Những lỗi bất ngờ khiến xe tay ga không thể nổ máy
Xe máy tay ga hiện tại được rất nhiều người dân Việt Nam ưa chuộng. Một số sản phẩm như Honda SH, Yamaha Grande, Honda Airblade, Honda Lead,… đã trở thành sản phẩm quốc dân trong suốt thập kỷ qua. Tuy nhiên, không phải lúc nào chúng cũng có thể hoạt động một cách trơn tru.
Những trường hợp sau khi dừng, đỗ rồi xe không nổ máy để đi tiếp nữa cũng không hiếm. Để phòng tránh các vấn đề này, tốt nhất chúng ta nên đưa xe đi bảo dưỡng theo định kỳ được nhà sản xuất khuyến cáo. Nếu vẫn gặp phải tình huống xe chết máy thì dưới đây là những lí do thường gặp giúp chủ sở hữu có thể bình tĩnh giải quyết vấn đề, nhanh chóng bắt đúng bệnh để tiết kiệm thời gian khi đến tiệm sửa chữa.
Chết ắc quy
Thông thường sau một thời gian không sử dụng hoặc quên tắt máy trong nhiều giờ, người lái sẽ gặp phải một số hiện tượng như xe không có đèn khi bật chìa khoá điện hoặc đèn và còi yếu. Thậm chí, xe còn khó đề hoặc không thể đề được máy. Nguyên nhân có thể là do ắc quy xe máy yếu hoặc bị cạn hết.
Đối với những chiếc xe số hoặc xe côn tay, việc khởi động lại động cơ khá đơn giản. Chỉ việc đạp nổ hoặc gài số N và đẩy xe lấy đà rồi vào số là có thể khởi động máy một cách khá dễ dàng. Tuy nhiên, do sử dụng hộp số tự động và không có cần đạp nổ, nên khi bình ắc quy cạn thì cách xử lý của xe tay ga cũng phức tạp hơn.
Khi gặp tình huống này, hãy sạc bình ắc quy đúng cách (lưu ý rằng có hai loại ắc quy là khô và nước). Chủ sở hữu cần sử dụng các thiết bị chuyên dụng để tháo bình ắc quy ra khỏi xe. Thời gian tiêu chuẩn để sạc điện là 1 tiếng trở lên.
Đối với một số loại xe tay ga, thời gian sạc bình ắc quy có thể lên tới 10 tiếng. Nếu không thể tự làm tại nhà và muốn đảm bảo an toàn thì hãy nhờ tới những thợ lành nghề tại các cơ sở sửa chữa, bảo hành xe máy. Việc sạc ắc quy rất đơn giản nhưng nếu không biết cách làm thì bộ phận này có thể bị hỏng, thậm chí là gây nguy hiểm.
Củ đề bị lỗi
Củ đề là một trong những bộ phận quan trọng có chức năng khởi động hệ thống động cơ. Với các dòng xe tay ga, đây là bộ phận khởi động duy nhất. Thông thường bộ đề có độ bền rất cao, hiếm khi xảy ra tình trạng hỏng hóc. Tuy nhiên, trong quá trình sử dụng, nếu chủ sở hữu không kiểm tra bảo dưỡng định kì hoặc sử dụng đúng cách thì việc củ đề bị hỏng vẫn có thể xảy ra.
Khi củ đề xe bị hỏng và không thể sửa chữa được nữa thì chúng ta cần thay mới. Giá của bộ phận này khoảng 600-700 ngàn đồng. Nếu bạn bấm nút đề mà rơ le đề kêu tạch tạch trong khi củ đề không có tín hiệu gì, đó là dấu hiệu bộ phận này đã hỏng. Trong trường hợp chủ sở hữu kiểm tra mà không thể khắc phục, hoặc biết rằng sửa xong mà không được lâu dài thì nên cân nhắc thay thế.
Hỏng bugi
|
Bugi là một bộ phận tương đối nhỏ, nhưng lại có vai trò khá quan trọng trong việc giúp xe có thể khởi động được. Do đó, nếu bugi hỏng sẽ dẫn tới những vấn đề như xe máy khó nổ hoặc không nổ được.
Những dấu hiệu nhận biết xe bị hỏng bugi bao gồm xe nhả nhiều khói đen, khó nổ hoặc có mùi khét khi vận hành, bugi có màu trắng, bugi bị mòn cực tâm, xe liên tục chết máy, khởi động có mùi khét. Khi phát hiện bộ phận này gặp lỗi thì cần phải khắc phục hoặc thay mới ngay lập tức.
Trong trường hợp bugi mới thay, chủ sở hữu có thể sử dụng dầu để làm sạch rồi tiếp tục sử dụng, khi bộ phận này đã bị hỏng hoàn toàn mới tiến hành thay thế. Đối với tình huống bị ngập nước, chúng ta cần nhắc nhở thợ sửa chữa không chỉ lau khô bugi mà cần phải vệ sinh và làm sạch nước bẩn ở chân bugi và nắp cao su.
Kẹt tay ga
Tay ga là bộ phận quan trọng của chiếc xe. Nó giúp người dùng điều khiển tốc độ xe sao cho phù hợp khi lưu thông trên đường. Nếu xe lâu ngày không sử dụng sẽ gây khô dầu mỡ ở các bộ phận chuyển động cũng như khiến xe bám bụi. Hiện tượng kẹt tay ga cũng từ đó mà phát sinh. Khi bị kẹt tay ga, chủ sở hữu không thể khởi động xe máy được.
Đây là một lỗi khó có thể tự sửa chữa, vì vậy chủ sở hữu nên tìm hiểu một trung tâm uy tín để mang xe đi khắc phục. Giá thành sửa chữa hoặc thay thay thế tay ga còn tùy vào từng nguyên nhân cụ thể nhưng thông thường chỉ trong mức giá dưới 500 nghìn đồng.
Nguồn : Source link