Trong lịch sử làng xe toàn cầu, các động cơ với số lượng xy-lanh như 2, 3, 4, 5, 6 hay 8 không ít. Ở nhóm trên, động cơ 10, 12 hay 16 xy-lanh cũng xuất hiện không ít thì nhiều. Tuy nhiên, tuyệt nhiên không có hãng xe nào ra mắt xe đại trà có 7 xy-lanh. Tại sao lại như vậy?
Theo lý giải của Drivetribe, yếu tố vật lý và kỹ thuật là nguyên nhân chính khiến ô tô không có động cơ 7 xy-lanh. Số lượng xy-lanh thường được chọn là số chẵn, đặc biệt là với động cơ có số xy-lanh lớn. Sở dĩ như vậy là bởi lực đối lập sinh ra bởi xy-lanh sẽ triệt tiêu lẫn nhau.
Nhờ vậy, lực từ khoang động cơ không truyền tới phần còn lại của thân xe và qua đó giúp người ngồi trong cabin có trải nghiệm êm ái hơn. Ngoài ra, chính động cơ cũng vận hành mượt mà hơn để mang lại trải nghiệm tốt cho người dùng.
Trong khi đó, động cơ có số xy-lanh lẻ không có được ưu điểm như vậy. Phức tạp nhất có lẽ là động cơ 3 xy-lanh khi 3 pít tông động cơ này vận hành với chu kỳ khác nhau và do đó không triệt tiêu được lực. Động cơ này bắt buộc dùng trục cân bằng để triệt tiêu lực mới đạt được độ êm như động cơ có số xy-lanh chẵn.
Động cơ 5 xy-lanh, nhờ có thêm 2 xy-lanh mới, có một số chu kỳ trùng lặp và do đó tạo được lực triệt tiêu nhau. Audi từng có một thời rất thành công với dòng động cơ này.
Với động cơ 7 xy-lanh, lực sinh ra tiếp tục đối lập lẫn nhau và tự triệt tiêu để tạo độ mượt mà và giảm rung chấn tốt hơn. Tuy nhiên, một động cơ 7 xy-lanh chỉ có thể đạt kết quả tối ưu với kết cấu xy-lanh thẳng hàng. Kết cấu này, với 7 xy-lanh, lại yêu cầu trục khuỷu cực nặng mà không dùng được lại trên bất cứ động cơ nào khác (như xe 8 xy-lanh dùng được trục khuỷu xe 4 xy-lanh) và do đó rất đắt đỏ.
Thêm vào đó, kết cấu trên cũng không mang lại được cho xe 7 xy-lanh độ mượt mà như động cơ 6 hay 8 xy-lanh. Tất cả những yếu tố này khiến không hãng xe nào mặn mà chế tạo động cơ trên.
Tuy không được sử dụng trên ô tô, dòng động cơ trên vẫn đôi khi xuất hiện trên tàu, máy móc nông nghiệp và hàng không.
Nguồn : Source link