Những lưu ý khi chỉnh ghế lái ô tô tài xế nên biết
Chỉnh ghế lái đúng tư thế là điều quan trọng khi lái ô tô, đặc biệt trong các chuyến đi dài. Ghế chuẩn tư thế sẽ mang đến cảm giác thoải mái trong suốt hành trình, giúp lái xe tỉnh táo, đảm bảo chuyến đi an toàn. Tuy nhiên, làm thế nào để chỉnh ghế lái một cách chuẩn nhất vẫn là kinh nghiệm mà nhiều người chưa biết. Sau đây là một số lưu ý cơ bản khi chỉnh ghế lái ô tô.
Điều chỉnh độ cao ghế lái ô tô
Độ cao ghế lái cần điều chỉnh sao cho đảm bảo tầm nhìn tốt nhất cho lái xe cũng như khả năng đọc thông tin, tín hiệu trên màn hình chính. Điều này không những mang lại cảm giác thoái mái mà còn đảm bảo an toàn khi di chuyển, đặc biệt trên những cung đường dài.
Độ cao của ghế lái được xem là đạt chuẩn khi người dùng cảm thấy phần hông ngang hoặc cao hơn so với đầu gối một chút, khuỷu tay chạm vào bệ cửa, đầu gối không chạm vào mép dưới vô lăng. Nếu lái xe có chiều cao trung bình, khoảng cách khuyến nghị giữa đầu và trần nên là 5cm. Nếu tài xế có chiều cao tương đối, nên điều chỉnh chân theo tọa độ lý tưởng là 120 độ.
Bên cạnh đó, tài xế cần lưu ý một số yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến độ cao của ghế như: đi giày cao gót, giày đế độn hoặc mang các phụ kiện khác. Những vật dụng này có thể ảnh hưởng đến khả năng xử lý tình huống khi có sự cố xảy ra.
Điều chỉnh khoảng cách ghế lái và bàn đạp
Khoảng cách ghế lái và cần đạp số, phanh cần đảm bảo cẳng chân và đùi cách nhau góc khoảng 120 độ. Đây là con số tiêu chuẩn giúp tạo ra những phản xạ tích cực khi lái xe và không gây cảm giác gò bó.
Người lái không nên để ghế quá xa sẽ khiến chân phải duỗi thẳng hết cỡ, gót chân nhấc khỏi sàn do tài xế khó kiểm soát tốt chân phanh, chân ga dẫn đến nguy cơ gây tai nạn cao. Ngược lại, nếu đầu gối chạm vào mép dưới vô lăng, chứng tỏ khoảng cách ghế quá gần cũng gây cản trở khi thao tác lái.
Để điều chỉnh khoảng cách ghế, người lái khởi động xe, đạp phanh vài lần để tìm vị trí đầu gối cảm thấy thoải mái nhất. Ngoài ra, lái xe có thể xác định khoảng cách ghế bằng cách ngồi sao cho có khe trống vừa hai ngón tay giữa kheo chân và ghế.
Điều chỉnh độ nghiêng tựa lưng của ghế lái
Nhiều người dùng thường không quan tâm đến độ nghiêng tựa lưng ghế lái khi điều chỉnh ghế lái ô tô. Khi tựa lưng và đệm tạo ra 1 góc từ 100-110 độ được xem là tư thế hoàn hảo có thể đảm bảo các đĩa đệm của lưng chịu ít áp lực nhất khi lái xe.
Để điều chỉnh độ nghiêng, lái xe chỉ cần ấn giữ nút nằm ngay cạnh thanh nút điều chỉnh tiến lùi, tay còn lại điều chỉnh kéo ghế lên hoặc xuống đạt độ nghiêng thích hợp.
Điều chỉnh độ cao gối tựa đầu của ghế lái
Hệ thống ghế ô tô thường được trang bị gối tựa đầu giúp lái xe đỡ mỏi cổ và hạn chế những chấn thương khi xảy ra sự cố. Độ cao lý tưởng của gối tựa đầu là khi đỉnh đầu ngang với phía trên của tựa đầu, khoảng cách từ tựa đầu tới gáy khoảng 2-3 cm.
Điều chỉnh bơm tựa lưng của ghế lái
Đệm đỡ thắt lưng là đoạn nhô lên của phần dưới tựa lưng. Việc điều chỉnh bộ phận này vào đúng đoạn lõm tự nhiên phía lưng sẽ gia tăng sự thoải mái cho lái xe đồng thời hỗ trợ bảo vệ cột sống.
Người lái cần điều chỉnh độ cao của đệm sao cho cạnh dưới ngang với đường eo lưng và độ sâu của đệm lấp đầy đường cong phần lưng dưới. Nếu ghế lái không có bơm tựa lưng, tài xế có thể thay bằng bọt biển hoặc cuộn chiếc khăn đặt ở phần cong của lưng.
Điều chỉnh vô lăng
Chiều cao cụm vô lăng phải được thiết kế song song với lưng ghế nhằm giúp tài xế dễ dàng quan sát thông tin trên bảng đồng hồ, quá trình lái xe thoải mái hơn và không bị mỏi tay.
Người lái nên cầm vô lăng ở vị trí “9” và “3” có nghĩa tay phải ở điểm 3 giờ, tay trái ở vị trí 9 giờ sẽ kiểm soát vô lăng tốt nhất. Bên cạnh đó, tài xế nên lái xe bằng 2 tay để giảm nguy cơ đau mỏi cột sống.
Tác hại khi tư thế ngồi không đúng khi lái xe
Không phải ngẫu nhiên mà bạn cần chỉnh ghế lái đúng tư thế vì việc ngồi sai trong thời gian dài sẽ dẫn đến rất nhiều hậu quả:
Ngồi sai tư thế khiến người lái phản ứng kém nhanh nhạy hơn khi gặp các tình huống bất ngờ.
Sai tư thế gây ra sự mệt mỏi cho toàn bộ xương sống, vai, cổ, hai bả tay, điều này mang đến cảm giác không thoải mái trong suốt hành trình. Đồng thời còn khiến tài xế không thể tập trung, mệt mỏi, dễ cáu gắt.
Đặc biệt có thể gây ra nguy hiểm cho chính bản thân người lái xe và mọi người xung quanh, các phương tiện đang di chuyển khác.
Nguồn : Source link