Kỹ Thuật & Công Nghệ

Mua ô tô trả góp chạy dịch vụ, còng lưng gánh cả tiền xăng lẫn lãi ngân hàng


Gần 17h, anh Nguyễn Văn Duy – tài xế Grab car – tìm cho mình một quán trà đá trên đường Đỗ Đức Dục (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) để nghỉ ngơi, đợi qua giờ cao điểm. Theo anh Duy, ngay khi nghe tin giá xăng dầu tăng lên mức kỷ lục trong chiều 11/5, anh quyết định tạm không nhận khách trong giờ cao điểm.

Ở Hà Nội, đến giờ cao điểm thì hầu hết các tuyến đường đều ùn tắc. Muốn di chuyển 3-4km có khi phải mất cả tiếng đồng hồ. Giá xăng dầu lại đắt đỏ như thế nên chắc chắn nếu chạy xe sẽ lỗ. Thôi thì ngồi đợi đến khi qua giờ cao điểm mình chạy tiếp, đỡ lỗ hơn”, anh Duy nói.

Chiếc ô tô được anh Duy mua hơn 2 năm nay với giá hơn 600 triệu đồng để chạy dịch vụ đưa đón khách. Trong đó, anh đang nợ ngân hàng tới gần 400 triệu theo hình thức mua xe trả góp. Cả thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch, anh Duy phải rất vất vả mới có thể đóng gần chục triệu đồng cho ngân hàng mỗi tháng.

Gần đây, khi dịch bệnh được kiểm soát, anh cố gắng chạy xe từ sáng tới tận đêm muộn để có thể kiếm thêm thu nhập, đảm bảo trả ngân hàng đúng hẹn và duy trì cuộc sống gia đình. Tuy nhiên, giá xăng không ngừng lên cao, buộc anh Duy phải tính toán từng cuốc xe một.

Giá xăng cao như thế này khiến tôi không dám nhận khách trong giờ cao điểm. Thu nhập chắc chắn sụt giảm và tình trạng này sẽ còn kéo dài, bởi giá xăng thường tăng mạnh nhưng giảm lại rất nhỏ giọt”, anh Duy than.

Mua ô tô trả góp chạy dịch vụ, còng lưng gánh cả tiền xăng lẫn lãi ngân hàng - Ảnh 1.

Nhiều lái xe công nghệ chấp nhận bỏ nghề khi giá xăng dầu ngày càng đắt. (Ảnh minh họa)

Cùng cảnh ngộ, anh Tạ Tú Thành (quê Tuyên Quang) tài xế ô tô đưa đón khách tại khu vực sân bay Nội Bài cũng ngán ngẩm khi nghe tin giá xăng đắt kỷ lục. Anh Thành tính nhẩm, tháng này, ngoài khoản nợ mua xe trả góp thì thu nhập của anh lại sắp bị ảnh hưởng thêm bởi chi phí nguyên liệu.

Anh Thành kể, có rất đông tài xế đưa đón khách ở sân bay Nội Bài đi các khu vực nội thành Hà Nội, vì thế tính cạnh tranh rất cao và không phải lúc nào cũng có đều khách. Bên cạnh đó, các tài xế ở đây còn phải chịu nhiều loại phí dịch vụ ra vào, bãi đỗ khác nhau vì thế thu nhập mỗi ngày cũng không được gọi là cao.

“Chạy xe đưa đón khách ở sân bay, cần nhất là phải có lượng khách quen, người ta hay đi sẽ chỉ gọi mình. Để duy trì được những mối này, mình luôn phải đến sớm hơn giờ máy bay hạ cánh rồi nằm chờ để khách không phải đợi hay lỡ chuyến. Giờ mỗi lúc cần dừng xe là phải tắt máy và chấp nhận nóng ngay cả ngày hè nóng nực sắp tới, để đỡ tốn xăng”, tài xế Thành nói.

Quyết định rao bán chiếc ô tô mới mua được hơn 1 năm ngay sau một ngày nghe tin giá xăng tăng tăng mạnh, anh Nguyễn Văn Ngọc cho biết sẽ tìm nghề khác để kiếm sống bởi nghề lái ô tô dịch vụ phải chịu quá nhiều khó khăn, khi mà xăng dầu ngày càng đắt đỏ.

Trước đó, anh Ngọc mua trả góp chiếc ô tô Toyota Vios với sự hỗ trợ hơn 300 triệu của ngân hàng để chạy dịch vụ chạy xe ghép đón khách từ Nam Định đi Hà Nội. Hàng tháng, anh Ngọc phải đóng cho ngân hàng hơn 6 triệu đồng tiền mua xe, cộng với chi phí chăm sóc bảo dưỡng và xăng dầu cũng lên đến hơn chục triệu đồng. Việc giá xăng cao kỷ lục đã phá vỡ sự “chịu đựng” nên anh Ngọc quyết định rao bán xe, trả hết tiền ngân hàng rồi chuyển nghề.

“Cứ nghĩ chạy xe dịch vụ sẽ nhàn bởi quãng đường từ Nam Định lên Hà Nội không quá xa, bên cạnh đó tính toán thu nhập và số tiền phải trả cho ngân hàng vẫn có thể cân đối được. Nhưng sau một thời gian làm tôi mới biết được những khó khăn và chi phí nằm ngoài tính toán phải bỏ ra. Bây giờ giá xăng dầu cao như thế, mỗi chuyến chở khách tôi chả còn lại được bao nhiêu. Tăng giá xe thì không được, bởi nhiều khách quen và cũng là mức giá chung rồi”, anh Ngọc nói.

Trên nhiều diễn đàn mạng xã hội, nhiều tài xế ô tô khác cũng đang rủ nhau bán xe hoặc bỏ nghề bởi ngoài mức giá xăng tăng cao, việc chiết khấu cho các đơn vị sở hữu ứng dụng gọi xe như Grap, Be, Gocar cũng không hề thấp.

Nhiều tài xế cho biết, việc phải xoay tiền hàng tháng để trả ngân hàng cộng thêm tiền xăng dầu ngày càng cao khiến công sức họ bỏ ra càng ngày càng thấp, chưa kể nhiều khi lỗ nặng.

Chiều 11/5, liên bộ Công Thương – Tài chính công bố điều chỉnh giá xăng dầu theo hướng tăng hầu hết các mặt hàng.

Cụ thể, xăng E5RON92 tăng 1.491 đồng/lít, giá bán lẻ là 28.959 đồng/lít; xăng RON95 tăng 1.554 đồng/lít, giá bán ra không cao hơn 29.988 đồng/lít. Tương tự, giá dầu diesel tăng 1.120 đồng/lít, lên 26.650 đồng/lít. Dầu hỏa tăng 1.340 đồng/lít, bán ra 25.168 đồng/lít. Riêng dầu mazut giữ nguyên giá, bán ra không cao hơn 21.560 đồng/kg.



Nguồn : Source link

Tin Liên Quan

Back to top button