Những biện pháp phòng ngừa cháy nổ xe máy điện


Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ khuyến cáo, chủ sở hữu xe điện nên nạp năng lượng khi pin/ắc-quy gần hết, đồng thời sử dụng nguồn điện phù hợp (theo mức điện áp khuyến cáo của nhà sản xuất) và ổn định.

Lưu ý, người dùng không nên sạc ngay sau khi vừa chạy xe, nên chờ bình điện nguội trong khoảng 20 phút rồi mới sạc. Ngoài ra, chủ sở hữu không sạc pin qua đêm hoặc sạc quá 8 giờ liên tục. Nếu xe để lâu không sử dụng, người dùng sạc pin đầy rồi tháo rời bộ phận này khỏi xe để tăng độ bền.

Cùng với đó, chủ sở hữu phương tiện cần bảo quản pin/ắc-quy bằng cách đặt xe tại vị trí bảo đảm cao ráo và thông thoáng. Không để pin/ắc-quy tại các khu vực nóng, ẩm trong thời gian dài. Ngoài ra, khi bộ phận chứa năng lượng điện bị va chạm mạnh, nên kiểm tra kỹ càng để đảm bảo chất lượng của xe.

Tiếp đến, xe điện cần được bảo dưỡng pin/ắc-quy cũng như hệ thống dẫn điện thường xuyên. Chủ sở hữu nên đưa xe đi kiểm tra định kỳ khoảng 3 tháng/lần nhằm theo dõi các bộ phận như pin/ắc-quy, hệ thống sạc cũng như tất cả bộ phận khác.

Đồng thời, người dùng tuyệt đối không tự ý thay đổi kết cấu của xe, lắp thêm các phụ kiện, thiết bị tác động đến hệ thống dây dẫn và nguồn điện của xe (thiết bị không tương thích, chênh lệch nguồn điện có thể làm pin/ắc-quy phát nổ).

Khi rửa xe, cần lưu ý không dùng tia nước áp lực cao hoặc phun trực tiếp vào các vị trí dưới yên xe. Sau khi rửa xe, cần lau khô khu vực pin/ắc-quy, phanh của xe rồi mới khởi động lại. Khi đi mưa về cần để xe ở vị trí khô ráo, thoáng gió để hong khô và kiểm tra xác định có nước vào trong vị trí pin/ắc-quy không.

Việc chữa cháy liên quan đến pin lithium-ion, ắc quy trên xe điện có sự khác biệt với xe động cơ đốt trong. Do đó, đội ngũ tham gia chữa cháy tránh dội nước vào thẳng bộ pin, vì nước và lithium có thể tạo ra khí hydro, khiến tình trạng cháy nổ dễ lan rộng. Lưu ý, bình chữa cháy tiêu chuẩn có thể giúp ích trong việc chữa cháy xe điện.



Nguồn : Source link