Sếp Tesla bỏ ra làm riêng; Ford, BMW, Mercedes vội tìm đối tác


Hiện nay có một thuật ngữ đang dần trở nên phổ biến trong toàn ngành xe điện, mang đến cảm giác như đang nói về vật lý thiên văn học, đó là Black mass – vật chất tối.

Tuy nhiên, “vật chất tối”, hay gọi theo cách dân dã hơn là “vàng đen xe điện”, chỉ là cách mô tả theo nghĩa đen về một sản phẩm trung gian trong quá trình tái chế pin xe điện. Đó là một hỗn hợp của nhiều kim loại như liti, côban hay niken, có màu đen, dạng bột. 

Khi xe điện không còn là một chủ đề mới và ngày càng hiện hữu nhiều hơn trong cuộc sống, nhu cầu và mối quan tâm về chủ đề tái chế pin xe điện ngày càng trở nên nóng trên phạm vi toàn cầu. Tái chế pin xe điện còn là một vấn đề mà nhiều hãng xe quan tâm khi họ muốn xây dựng một chuỗi cung ứng mà không bị quá phụ thuộc vào một nhà cung cấp. 

Không những thế, thứ vàng đen này đang ngày một xuất hiện nhiều hơn trong các nguồn doanh thu của các đơn vị trong ngành xe. Các đơn vị nghiên cứu thị trường như Benchmark Mineral Intelligence, Fastmarkets hay S&P Global đã có cho mình quy trình thẩm định giá loại vật liệu này từ tháng 4 năm nay. 

VÀNG ĐEN XE ĐIỆN LÀ THỨ GÌ?

Ảnh minh họa: Bloomberg

Nhà phân tích Jesline Tang tại S&P Global Commodity Insights nhận định: “Các nhà sản xuất chắc chắn đang ngày một quan tâm hơn về vật chất tối”. Thậm chí, một vài hãng xe đã công bố thỏa thuận hợp tác hoặc liên doanh để tìm các hướng đi trong việc tái chế pin – đó là BMW, Ford hay Mercedes.

Glencore là một trong những đơn vị lớn nhất thế giới về kinh doanh hàng hóa và khai mỏ. Hồi tháng 5, tập đoàn này đã thông báo về một kế hoạch với Li-Cycle (một đơn vị tái chế pin lớn trên thế giới) nhằm xử lý “vật chất tối” tại Sardinia, Ý. Hãng hóa chất lớn nhất thế giới BASF cũng dự kiến sẽ sản xuất thứ vàng đen này tại Đức trong năm sau. Cách đây không lâu, công ty Mercuria Energy Trading cũng đã bắt tay với một công ty tái chế từ Mỹ để có thể bán thứ vàng đen này trên quy mô toàn cầu. 

“Vật chất tối” hay “vàng đen xe điện” được tạo ra bằng cách cắt và nghiền vụn pin hoặc các cell pin, loại bỏ các thành phần không quan trọng và tinh chế những thứ còn lại. Tới nay, phế phẩm từ nhà máy trong quá trình sản xuất pin xe điện chiếm phần lớn nguyên liệu đầu vào.

Theo các dự đoán của S&P Global Commodity Insights, tới cuối thập kỷ này thì liti tái chế sẽ chiếm khoảng 15% nguồn cung toàn cầu, niken là 11%, côban là 44%. 

Tuy nhiên, các đơn vị tham gia sẽ cần vượt qua những chướng ngại sắp tới.

Các nhà sản xuất xe điện ngày nay đang sử dụng nhiều hơn loại pin LFP (Liti – sắt – phốt phát), giúp hạ giá thành xe điện và đẩy mạnh tốc độ chuyển đổi giao thông sang dùng xe điện. Song, pin LFP lại không chứa nhiều thành phần được coi là hấp dẫn với các nhà tái chế pin. Ngoài liti, sắt và phốt phát không phải các nguyên tố hiếm trong trên Trái Đất.

Tái chế pin LFP cũng là một bài toán nan giải: Chi phí thực hiện cần phải thấp vì giá trị thị trường của pin LFP (không chứa niken và côban) thường thấp hơn các loại pin khác.

Theo Fastmarkets thì với giá thị trường hiện tại, pin NMC (niken – mangan – côban) chứa lượng kim loại có giá khoảng 10.040 USD (gần 242,5 triệu đồng) mỗi tấn cell pin. Trong khi đó, giá trị của các nguyên liệu có trong pin LFP chỉ có giá 3.935 USD (95 triệu đồng) mỗi tấn, nhưng chi phí tinh chế có thể cao hơn, đòi hỏi công nghệ cao hơn để xử lý ra vàng đen xe điện. Điều này có nghĩa là các đơn vị tham gia tái chế pin LFP sẽ thu được lợi nhuận thấp hơn.

Dẫu vậy, tái chế pin vẫn là một ngành quá mới mẻ và nhiều tiềm năng. Gần đây, Giám đốc Công nghệ (Chief Technology Officer – CTO) của Tesla, ông J.B Straubel đã nghỉ việc ở Tesla, thành lập một công ty riêng là Redwood Materials, tham gia sâu trong việc tái chế pin. Một trong những điều mà Redwood Materials thường nói là “mỏ liti và côban lớn nhất phương tây có thể nằm ngay tại bãi rác”, tất nhiên cũng không quên nhắc tới có thể nằm ngay bên trong những chiếc xe điện trên đường. 

Một điều đáng nhắc tới là mua bán thứ vàng đen xe điện này cũng không phải một việc dễ dàng, bởi tại nhiều quốc gia và khu vực – bao gồm cả châu Âu – quy về hàng hóa độc hại. Theo nhà phân tích Leah Chen từ S&P Global Commodity Insights thì đây là một vấn đề lớn, bởi có liên quan đến các tiêu chuẩn đóng gói, vận chuyển và mua bán. 

Theo bà Julia Harty – nhà phân tích tại Fastmarkets – thì: “Chúng tôi có nhiều nhà máy ở châu Âu mà có thể nghiền vụn pin thành vật chất tối, nhưng sau đó thì tắc tịt. Khá là thất vọng, khi phát triển bền vững đang rất được quan tâm nhưng [vướng mắc nhiều quy định] khiến tái chế pin liti-ion ở châu Âu trở nên khó khăn hơn”.

Theo Automotive News



Nguồn : Source link