe, mình cũng đi tham khảo ý kiến của bạn bè về chi phí nuôi xe, hỏi ra mới thấy nếu phải tốn tiền gửi xe thì đúng là tốn kém thật. Chứ còn các chi phí khác như đăng kiểm phí đường bộ hay bảo dưỡng thì thực ra cũng không đáng bao nhiêu” – Hải Anh chia sẻ.
“Chắc mọi người nghĩ nuôi xe tốn kém vì họ đi lại nhiều, hoặc dùng xe để kiếm tiền như lái taxi công nghệ hoặc cho thuê lại nên phí bảo dưỡng cao, chứ nếu chỉ dùng ô tô để phục vụ nhu cầu di chuyển trong nội thành Hà Nội hay thi thoảng về quê, thì mình nghĩ là cũng không tốn kém lắm đâu” – Nhật Chung khẳng định.
Nguồn : Source link