Kỹ Thuật & Công Nghệ

Tiến sỹ xây dựng bàn vụ tai nạn cao tốc Cam Lộ


Đoạn thắt cổ chai trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn từ Google Maps

Đoạn thắt cổ chai trên cao tốc Cam Lộ – La Sơn từ Google Maps

Nói sơ qua đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn. Đây là cao tốc phân kỳ đầu tư, hay nói dễ hiểu là cao tốc này sẽ có nhiều làn xe, nhưng vì chưa có nhiều kinh phí nên tạm thời làm 2 làn xe. Xen kẽ đó làm những đoạn ngắn 4 làn xe để xe vượt nhau ở những đoạn ngắn này.

Ở Mỹ mấy chục năm trước người ta cũng đã nghiên cứu giải pháp này – dùng những đoạn ngắn cho vượt xe trên cao tốc 2 làn xe. Tuy nhiên ở đây tôi không bàn sâu về chiến lược và giải pháp cho vượt xe, vì đây là một vấn đề lớn, phụ thuộc vào chiến lược đầu tư, nguồn vốn, lưu lượng xe, thu phí… mà chỉ bàn về vị trí gây tai nạn: nút thắt cổ xe khi chuyển từ 2 làn về 1 làn trên cao tốc.

Tai nạn ở nút thắt cổ chai này được nhiều người đưa ra nguyên nhân như sau.

1. Do lái xe ẩu

Đây là phán xét về hành vi của tài xế. Sau khi xem xét video trích từ xe container, tôi nhận thấy chưa đủ để nhận định người lái xe ẩu. Chúng ta chỉ thấy lái xe bỗng vọt lên và chen vào đầu xe container, nếu chỉ xem vội thì có thể nghĩ rằng lái xe vượt ẩu, chưa vượt lên hết đã bẻ lái, nhưng nếu xem kỹ lại đoạn đường lúc đó, tôi tin sẽ có nhiều người nghĩ khác. Khi chúng ta đang có mục tiêu vượt xe container giống như nhiều xe phía trước đã vượt, chúng ta đang cố, khi đến đầu xe container thì bỗng dưng đường phía trước hẹp lại, tôi tin trong một thời gian tích tắc xử lý tính bằng phần 10 giây, cũng sẽ có nhiều người cố nhấn chân ga để vượt qua xe container.

Tôi từng đọc bài chia sẻ của một kỹ sư cầu đường lâu năm, cũng là một người chạy xe cẩn thận. Nhưng có một lần anh ấy vượt xe khác bên trái, xui rủi sao đoạn vượt lại hơi dốc lên một chút. Thế là dù nhấn mạnh chân ga nhưng xe cứ è è, vòng tua động cơ tăng lên, nhưng xe lại tăng tốc không đủ mạnh để vượt được xe cùng chiều. Trong lúc đó chiếc xe đối diện đã tới gần kề. Trong giây phút quyết định ấy, gần như không còn đường lùi, anh ấy nhấn lút chân ga và cầu xin động cơ hãy phản hồi. May mắn xe tăng tốc vừa đủ vượt khi xe đối diện chưa kịp đến. Anh ấy được một bài học nhớ đời. Sau khi đọc xong tôi cũng nhớ luôn, xem như một bài học khi chạy trên cao tốc.

Tôi nghĩ rằng trong quá trình chạy xe, ít nhiều người cũng sẽ gặp những tình huống và quyết định giống như vậy. Nếu chậm lại 1 giây, mọi chuyện có thể tồi tệ hơn rất nhiều.

Do đó, chỉ xem video đấy mà nhận xét tài xế chạy ẩu thì tôi cho rằng chưa đủ.

2. Do lái xe chạy không đúng quy định

Chạy không đúng quy định tức là tốc độ lớn hơn tốc độ cho phép, hoặc vượt ở khúc đường không cho vượt. Điều này phải chờ cảnh sát giao thông điều tra về thời điểm tài xế bắt đầu vượt, về tốc độ của 2 xe thì mới biết rõ ràng.

3. Do đường thiết kế chưa đúng với tiêu chuẩn (?)

Khi có một tai nạn nào đó, đa số tâm lý mọi người đầu tiên là “do thiết kế chưa đúng tiêu chuẩn quy định”. Nhưng tiêu chuẩn nào cũng do người tạo ra, lấy mục tiêu tối thượng là sự an toàn và thỏa mái của người sử dụng. Tiêu chuẩn nào cũng phải bắt đầu hình thành từ lúc sơ khai và phải từ từ thay đổi, nâng cấp, cho phù hợp với sự thay đổi của người dùng, của xã hội.

Tiêu chuẩn về đường cao tốc ở Việt Nam cũng thế. Không thể so sánh với một đường cao tốc cấp cao hoàn thiện ở nước ngoài, có dải phân cách cứng, có làn khẩn cấp… để nói rằng chưa đúng tiêu chuẩn được. Tiêu chuẩn đường cao tốc Việt Nam phải theo tiêu chuẩn ở Việt Nam. Đường cao tốc ở Việt nam có rất nhiều cấp, thiết kế cho nhiều tốc độ từ 60-120km/h. Nếu cứ nghĩ “cao tốc” là chạy vèo vèo như nước ngoài thì không đúng. Có lẽ các nhà chức trách nên tìm từ khác để mô tả cái đường chưa đủ chuẩn cao tốc cao nhất, để thay thế cho từ “cao tốc” – dễ gây ngộ nhận cho người lái xe, khi vào cao tốc là được phóng vèo vèo.

Thế nên các bạn đừng thắc mắc, cao tốc mà không có làn khẩn cấp, cao tốc mà không có dải phân cách cứng, cao tốc mà chỉ có 2 làn… Vì đây vẫn chưa thực sự là “cao tốc” ở Việt Nam. Vì chiến lược đầu tư, vì nguồn vốn, lưu lượng xe, sự phát triển của xã hội muốn có “cao tốc” nhanh chóng, mà phải làm chắp vá, phân kỳ đầu tư… nên mới có những cao tốc mà có thắt cổ chai như thế này.

Quay trở lại, chỗ nút thắt cổ chai đã được thiết kế đúng tiêu chuẩn hay chưa cần chiếu theo các văn bản đã ban hành.

Về tiêu chuẩn quy định chiều dài những đoạn vuốt để nhập làn có thể xem các quy định ở TCVN 5729:2012 và TCVN 4054:2005. Ở đây tôi tóm tắt như sau:

Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 3.
Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 4.
Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 5.

Theo tiêu chuẩn, chiều dài đoạn chuyển làn hình nêm được quy định tối thiểu là Ln = 50m (cho tốc độ 80km/h). Nếu áp dụng tiêu chuẩn này cho đoạn hình nêm chuyển làn từ 2 nhập vào 1 chỗ vị trí xảy ra tai nạn, thì đoạn này chắc chắn đã được thiết kế đúng tiêu chuẩn. Thực tế chiều dài đoạn hình nêm chỗ vị trí này lớn hơn 50m.

Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 6.

Ảnh từ Google Maps, đo ra chiều dài đoạn nêm gần 80m

Tuy nhiên đây là tiêu chuẩn của đoạn hình nêm để nhập làn từ 1 đường nhánh nhập vào, khi mà vận tốc đường nhánh rất thấp, có thể chờ để nhập làn. Bản chất hoàn toàn khác so với 2 làn đang chạy tốc độ cao nhập thành 1. Có thể nói rằng tiêu chuẩn tối thiểu 50m kia là để áp dụng cho đoạn chuyển làn hình nêm màu đỏ, không thể áp dụng cho đoạn màu xanh. Tôi chưa tìm thấy các tiêu chuẩn quy định về chiều dài đoạn hình nêm áp dụng cho đoạn màu xanh (?).

Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 7.

Ảnh từ Google Maps

Như vậy phần này, cũng có thể nói rằng đã thiết kế đúng tiêu chuẩn, nếu như muốn tìm cách nói cho đúng. Bởi vì tiêu chuẩn quy định chưa rõ ràng, hoặc là chưa cập nhật.

4. Thiết kế đoạn nhập làn ở nước ngoài

Bản chất của đoạn đường hình nêm không phải để xe tăng tốc rồi vượt như nhiều người tính toàn thời gian bằng cách lấy chiều dài chia cho vận tốc. Vượt là phải vượt ở đoạn đường phía trước, đoạn cho vượt. Còn đoạn hình nêm chiều rộng đường sẽ hẹp dần để từ từ cưỡng bức lái xe lỡ không chú ý phía trước chạy vào đoạn này sẽ có đủ điều kiện xử lý một cách an toàn.

Mỹ

Cục Quản lý Cao tốc Liên bang (Federal Highway Administration) Mỹ cũng quy định về chiều dài đoạn đường này. Chiều dài đoạn L = 50 mph x 12ft = 600ft (182m). Khoảng cách đặt biển báo tôi tra ra d = 260m cho 80km/h.

Bàn về thiết kế 'nút cổ chai' trên cao tốc Cam Lộ - La Sơn- Ảnh 8.

Hoặc ở một báo cáo khác, NCHRP (Chương trình hợp tác quốc gia nghiên cứu đường cao tốc Mỹ) đã khảo sát gần cả ngàn tai nạn trên đoạn nhập làn. Đoạn này chiếm chưa đến 1% đường cao tốc, nhưng lại là đoạn gây ra tai nạn nhiều nhất trên cao tốc. Họ đã kết luận chiều dài đoạn hình nêm tối thiểu phải 500ft (152m) cho tốc độ 55mph (88km/h).

Canada, Đức

Về các tiêu chuẩn các nước khác quy định chiều dài đoạn nêm (Merge), ở Canada và Đức có thể tham khảo thông tin từ ảnh bên dưới.

Quy định về chiều dài đoạn nêm (Merge) và dải phân cách cứng từ người dùng Dat Nguyen

Quy định về chiều dài đoạn nêm (Merge) và dải phân cách cứng từ Dat Nguyen, chiều dài phần Merge = 200m.

Hà Lan

Theo tài liệu từ trường đại học Hasselt, Bỉ, chiều dài phần nêm để nhập làn tầm 200m.

Tóm lại, chiều dài đoạn nêm ở các nước cũng tương đồng, tầm 200m, đây chắc chắn là những thông tin hữu ích cho các tư vấn thiết kế khi thiết kế kích thước hình học đoạn đường này.

Ngoài kích thước hình học chọn cho đúng, những đoạn có thể xảy ra nguy hiểm lớn như đoạn này, nhất là bố trí sau một đoạn cho vượt – tốc độ xe rất cao, không nên chỉ dựa vào quy trình đặt đúng một biển báo đường hẹp cho xong nhiệm vụ. Bởi quy trình chỉ quy định những cái tối thiểu.

Trong khi đó, thực tế cũng cần có thêm nhiều biển báo đường hẹp khi đến gần (như cách 500m, 200m, 100m), vạch sơn mũi tên chuyển làn lớn liên tục ở khoảng cách xa (như hình bên trên vòng tròn đỏ, mũi tên vẫn chỉ đi thẳng khi đã gần đến chỗ nhập làn), khi vào đoạn hình nêm phải có vạch sơn xương cá, vạch sơn giảm tốc, phía trước có đèn phản quang ép phải chuyển làn… để bắt buộc người lái phải có ý thức chuyển làn.

Tôi từng chạy cao tốc rất nhiều ở Hàn Quốc. Những chỗ mà có khả năng xảy ra nguy hiểm họ bố trí tín hiệu rất kỹ, đủ loại tín hiệu, để ép người lái xe, dù có sao nhãng trong phút giây trước đó, vẫn ý thức được những gì có ở phía trước. Tôi từng thầm cảm ơn những người đã thiết kế rất tỉ mỉ và chu đáo như thế. Cảm giác như họ đã từng đi qua, hiểu được cảm giác người lái xe, và cố gắng làm sao để an toàn nhất có thể.

5. Tổng kết

Tôi tin là nhiều người đi qua khúc này, hoặc xem lại video cũng thấy sự bất hợp lý, nhưng lại không thể chỉ ra cụ thể vì e ngại “không có chuyên môn”. Nhưng một thiết kế phải tạo được sự thỏa mái cho những người “không có chuyên môn” sử dụng. Nếu chính họ không cảm thấy thỏa mái, phải giật mình khi đi qua chỗ này, cảm thấy nguy hiểm, hú hồn khi đi qua khúc này, thì đó là một thiết kế không hợp lý. Do đó rất cần những người “có chuyên môn cao” xem xét lại.

Điều này cũng tương tự như khi thiết kế một cây cầu dây dao động lắc lư khiến người ta “say sóng”, hoặc khiến một em bé ngồi trên xe phải thức giấc khi đang ngủ. Mặc dù cầu an toàn nhưng vẫn phải thiết kế lại, vì không đảm bảo sự thỏa mái cho người dùng.

Theo như tìm hiểu của tôi ở trên, tiêu chuẩn thiết kế ở Việt Nam chưa có đủ chỉ dẫn cho việc thiết kế đoạn đường này. Việc xác định chiều dài đoạn đường này cần phải có những nghiên cứu sâu hơn, tham khảo nhiều tài liệu hơn, để tính toán cụ thể, phù hợp với điều kiện đường cao tốc ở Việt Nam. Trong khuôn khổ một bài viết ngắn, những thông tin ngắn ở trên chỉ mục đích tham khảo sơ bộ.

Mặc dù vậy, trong lúc chờ tiêu chuẩn được cập nhật, tôi nghĩ rằng kỹ sư, những người trực tiếp thiết kế có thể tự tham khảo và tìm hiểu thêm những tiêu chuẩn ở nước ngoài để áp dụng. Quy trình thiết kế chỉ quy định những gì tối thiểu phải làm, nhưng những người trực tiếp thiết kế, có thể làm hơn thế nữa, nếu cảm thấy thiết kế đó vẫn còn gì đó chưa thực sự an toàn.

Ngoài ra, mong rằng sau lần tai nạn này, các công ty tư vấn thiết kế, các cấp các bộ có thẩm quyền ngồi lại với nhau để rà soát, đánh giá lại sự an toàn lưu thông của việc phân kỳ đầu tư đường cao tốc để phải bỏ qua các tiêu chuẩn an toàn, cũng như bổ sung những quy định về an toàn khi thiết kế, đặc biệt chỗ nút thắt cổ chai như vị trí tai nạn này.

https://www.facebook.com/autoprovn



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button