Kỹ Thuật & Công Nghệ

Ngoài thiệt hại nghiêm trọng, tài xế còn bị phạt gì?


Thông tin từ Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, lúc 17h16′ chiều (5/6), tàu hàng 3604 chạy đến khu gian Kim Nỗ – Phú Diễn tuyến đường sắt vành đai Hà Nội thì va phải xe ô tô đỗ vi phạm khổ giới hạn đường sắt.

Chiếc ô tô đã bị hất văng ra khỏi đường sắt, móp đầu xe, hư hỏng nặng. Rất may, khi đó không có người trong xe, nên không có tai nạn về người. Lái tàu phối hợp với ga Phú Diễn giải quyết xong cho tàu chạy lúc 18h05.

Ô tô bị tàu hỏa hất văng: Ngoài thiệt hại nghiêm trọng, tài xế còn bị phạt gì?- Ảnh 1.

Ô tô bị hư hỏng nặng sau cú va chạm với tàu hỏa. Ảnh: Vietnamnet

Vụ việc đã được người dân quay clip lại và chia sẻ trên mạng xã hội. Theo hình ảnh trong clip, lái xe đã đỗ xe sát đường ray và đi chỗ khác. Khi tàu đến, có người hô to, lái xe mới chạy đến nhưng không kịp, lái tàu đã kéo hãm nhưng đầu máy vẫn đâm vào ô tô.

Qua quan sát vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường, trưởng đại diện văn phòng luật sư Chính Pháp, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho rằng, hành vi dừng đỗ xe ô tô trong tình huống qua clip là rất nguy hiểm, hoàn toàn có thể gây ra tai nạn giao thông, nếu hậu quả nghiêm trọng thì người này sẽ bị xử lý hình sự, nếu hậu quả chưa nghiêm trọng thì cũng sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính.

Luật sư Cường phân tích, theo quy định tại Điều 18 Luật giao thông đường bộ, dừng xe là trạng thái đứng yên tạm thời của phương tiện giao thông trong một khoảng thời gian cần thiết đủ để cho người lên, xuống phương tiện, xếp dỡ hàng hóa hoặc thực hiện công việc khác. Đỗ xe là trạng thái đứng yên của phương tiện giao thông không giới hạn thời gian. Dừng đỗ xe là một trong những trạng thái khi tham gia giao thông, việc dừng đỗ xe phải tuân thủ các quy tắc đảm bảo an toàn của luật giao thông đường bộ để tránh va chạm, tai nạn giao thông cũng như không cản trở giao thông đường bộ.

Bên cạnh đó, luật sư Cường cũng cho hay, Luật giao thông đường bộ cũng quy định Người điều khiển phương tiện không được dừng xe, đỗ xe tại các vị trí sau đây: Bên trái đường một chiều; Trên các đoạn đường cong và gần đầu dốc tầm nhìn bị che khuất; Trên cầu, gầm cầu vượt; Song song với một xe khác đang dừng, đỗ; Trên phần đường dành cho người đi bộ qua đường; Nơi đường giao nhau và trong phạm vi 5 mét tính từ mép đường giao nhau; Nơi dừng của xe buýt; Trước cổng và trong phạm vi 5 mét hai bên cổng trụ sở cơ quan, tổ chức; Tại nơi phần đường có bề rộng chỉ đủ cho một làn xe; “Trong phạm vi an toàn của đường sắt”; Che khuất biển báo hiệu đường bộ.

Như vậy, theo quy định tại Điều 18 của Luật Giao thông đường bộ thì việc dừng đỗ xe phải đảm bảo an toàn cho bản thân và an toàn cho các phương tiện khác khi tham gia giao thông, nghiêm cấm việc dừng đỗ xe “trong phạm vi an toàn của đường sắt”.

Trong khi đó, theo luật sư Cường, theo quy định tại Điều 27 Luật Đường sắt thì phạm vi bảo vệ đường sắt bao gồm khoảng không phía trên, dải đất hai bên và phía dưới mặt đất của đường sắt được quy định như sau: Phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt tính từ đỉnh ray trở lên theo phương thẳng đứng đối với đường khổ 1000 milimét theo cấp kỹ thuật là 5,30 mét; đối với đường khổ 1435 milimét là 6,55 mét. Khoảng cách giữa đường sắt với đường tải điện đi ngang qua phía trên đường sắt được thực hiện theo quy định của Luật Điện lực;

Phạm vi dải đất bảo vệ hai bên đường sắt được xác định như sau: 7 mét tính từ mép ngoài của ray ngoài cùng trở ra đối với nền đường không đắp, không đào; 5 mét tính từ chân nền đường đắp hoặc 3 mét tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước dọc trở ra đối với nền đường đắp; 5 mét tính từ mép đỉnh đường đào hoặc 3 mét tính từ mép ngoài của rãnh thoát nước đỉnh trở ra đối với nền đường đào;

Phạm vi bảo vệ phía dưới mặt đất của công trình đường sắt khi có công trình được xây dựng ngầm dưới công trình đường sắt do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quyết định.

Nghị định 56/2018/NĐ-CP quy định về quản lý, bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt. Cụ thể, Phụ lục II của Nghị định 56 đã mô tả chi tiết cách xác định phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường sắt, trong đó có hành lang an toàn giao thông (ATGT) đường sắt.

Chiều rộng hành lang ATGT đường sắt được tính từ mép ngoài phạm vi bảo vệ đường sắt trở ra mỗi bên, và được xác định như sau: Đường sắt tốc độ cao: trong khu vực đô thị là 5 mét, ngoài khu vực đô thị là 15 mét; Đường sắt đô thị đi trên mặt đất, đường sắt còn lại là 3 mét.

Chiều cao hành lang ATGT đường sắt được tính từ mặt đất trở lên theo phương thẳng đứng đến giới hạn phạm vi bảo vệ trên không của đường sắt.

Ô tô bị tàu hỏa hất văng: Ngoài thiệt hại nghiêm trọng, tài xế còn bị phạt gì?- Ảnh 2.

Trường hợp đỗ xe vi phạm hành lang an toàn đường sắt. Ảnh: Công an TP Hải Phòng

Như vậy, theo quy định của pháp luật thì khoảng cách thuộc phạm vi an toàn đường sắt tối thiểu là 3m, thông thường là 5m trở lên. Qua clip cho thấy chiếc xe ô tô đỗ tiếp giáp với đường sắt mà không đảm bảo phạm vi an toàn theo quy định của pháp luật nên hành vi đỗ xe này là vi phạm luật giao thông đường bộ và đường sắt. Người thực hiện hành vi này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính, nếu hậu quả nghiêm trọng còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

“Theo quy định tại Điểm a khoản 7 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP và Điểm d khoản 3 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP thì hành vi “Dừng xe, đỗ xe, quay đầu xe, lùi xe, tránh xe, vượt xe, chuyển hướng, chuyển làn đường không đúng quy định gây tai nạn giao thông” thì người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng và bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe từ 2 tháng đến 4 tháng”- luật sư Cường nói.

Luật sư Cường cũng thông tin thêm, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ hậu quả của vụ tai nạn giao thông này để xác định đã đến mức nghiêm trọng hay chưa, nếu hậu quả vụ tai nạn được xác định là nghiêm trọng, gây thiệt hại đến tài sản của người khác từ 100.000.000 đồng trở lên thì người đàn ông này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ Luật hình sự.

Theo Luật sư Cường, vụ việc này sẽ là bài học cho nhiều người khi không tuân thủ các quy tắc đảm bảo trật tự an toàn giao thông, bản thân vừa thiệt hại vừa có thể còn vướng vào vòng lao lý. Qua sự việc này cơ quan chức năng cũng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật để nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm những hành vi dừng đỗ xe sai quy định có thể gây ra tai nạn giao thông để tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button