Cách đây 7 năm, khái niệm SUV đô thị thậm chí còn chưa được định danh một cách rõ ràng thì đến nay, phân khúc này lại đang là nơi chứng kiến cuộc cạnh tranh nóng bỏng nhất thị trường ô tô Việt Nam.
CHEN CHÚC TRONG NGÕ HẸP
Tháng 6/2014, Ford Việt Nam chính thức giới thiệu mẫu xe EcoSport ra thị trường. Ford EcoSport nằm ở một phân khúc ô tô kỳ lạ khi sở hữu những thông số của một chiếc SUV nhưng lại phát triển trên hệ khung gầm của một chiếc sedan cỡ B. Cũng chính bởi vậy, EcoSport thời điểm đó được gắn cho một khái niệm rất mới là urban SUV hay còn gọi là SUV đô thị.
SUV vốn là kiểu xe được phát triển để khắc phục những khả năng vận hành địa hình, bao gồm cả off-road. Chính bởi vậy, SUV thường là những chiếc xe có kích thước lớn, ít nhất là từ chính “đàn anh” của EcoSport là huyền thoại một thời Escape.
Ngay cả các nhân viên Ford khi ấy cũng nghi ngờ về khả năng thành công của EcoSport. Sự lỡ cỡ về kích thước là một yếu tố được cho là sẽ khó làm hài lòng người tiêu dùng. Quan trọng hơn, thị trường ô tô Việt Nam cũng đã từng có một mẫu xe tương tự, đó là Daihatsu Terios. Tuy nhiên, mẫu xe này cũng đã nhận thất bại và rút lui khỏi Việt Nam cùng thương hiệu ô tô Nhật Bản.
Nhưng rồi, Ford EcoSport lại gặt hái được những thành công ngoài dự đoán. Thậm chí có nhiều thời điểm, EcoSport nhảy vào danh sách 10 mẫu xe ô tô đắt khách nhất thị trường.
Thành công của Ford EcoSport như một chỉ dẫn để nhiều hãng xe khác yên tâm hơn khi gia nhập phân khúc xe được đánh giá là nhỏ hẹp. Lần lượt những Suzuki Grand Vitara, Hyundai Kona, Chevrolet Trax và Honda HR-V gia nhập cuộc chơi để chia sẻ thị phần với Ford EcoSport.
Năm 2020, phân khúc SUV đô thị tiếp tục chào đón thêm 4 mẫu xe nữa bao gồm Kia Seltos, Toyota Corolla Cross, MG ZS và Peugeot 2008. Mới đây nhất, tập đoàn Thaco đưa thêm mẫu xe Mazda CX-3 vào cuộc đua.
Sự xuất hiện của “tân binh” Mazda CX-3 đã khiến cho phân khúc urban SUV vốn bị coi là chỉ cạnh tranh trong ngõ hẹp trở nên vô cùng chật chội và dự báo về một cuộc đua giành giật thị phần vô cùng nóng bỏng.
Toyota Corolla Cross đem lại diện mạo mới trẻ trung và nhiều công nghệ cho thương hiệu ô tô Nhật Bản.
Có thể thấy rằng, đến thời điểm này thì SUV đô thị chính là phân khúc ô tô có sự cạnh tranh mạnh mẽ với đông đảo các mẫu xe nhất. Phân khúc sedan cỡ B đang nắm giữ dung lượng thị trường lớn nhưng lại hầu như chỉ nơi phô diễn sức mạnh của bộ tam mã Toyota Vios, Hyundai Accent và Honda City. Phân khúc SUV cỡ C và cỡ D với những cái tên đình đám nhưng cũng chủ yếu chỉ là cuộc chơi của Honda CR-V, Mazda CX-5, Hyundai Santa Fe, Kia Sorento và Toyota Fortuner.
Phân khúc SUV đô thị lại hoàn toàn khác khi bối cảnh liên tục được thay đổi từ những khúc cua gắt.
Đầu tiên phải kể đến vai trò khơi mào của Ford EcoSport. Khi Daihatsu Terios ra đi sau những thất bại thảm hại, EcoSport xem như mẫu xe mở ra khái niệm urban SUV. Trong suốt giai đoạn từ năm 2014 cho đến hết nửa đầu năm 2018, Ford EcoSport gần như một mình một chợ bởi cả Suzuki Grand Vitara lẫn Chevrolet Trax đều có giá bán lẻ cao hơn hẳn. Chưa kể, mẫu xe được đánh giá rất cao về khả năng vận hành là Chevrolet Trax sau đó cũng đã phải rút lui bởi những thay đổi ở thượng tầng của hãng ô tô Mỹ.
Cuối tháng 8/2018, sự xuất hiện của Hyundai Kona đã tạo nên một khúc cua gắt. Hyundai Kona khắc phục được những điểm yếu về kích thước và khả năng vận hành của Ford EcoSport. Bên cạnh đó, nhờ sinh sau đẻ muộn nên thiết kế của mẫu xe Hàn Quốc cũng hợp thị hiếu hơn với các gia đình trẻ, nhóm khách hàng chủ yếu của phân khúc.
Ngay lập tức, Hyundai Kona sắm vai trò dẫn đầu và ngày càng bỏ xa đối thủ bám đuổi về doanh số. Thống kê cho thấy, chỉ sau hơn một năm ra mắt thị trường, doanh số của Hyundai Kona đã cao gần gấp đôi Ford EcoSport. Đơn cử trong năm 2019, TC Motor bán ra thị trường được tổng cộng 7.103 chiếc Hyundai Kona. Cùng quãng thời gian đó, sản lượng bán hàng của Ford EcoSport chỉ đạt 4.006 chiếc.
Thành công của Ford EcoSport và màn soán ngôi ngoạn mục của Hyundai Kona đã khẳng định chắc chắn về xu hướng tiêu dùng mới tại thị trường ô tô Việt Nam. Đây chính là lý do để nhiều hãng xe khác không thể tiếp tục đứng ngoài cuộc.
Chỉ trong năm 2020, một loạt mẫu xe mới đua nhau gia nhập thị trường, trong đó đáng chú ý nhất là bộ đôi Kia Seltos và Toyota Corolla Cross. Chính hai mẫu xe này đã tạo nên khúc cua gắt tiếp theo trong cuộc đua doanh số của phân khúc SUV đô thị.
Ngày 22/7/2020, tập đoàn Thaco chính thức giới thiệu mẫu xe Kia Seltos và tròn hai tuần sau đó, Toyota Việt Nam tung ra thị trường Corolla Cross vào ngày 5/8/2020.
Ngay sau khi ra mắt, cả hai mẫu xe đều rơi vào tình trạng khan hàng. Nếu như Toyota Corolla Cross thiếu xe để giao cho khách do nhu cầu vượt xa kế hoạch nhập khẩu ban đầu thì Kia Seltos còn căng thẳng hơn. Tại thời điểm ra mắt, Kia Seltos có 4 phiên bản với 2 tuỳ chọn động cơ và hộp số. Thế nhưng, do năng lực dây chuyền chưa kịp đáp ứng, Thaco đã buộc phải rút bớt một phiên bản ra khỏi danh mục sản phẩm.
Mẫu xe Kia Seltos đang dẫn đầu phân khúc xét về sản lượng bán hàng.
Cả hai mẫu xe Kia Seltos và Toyota Corolla Cross đều sở hữu những thế mạnh riêng của mình. Trong khi Kia Seltos trẻ trung, thể thao, nhiều trang bị công nghệ và giá bán thấp thì Toyota Corolla Cross lại có kích thước lớn hơn, tiếp cận được nhóm khách hàng có độ tuổi “cứng” hơn cùng gói công nghệ an toàn Toyota Safety Sense. Chính bởi vậy, khi Ford EcoSport và Hyundai Kona chưa kịp cập nhật phiên bản mới, lợi thế đang thuộc về Kia Seltos và Toyota Corolla Cross.
Theo thống kê của Hiệp hội các Nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), sản lượng bán hàng cộng dồn 3 tháng đầu năm 20201 của Kia Seltos đạt 3.840 chiếc và dẫn đầu phân khúc, Toyota Corolla Cross đứng thứ hai với lượng xe bán ra đạt 2.969 chiếc.
Hiện tại, bộ đôi Seltos và Corolla Cross đang bỏ khá xa các đối thủ về sản lượng bán hàng. Tuy nhiên, với sự góp mặt của “tân binh” Mazda CX-3 và hai “thế lực cũ” Hyundai Kona, Ford EcoSport chuẩn bị có thế hệ mới hoặc phiên bản nâng cấp, cuộc cạnh tranh ở phân khúc SUV đô thị được dự báo sẽ ngày càng trở nên nóng bỏng.
Nguồn : Source link