Bước vào mùa hè nắng nóng, có những ngày thời tiết có thể lên đến 40 độ C. Việc di chuyển bằng ô tô trở nên vô cùng lý tưởng đối với các gia đình có con nhỏ. Tuy nhiên đi ô tô những ngày nắng cũng có thể tiềm ẩn nhiều rủi ro như là cháy nắng, sốc nhiệt… Các gia đình hãy nắm rõ từng nguy cơ, cũng như các giải pháp để chủ động phòng ngừa.
1. Cháy nắng, ung thư da
Vào những ngày nắng, tia cực tím (UV) thường ở mức độ khá cao. Thế nhưng nhiều người chủ quan rằng chỉ cần chống nắng khi đi bộ, đi xe máy, chứ ở trong xe ô tô thì không cần. Thực tế, dù đi ô tô nhưng nếu không bảo vệ da đúng cách cũng có thể khiến da bạn bị sạm đen, cháy nắng. Thậm chí là gây ung thư da.
Một nghiên cứu thực hiện bởi Đại học Washington đã phát hiện ra rằng hơn một nửa các trường hợp mắc ung thư da tại quốc gia này đều xảy ra ở bên trái của cơ thể. Bởi khi lái xe người dân tiếp xúc với tia UV ở bên trái nhiều hơn (Mỹ là quốc gia lái xe ở bên trái).
Trong khi ở Úc, nơi người dân lái xe ở bên phải đường thì tế bào ung thư da thường xuất hiện nhiều hơn ở bên phải cơ thể. Dẫn chứng này đã cho thấy mức độ ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời dù bạn đang ngồi trong xe ô tô.
Theo BS CK1 Đinh Doãn Thạch (Bệnh viện Da liễu Hà Nội), ngay cả khi ngồi trong ô tô mọi người cũng cần thực hiện các biện pháp chống nắng. Nếu không thể trang bị những thiết bị có tác dụng cản tia UV cho xe hơi thì người trong xe nên sử dụng các biện pháp đơn giản nhất có thể làm được như: Đeo khẩu trang, mặc quần áo dài, che chắn vùng da hở, bôi kem chống nắng đầy đủ, nhất là đối với những vùng da hở ra ngoài như bàn tay, cổ tay…
Giải pháp:
– Dùng kem chống nắng 15-20 phút trước khi tiếp xúc với ánh sáng mặt trời và cứ sau 2 – 3 giờ phải bôi lại kem chống nắng.
– Phụ nữ có thể sử dụng kính râm, thậm chí khẩu trang chống nắng ngay khi đang ngồi bên trong ô tô.
– Ngoài ra, nên hạn chế ra đường trong thời gian nắng nóng cao điểm. Cụ thể là nên hạn chế ra đường, lái xe vào thời điểm 12-15h trưa, đồng thời chú ý bù nước cho cơ thể hợp lý.
2. Sốc nhiệt
Trong tình trạng nắng nóng kéo dài, nguy cơ sốc nhiệt có thể xảy ra nếu bạn mở điều hòa ô tô ở nhiệt độ quá thấp. Sự chênh lệch quá lớn giữa nhiệt độ trong xe và nhiệt độ ngoài trời có thể khiến mọi người đau đầu, chóng mặt, choáng váng… ngay khi bước xuống xe. Nguy cơ này càng cao với những ai có tiền sử cao huyết áp, bệnh tim mạch.
Giải pháp:
– Bật điều hòa ô tô từ nhiệt độ cao rồi giảm dần, gió từ nấc nhỏ rồi tăng dần.
– Đỗ xe nơi bóng râm, mái che.
3. Cháy nổ
Vào những ngày nắng nóng, nếu bạn để trong xe những đồ vật dễ cháy nổ như pin, máy lửa… sẽ rất nguy hiểm. Để pin trong xe vào ngày nóng gắt có thể khiến pin nứt vỡ và rò rỉ axit. Hoặc có thể khiến pin bị chai do nhiệt độ cao. Ngoài ra, để bật lửa trong môi trường nóng kín thì nguy cơ cháy nổ xe là rất cao.
Với những xe có hệ thống xăng chẳng may rò rỉ, hoặc hệ thống điện không đảm bảo khi phương tiện đang sử dụng có nguy cơ cháy nổ rất cao. Ngoài ra, dây điện trong quá trình sử dụng bị hở, rò rỉ mà không biết thì khi xe được khởi động có thể gây cháy nổ.
Ngay cả những vật dụng khác như chai nước, quả cầu thủy tinh, kính… khi để trong xe ô tô cần cẩn trọng vì cũng có thể gây cháy nổ. Thiết kế tròn, cong, hình trụ của những vật thể này tương tự như một thấu kính hội tụ (kính lúp). Khi ánh sáng chiếu qua chúng sẽ hội tụ tại một điểm. Năng lượng tích tụ dưới dạng nhiệt năng có thể sẽ đốt cháy bề mặt tiếp xúc.
Giải pháp:
– Không tích trữ vật dụng dễ phát nổ trong xe. Trước khi rời khỏi xe, nên kiểm tra lại trong xe để tránh để đồ vật gì dễ gây cháy nổ.
– Cần kiểm tra lốp xe thường xuyên, nhất là trước các chuyến đi chơi xa trong ngày nắng gắt.
– Cần bảo dưỡng xe định kỳ.
4. Ngạt khí
Vào mùa hè, việc ngủ trong ô tô đóng kín rất dễ bị ngạt khí, nhất là với tài xế, phụ nữ, và đặc biệt là trẻ em. Đặc biệt, trẻ em thường nghịch ngợm, thường trốn trong xe để trêu đùa người lớn hoặc cũng có thể do bị bỏ quên. Mới đây, mạng xã hội xôn xao trước thông tin bé trai 2 tuổi tại Florida, Mỹ tử vong vì bị bố mẹ bỏ quên trong xe ô tô suốt 15 tiếng giữa trời nắng nóng.
Tại Mỹ, trung bình có 38 trẻ em tử vong mỗi năm do bị bỏ quên trong ô tô, nhiều trường hợp phụ huynh cố tình bỏ con trên xe để đi giải quyết công việc của mình mà khi quay trở lại xe thì chuyện đáng tiếc đã xảy ra.
Ngay cả khi xe đã đỗ trong bóng râm, tình trạng sốc nhiệt vẫn xảy ra vì nhiệt độ trong xe sẽ tăng rất nhanh. Hoặc do trong xe không còn dưỡng khí, khiến nạn nhân lịm dần và tử vong.
Giải pháp:
– Cần chọn đỗ xe ở nơi thoáng đãng, tránh xa không gian chật hẹp, bí khí.
– Bố mẹ nên hé một chút cửa kính để đảm bảo không khí bên trong và bên ngoài lưu thông, đủ oxy cho bé ở bên trong.
– Trường hợp bật điều hòa và đóng kín cửa xe, phụ huynh cần chọn chế độ lấy gió ngoài, bổ sung oxy cho khoang cabin.
– Đặc biệt, bố mẹ cần phải quan tâm, chú ý đến trẻ hơn, không được để lại mình bé trên ô tô.
5. Bỏng da
Vào những ngày trời nóng đỉnh điểm, việc đỗ xe dưới trời nắng có thể biến những chiếc ô tô thành “chảo lửa”. Một nghiên cứu được xuất bản trên tạp chí Temperature cho thấy: Trong vòng 1 giờ, nhiệt độ trong một chiếc xe hơi đỗ ngoài trời ở khu vực chiếu nắng có thể đạt tới 47 độ C, phần ghế ngồi trung bình 51 độ C.
Ngay cả khi xe hơi được đỗ trong bóng râm thì mức nhiệt độ vẫn có thể gây thiêu đốt. Sau 1 giờ, xe đạt nhiệt độ trung bình 38 độ C và khu vực ghế ngồi 41 độ C. Nếu ngồi trên những chiếc ghế có độ nóng như vậy có thể khiến làn da bị bỏng, rát, da đỏ tấy…
Giải pháp:
– Lựa chọn những vị trí râm mát để đỗ xe. Nếu cần phải đỗ xe dưới trời nắng, hãy sử dụng các loại tấm che chuyên dụng, chiếu, vải… để phủ lên xe nhằm hạn chế tình trạng nắng nóng.
– Nên kiểm tra nhiệt độ ghế trước khi ngồi.
6. Ngồi ghế ô tô quá nóng gây hại cho cơ quan sinh sản
Phụ nữ ngồi lâu trên ghé xe nóng có thể gây ra tình trạng tiêu diệt vi khuẩn có lợi, tăng nguy cơ viêm nhiễm và mắc bệnh phụ khoa. Ghế quá nóng còn gây hại cho chức năng sinh sản của nam giới. Có thể ảnh hưởng đến quá trình sinh tinh trùng, giảm chất lượng và số lượng tinh binh.
Trẻ em dưới 3 tuổi cũng không nên ngồi trên ghế quá nóng. Nguyên nhân bởi trẻ em trong độ tuổi này vẫn chưa hình thành phản ứng điều hòa thân nhiệt, cân bằng nhiệt độ cơ thể. Do đó trẻ ngồi ghế ô tô nóng có thể bị bỏng.
Giải pháp:
– Nếu ghế ngồi có nhiệt độ cao, nên sử dụng khăn ướt hoặc xịt nước lên, đợi khoảng 1 – 2 phút cho nguội rồi mới ngồi lên ghế.
– Có thể bật điều hòa xe một vài phút trước khi bắt đầu chạy.
– Trong trường hợp bắt buộc phải lái xe mà không có có nước hoặc khăn ướt, bạn có thể sử dụng các loại vải chống nắng phủ lên ghế sau đó mới ngồi lên.
Nguồn : Source link