Mới đây, một tài xế đã đăng tải hình ảnh kính chắn gió xe của anh bị nứt lên diễn đàn ô tô và thắc mắc liệu tình trạng này có khiến anh gặp lỗi an toàn giao thông hay không. Ngay sau đó, nhiều ý kiến trái chiều đã được đưa ra về hiện tượng này.
Tình trạng kính chắn gió của vị tài xế.
Anh S.L., trú tại Hải Phòng cho biết: “Vì kính chưa vỡ hẳn nên chưa thể phạm luật được. Tuy nhiên nếu đi đăng kiểm thì xe vẫn không đạt chuẩn, cần phải thay kính mới”.
Đồng ý với anh S.L., một người có tên Nguyễn Khiên nói: “Theo luật thì không có kính hoặc bị vỡ mới bị phạt, còn đây chỉ là nứt thôi. Nhưng xét về ‘phong thủy’ thì nên thay sớm nhé”.
Tuy nhiên, anh Lê Nhật, trú tại thành phố Hồ Chí Minh có ý kiến ngược lại: “Kính chắn gió nứt như thế này thì đã phạm luật, cần phải thay gấp kẻo nguy hiểm”.
Như vậy, dù phạm luật hay không, hiện tượng kính chắn gió biến dạng, sứt mẻ luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro cho sự an toàn của hành khách và tài xế và cần phải khắc phục ngay lập tức. Bộ phận này có vai trò bảo vệ, che nắng che mưa và đảm bảo tầm nhìn tốt cho người lái xe. Việc bị nứt hoặc rạn mặt kính sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến độ thẩm mỹ, gây cản trở tầm nhìn cho các lái xe dẫn đến thiếu an toàn, thậm chí khi chịu áp lực của gió mạnh do di chuyển nhanh hoặc đi qua những cung đường gồ ghề, tấm kính có thể vỡ hoàn toàn, các mảnh thủy tinh sẽ bay thẳng vào mặt người ngồi bên trong.
Căn cứ khoản 1 và điểm a khoản 7 Điều 16 Nghị định số 46/2016/NĐ-CP ngày 26 tháng 5 năm 2016 của Chính phủ, người điều khiển xe ô tô (bao gồm cả rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo theo) và các loại xe tương tự xe ô tô bị phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với hành vi điều khiển xe không có kính chắn gió hoặc có nhưng vỡ hoặc có nhưng không có tác dụng (đối với xe có thiết kế lắp kính chắn gió). Ngoài việc bị áp dụng hình thức xử phạt, người điều khiển xe thực hiện hành vi vi phạm phải lắp đầy đủ hoặc thay thế thiết bị đạt tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật, tháo bỏ những bộ phận lắp thêm không đúng quy định. Như vậy, người điều khiển xe ô tô sử dụng kính chắn gió bị vỡ có thể bị xử phạt hành chính và phải tháo bỏ kính chắn gió bị vỡ, đồng thời lắp kính theo đúng quy định.
Do đó, trong trường hợp trên, phần kính phía trước chiếc xe cũng có thể khiến người lái xe bị phạt vì khi đi tốc độ nhanh trong mức độ cho phép, kính chắn gió vẫn có thể bị vỡ toang, do đó tác dụng của bộ phận này khi bị rạn nứt vốn đã mất, không thể đáp ứng được tốc độ di chuyển cho phép, gây mất an toàn.
Với hiện tượng này, chủ sở hữu vẫn có thể bị phạt hành chính.
Cách xử lý khi kính chắn gió bị rạn nứt:
Khi kính chắn gió bị rạn nứt, chủ sở hữu sẽ có 2 lựa chọn để khắc phục là hàn kính hoặc thay cả tấm kính. Nếu kích thước của vết nứt từ dưới 15 cm thì khả năng xử lý thành công bằng hàn kính khá cao. Vì vậy, vết nứt càng rộng sẽ khó khắc phục. Đặc biệt, những vết nứt càng gần cạnh của kính thì càng nguy hiểm. Nếu khoảng cách giữa điểm va chạm và cạnh kính nhỏ hơn 4 cm thì nên thay kính. Cùng với đó, khi vết nứt nằm chắn ngay tầm nhìn của người điều khiển thì chủ xe cũng nên thay cả tấm kính vì vết hàn kính có thể làm ảnh hưởng đến khả năng quan sát của người lái và tăng nguy cơ tai nạn.
Mức độ nghiêm trọng của các vết nứt từ thấp đến cao lần lượt được xếp theo các hình tròn có đường viền xanh lục, vàng, đỏ.
Khi kính chắn gió bị nứt, cần phải khắc phục ngay lập tức. Dù vậy, trong những tình huống bất đắc dĩ chủ sở hữu chưa sửa chữa bộ phận này được, họ nên thực hiện lưu ý dưới đây để giảm mức độ hỏng hóc.
Đối với những vết nứt nhỏ, người lái có thể khắc phục trong thời gian ngắn bằng cách dùng sơn móng tay hoặc keo dính. Đầu tiên, cần lau sạch bụi bẩn trong các vết nứt, bôi keo hoặc sơn móng tay lên vị trí nứt và đợi khô để cố định các mảnh kính.
Ngoài ra, chủ sở hữu nên hạn chế tối đa việc thay đổi nhiệt độ của mặt kính một cách đột ngột chẳng hạn như để xe dưới ánh nắng trực tiếp hoặc xịt nước có nhiệt độ chênh lệch quá nhiều với bề mặt. Tuy nhiên, những phương pháp này chỉ mang tính tạm thời, nếu muốn giải quyết triệt để, người dùng cần đưa xe đến các đội ngũ sửa chữa chuyên nghiệp.
Nguồn : Source link