Những điều cần biết trước khi ‘độ’ âm thanh cho ô tô
Thực tế, độ loa để tăng “độ chất” cho xe xăng hay xe điện có rất nhiều cuộc tranh luận trên các diễn đàn về ô tô về việc tại sao cần phải bỏ ra cả trăm triệu để thay thế các thiết bị âm thanh tiêu chuẩn trên xe.
Hệ thống âm thanh trên xe hơi có nên nâng cấp hay không là câu hỏi được nhiều người quan tâm. Ảnh minh hoạ.
Với những người yêu thích “đồ zin”, các thiết bị âm thanh trên xe đã được nhà sản xuất tính toán và lựa chọn phù hợp, nếu phải thay thế sẽ cố gắng “về zin” với các thiết bị của nhà sản xuất.
Nhóm phản đối lại cho rằng chất lượng âm thanh của hệ thống “zin” không đáp ứng được nhu cầu, trải nghiệm âm thanh thậm chí… khá tệ. Sau thời gian dài sử dụng, âm thanh không đảm bảo độ sắc nét hoặc bị rè… Chưa kể ngoài việc nâng cao tính giải trí, âm thanh xe hơi còn là điểm nhấn sang trọng, đẳng cấp của chủ xe.
Đa phần các thiết bị âm thanh ô tô gồm 3 nhóm: Nhóm thiết bị điều khiển, nhóm thiết bị cân chỉnh và hệ thống loa. Thiết bị điều khiển thường gồm đầu phát tín hiệu, màn hình, bộ thu sóng radio, đầu CD… Các thiết bị này thường đặt ở vị trí dễ điều khiển và nổi bật ở chính giữa táp lô. Do không gian eo hẹp trên ô tô, các thiết bị này sẽ được tích hợp “all – in – one” để thuận tiện khi sử dụng.
Đối với các xe xăng phiên bản cũ thường có nhiều nút điều khiển, tuy nhiên theo sự phát triển chung, các màn hình cảm ứng được ưu tiên sử dụng nhiều hơn. Kích thước của màn hình cảm ứng cũng lớn hơn có thể đáp ứng nhu cầu xem video chất lượng cao.
Nâng cấp thiết bị âm thanh trên ô tô giúp mang lại trải nghiệm đặc biệt hơn cho người dùng. Ảnh minh hoạ.
Nhóm thiết bị cân chỉnh chủ yếu gồm amply, thiết bị xử lý âm thanh kỹ thuật số (Digital Sound Processor – DSP). Đa số các bộ amply theo xe đều dùng cho loa công suất nhỏ. Bởi vậy, đối với những người yêu thích các dòng nhạc trẻ có tiết tấu nhanh hoặc nhạc không lời đòi hỏi khắt khe về cảm thụ thanh âm của nhạc cụ đòi hỏi phải có bộ amply có khả năng khuếch đại tương ứng. Các thiết bị cân chỉnh thường sẽ đặt dưới gầm ghế, tuy nhiên sử dụng thời gian dài amply sẽ nhanh bị nóng, do đó vị trí phù hợp là phía cốp xe.
Cuối cùng là hệ thống loa gồm loa bass, loa cánh và loa treble. Loa bass dùng để tăng âm trầm, âm bass. Loa cánh phụ trách cả âm mid và bass, còn treble để tăng độ sống động, sắc nét cho âm thanh. Một số dòng xe phân khúc cao cấp, nhà sản xuất có thêm bộ loa phân tần, còn các dòng xe hơi phổ thông sẽ chỉ sử dụng loa công suất thấp.
Những người sành âm thanh sẽ dễ dàng nhận ra sự thiếu hụt “độ chất” khi cảm âm bằng hệ thống này. Do đó, hai phương án “độ loa” được sử dụng nhiều nhất là bổ sung loa cột A (phần khung xe giữa kính lái và kính bên của hàng ghế đầu tiên) và loa di động.
Thông thường, các dòng xe hạng sang thường được đầu tư nhiều về hệ thống âm thanh. Điển hình như xe Mercedes có hệ thống âm thanh vòm Burmester. Các dòng xe C-Class như C200, C300 AMG hay E-Class như E200, E300 AMG đều được trang bị hệ thống âm thanh vòm Burmester 13 loa, riêng dòng S-Class Maybach có đến 26 loa.
Tuy nhiên với các dòng xe phổ thông, để tối ưu giá bán thì những trang bị giải trí như màn hình ô tô và hệ thống âm thanh ô tô thường bị cắt giảm chỉ ở mức trung bình, không được đầu tư nhiều. Mặt khác xe phổ thông thường có thân vỏ mỏng, cách âm kém. Do đó, hệ thống âm thanh lại càng quan trọng vì nó có thể giúp át đi tiếng ồn trong cabin.
Anh Khoa Vũ – chủ một gara tại TP. Hồ Chí Minh cho rằng: “Có rất nhiều khách hàng khó tính, họ đòi hỏi chất lượng âm thanh ở mọi vị trí trên xe đều phải tương đồng nhau để có thể cảm âm được tốt nhất. Đặc biệt là với xe điện, ngồi trong xe sẽ không bị ồn bởi tiếng động cơ nhưng lại rất khó chịu vì tiếng ồn bởi môi trường bên ngoài xe. Theo ghi nhận của tôi, đây là nhóm chịu khó đầu tư các thiết bị âm thanh thời thượng nhất gần đây”.
Trước câu hỏi cho rằng, việc tăng cường các thiết bị âm thanh sẽ gây tiêu hao rất nhiều điện năng trên xe đặc biệt là đối với xe điện, anh Khoa Vũ chia sẻ: “Tôi đã độ dàn loa cao cấp nhất và sub hơi cho 1 con xe Vinfast VFe34, nếu mở nhạc cực lớn trong khoảng thời gian 15 – 20 phút thì chỉ tiêu tốn tối đa 1% pin. Do đó, có thể đánh giá là tiêu hao điện năng của các thiết bị âm thanh nói chung không ảnh hưởng đến hoạt động chung của xe”.
Độ loa giúp tăng cảm giác trải nghiệm cho các tài xế nhưng cũng không ít người băn khoăn về việc nếu độ âm thanh quá lớn trên xe sẽ khiến tài xế bị xao nhãng hoặc gây mất an toàn khi tham gia giao thông. Lý giải về điều này, anh Thắng Lợi, một thợ độ loa ở Hà Nội cho hay, việc độ âm thanh không ảnh hưởng đến quá trình lái xe. Ngược lại, nếu phải lái xe đường dài trong không gian yên tĩnh lại rất dễ gây buồn ngủ hoặc sự ồn ào bên ngoài sẽ gây khó chịu cho tài xế. Nếu có dàn âm thanh phù hợp để nghe những dòng nhạc yêu thích lại giúp cho tài xế tỉnh táo hơn.
Cũng theo anh Lợi, hiện nay các sản phẩm loa ô tô nhập khẩu chính hãng rất ít. Đa phần với dòng loa ô tô thương hiệu lớn đều nhập khẩu dạng tư nhân nhỏ lẻ. Do đó về chất lượng sản phẩm, về giá bán, về chính sách sau bán hàng chưa có sự đồng nhất. Không chỉ thế, trên thị trường bên cạnh hàng chất lượng, loa ô tô giá rẻ trôi nổi hàng nhái, giả các thương hiệu lớn kém chất lượng hơn rất nhiều.
Do đó, lời khuyên được các thợ độ loa chuyên nghiệp đưa ra là khi nâng cấp hệ thống âm thanh xe hơi, độ loa ô tô, bạn nên ưu tiên chọn những địa chỉ độ loa ô tô lớn, bởi những địa chỉ này sẽ niêm yết giá bán rõ ràng, có chính sách bảo hành lâu dài cho người dùng.
Người dùng cũng cần biết hệ thống loa liên quan trực tiếp đến hệ thống điện. Khi độ loa ô tô cần am hiểu chuyên sâu về kỹ thuật điện ô tô, về công suất… của hệ thống loa, âm ly và có kinh nghiệm nhất định. Nếu không sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro chập cháy loa, âm ly hay ảnh hưởng đến cả hệ thống điện ô tô, đặc biệt là với xe ô tô điện.
Nguồn : Source link